14:27 02/05/2024
Dân gian đã có câu “Người đẹp vì lụa" ngụ ý cách ăn mặc phản ánh rất rõ gu thẩm mỹ, trình độ văn hóa, văn minh của mỗi con người. Triết lý ấy của người xưa càng giúp ta có cái nhìn thật đúng đắn và rõ ràng hơn về trang phục - một biểu hiện cực kỳ quan trọng về hình thức bên ngoài để từ đó mỗi người có sự chọn lựa hợp lý, tinh tế cho bản thân mình.
Trang phục bao gồm tất cả những thứ chúng ta mang trên người từ quần áo, giày dép đến các loại phụ kiện đi kèm như túi xách, kính mắt, đồng hồ, vòng tay, vòng cổ... Bản chất trang phục không chỉ mang chức năng giữ ấm, che chở bảo vệ cho con người mà dưới góc độ thẩm mỹ, nó lại ví như tác phẩm nghệ thuật mà mỗi người tạo nên. Hơn thế, trang phục còn biết "nói" giúp chủ nhân của nó thể hiện họ là ai, nghề nghiệp gì, thị hiếu thẩm mỹ như thế nào. Một bộ trang phục đẹp và phù hợp sẽ giúp mỗi người trở nên tự tin khi giao tiếp với mọi người trong xã hội.
Quả không sai nếu ai đó đã nhận xét, trước đây, nhu cầu sống của con người chỉ là ăn no, mặc ấm thì ngày nay nhu cầu đã thay đổi thành ăn ngon, mặc đẹp. Bởi vậy, trang phục khoác lên người không đơn thuần chỉ là tạo nên sự ấm áp vào mùa Đông hay là mát mẻ vào mùa Hè mà còn cần phải đẹp. Vậy như thế nào là trang phục đẹp? Thật ra rất khó để đưa ra định nghĩa như thế nào là một trang phục đẹp. Có thể hiểu một cách đơn giản là trang phục vừa vặn với cơ thể của người mặc, màu sắc hài hòa, phù hợp với không gian, với văn hóa thì được xem là một trang phục đẹp. Nếu những yếu tố cần và đủ nói trên còn được kết hợp khéo léo và hợp lý với "mốt" nữa thì thật khỏi chê. Thực tế là vậy, song đáng tiếc hiện nay, phía sau của xu hướng mặc đẹp, sang trọng, lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục, hợp chuẩn đạo đức của số đông thì trong xã hội còn đâu đó những lối trang phục "lố" tới mức không giống ai, thâm chí tiệm cận luôn với phản cảm, thiếu văn hóa. Vậy nên câu hỏi đặt ra, mặc thế nào cho đẹp, cho chuẩn mực là vấn đề chưa bao giờ cũ.
Đó là tốp người vì quá chạy theo “mốt”, thep phong cách lạ nước ngoài một cách thiếu chọn lọc mà không quan tâm đến hoàn cảnh, độ tuổi, giới tính, diện lên người những bộ trang phục không phù hợp, thậm chí là trái với thuần phong mỹ tục của đời sống văn hoá từ xưa tới nay. Chẳng hạn như đến những nơi linh thiêng, trang trọng như đền chùa, khu tưởng niệm thì mang áo quần ngắn cũn cỡn, hở phần trên, lộ phần dưới; đi đám hiếu thì chọn bộ đồ sặc sỡ, lòe loẹt nổi bật... gây phản cảm cho mọi người. Những người ăn mặc như vậy không thể tránh khỏi những lời bàn tán, dị nghị về gu thẩm mỹ thời trang cũng như ý thức của họ.
Thời gian qua, dư luận đã lên án gay gắt hành vi phản cảm của một số sinh viên của một trường đại học mặc đồ hở ngực, hở rốn lên giảng đường. Không chỉ có các bạn nữ mà ngay cả các nam sinh viên ngày nay cũng chẳng kém cạnh, vô tư diện những chiếc quần Jean xé rách te tua, đục lỗ nham nhở, áo bó khoe body, đôi khi còn có những chiếc quần tụt quá mông, lộ cả nội y bên trong…hồn nhiên ra đường tham gia các hoạt động xã hội, thậm chí là đi học hay đến các nơi tôn nghiêm. Nhiều nhà văn hóa cho rằng, đây là một hiện tượng khoe khoang ăn mặc lệch chuẩn, phản cảm và phản văn hóa trầm trọng.
Ông bà ta thường nói “Ăn cho mình, mặc cho người”, ý nói việc mặc như thế nào cho đẹp không chỉ là sở thích của mỗi cá nhân mà phải phù hợp với hoàn cảnh, công việc và với cả vóc người của người mặc nữa. Nhà bác học Albert Einstein từng nói một câu chí lý: “Hãy ăn để thỏa mãn mình, nhưng mặc để thỏa mãn người khác”. Nói về ý nghĩa của mặc, James Laver, nhà sử học nghệ thuật người Anh cho rằng: “Ăn mặc không phải làm tốt cho mình mà để tôn trọng kẻ khác”. Mới thấy, sự mặc là một phần văn hóa không thể thiếu của mỗi con người, mỗi dân tộc.
Ngọc Hà
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão