Để tuổi trẻ là thế hệ tiên phong chuyển đổi số

    14:19 09/09/2023

    Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 - 2027 đã đề ra mục tiêu phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo, trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong hội nhập quốc tế, chuyển đổi số quốc gia, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

    Hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng Hải Phòng smart

    Theo đó, thời gian qua, đoàn viên, thanh niên thành phố Cảng không chỉ tiên phong, mà còn tham gia tích cực vào công cuộc đẩy nhanh tốc độ thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung. Với 20 chương trình cấp thành phố, 130 hoạt động cấp cơ sở, các cấp bộ Đoàn đã tập trung phát huy vai trò tiên phong, nòng cốt của đoàn viên, thanh niên trong chuyển đổi số, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của thanh niên toàn thành phố.

    Cụ thể, tuổi trẻ Hải Phòng đã thực hiện chuyển đổi số trong công tác Đoàn, chuyển sinh hoạt của Đoàn Thanh niên lên môi trường số và thực hiện các công trình thanh niên về chuyển đổi số. Đặc biệt, công trình thanh niên "chuyển đổi số trong quảng bá di tích lịch sử-văn hóa" được đánh giá là một hoạt động sáng tạo nổi bật nằm trong chuỗi các hoạt động Chuyển đổi số của tuổi trẻ Hải Phòng năm 2023. Cùng với đó, tuổi trẻ thành phố đã triển khai lắp đặt mã phản hồi nhanh (QR Code) tại 378 địa điểm di tích lịch sử-văn hóa được xếp hạng cấp thành phố; xây dựng công trình "Chợ dân sinh chuyển đổi số và khu phố 4.0" - mô hình mở tài khoản, cài đặt ứng dụng Vietinbank Ipay và sử dụng mã QR thanh toán trực tuyến không cần tới tiền mặt cho các hộ kinh doanh lẻ, tiểu thương tại các chợ dân sinh.

    Hiện, các điểm chợ dân sinh trên địa bàn các quận Kiến An, Lê Chân, Đồ Sơn đã hoạt động hiệu quả và phấn đấu hết năm 2023 sẽ có 75 mô hình hoạt động với mục tiêu: mỗi phường, thị trấn sẽ có ít nhất một mô hình chợ dân sinh chuyển đổi số hoặc khu phố 4.0...

    Công trình thanh niên "chuyển đổi số trong quảng bá di tích lịch sử-văn hóa"

    Chuyển đổi số thực tế không còn là một nhiệm vụ mới. Thực tiễn cho thấy, thời gian qua, lực lượng đoàn viên, thanh niên đã tích cực, chủ động, sáng tạo và tiên phong đưa công nghệ, nội dung số vào quá trình công tác, học tập, nghiên cứu, sản xuất, tổ chức hoạt động phong trào thanh niên, như: Tổ chức một số cuộc thi thông qua hình thức trực tuyến; truyền thông các hoạt động, định hướng, chỉ đạo các đơn vị đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng qua mạng xã hội; xây dựng phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin; nghiên cứu sản xuất kinh doanh dịch vụ số, sản phẩm số, sản phẩm công nghệ cao...

    Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai chuyển đổi số trong tổ chức Đoàn trên phạm vi cả nước còn gặp một số khó khăn và chưa đồng bộ. Một phần nguyên nhân trở ngại đó là cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ cho quá trình chuyển đổi số còn chưa được đầy đủ ở nhiều vùng miền, tỉnh, thành, cơ quan, đơn vị. Một bộ phận đoàn viên, thanh niên còn có tư duy ngại thay đổi trong việc tìm tòi, học hỏi và ứng dụng công nghệ, chưa mạnh dạn nhận nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó để thể hiện vai trò, năng lực của tuổi trẻ...

    Để góp phần giải quyết thực trạng trên, đồng thời đẩy mạnh phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong quá trình chuyển đổi số, Trung ương Đoàn đang xây dựng Đề án "Nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên Việt Nam giai đoạn 2023 - 2030" để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với nhiều nhóm giải pháp khác nhau, Đề án hướng tới mục tiêu hỗ trợ thanh thiếu niên nâng cao nhận thức, thái độ; trang bị kiến thức, kỹ năng phục vụ giao tiếp xã hội, học tập, nghiên cứu, giải trí, làm việc, khởi nghiệp sáng tạo... trong môi trường số.

    Nhận định về vấn đề này, Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy cho rằng, muốn chuyển đổi số thành công phải có những con người làm việc được ở trong môi trường số, trong đó hai yếu tố quan trọng là về nhận thức số và năng lực số. Chuyển đổi số được xem là " thay đổi có tính chất phá hủy", tức là thay đổi hoàn toàn phương thức học tập, làm việc cũ.

    Do đó, nếu nhận thức không đúng vai trò thì không có quyết tâm để thực hiện thay đổi. Năng lực số chính là năng lực sử dụng máy tính, công nghệ thông tin, thông tin - truyền thông; thái độ, kiến thức, kỹ năng giúp đoàn viên, thanh niên học tập, làm việc được trong môi trường số. Vì vậy, vai trò, trách nhiệm của Đoàn và các tổ chức khác là tạo môi trường để đoàn viên, thanh niên rèn luyện nâng cao năng lực số. Bên cạnh đó, từng đoàn viên, thanh niên cần có ý thức tham gia vào quá trình chuyển đổi số, tự nâng cao năng lực số và trở thành thế hệ tiên phong trong chuyển đổi số.

    Thái Bình

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông