17:04 18/01/2014
Dự án đầu tư xây dựng VSIP triển khai xây dựng từ năm 2010 với tổng diện tích được duyệt là 1.600ha, đã có quyết định thu hồi 649ha, đến nay đã giải phóng mặt bằng (GPMB) và bàn giao xong trên 390ha. Với hơn 5.400 hộ dân và tổng diện tích được bồi thường hỗ trợ là 454,1 ha, có thể nói đó là một khối lượng công việc đồ sộ…
ANTT phải phù hợp với tính chất: Đô thị - Công nghiệp - Dịch vụ Đến nay vẫn còn một số hộ gia đình tiếp tục có kiến nghị; có hộ không nhận tiền đền bù, biểu hiện chống đối, thậm chí còn chuẩn bị quan tài trong nhà để “dọa” lực lượng thi công. Kiến nghị, yêu cầu và đòi hỏi tập trung chủ yếu về giá bồi thường thu hồi đất. Trong quý I/2013, còn xuất hiện một số hiện tượng trộm cắp nguyên vật liệu, đe dọa nhân viên của các nhà đầu tư, gây rối TTCC trong khu vực. Đặc biệt từ tháng 6-2013, liên tục xảy ra nhiều vụ việc phức tạp, trong đó đáng lưu ý là việc một số đối tượng xã An Lư lợi dụng việc đòi hỏi quyền lợi của người dân trong xã đối với vấn đề giải quyết việc làm để tranh chấp, đòi quyền lợi trong thu mua phế liệu, tranh chấp trong thực hiện dịch vụ bảo vệ tại các nhà máy thuộc VSIP. Cá biệt liên quan đến việc tranh chấp trong thực hiện dịch vụ hợp đồng bảo vệ, một số đối tượng đã thực hiện cả hành vi chống lại lực lượng CAH Thủy Nguyên đang làm nhiệm vụ bảo vệ ANTT tại dự án… 3h10 ngày 1-6, có hai đối tượng đi xe máy từ hướng thôn Sáu Phiên, xã An Lư, đã ném chai xăng vào lán nhà thầu Hecico gây cháy. Tiếp đó, 2h ngày 22-6, có hai đối tượng đi xe máy ném đá vào Trạm điện 110KV thuộc KCN. Sáng 5-8, một số người dân ở xã An Lư đã đến gây mất ANTT tại cổng Công ty Fuji Xerox. Vào 2h ngày 15-9, hai đối tượng đi xe máy ném 2 chai xăng vào cổng Công ty Kyocera Việt Nam gây cháy tường bảo vệ. Vào 19h ngày 30-9, một số đông thanh niên và người dân đến gây mất ANTT tại cổng Công ty Fuji Xerox. 13h ngày 2-10, một số người dân cũng tụ tập tại cổng công ty này gây mất ANTT. Cho đến 22h ngày 3-10, có một số đối tượng chưa xác định được tên tuổi đi 1 xe ô tô và 7 xe máy đến đáp đá vào cổng A1 - A2 và giật làm đứt, bật chốt bản lề cổng của Công ty Fuji Xerox. Sau khi nhóm đối tượng trên bỏ đi thì Trần Văn Thắng, sinh 1987 và Nguyễn Văn Thường, sinh 1990, đều ở xã An Lư đi xe máy đến. Lúc đó, tại cổng A2 có các đồng chí Tô Đình Thương và Nguyễn Thế Bình, là cán bộ CAH Thủy Nguyên, đang làm nhiệm vụ tuần tra chốt điểm tại đây. Thường và Thắng đã có lời lẽ lăng mạ xúc phạm hai đồng chí Thương, Bình gây mất ANTT, đồng thời nhổ nước bọt vào mặt đồng chí Thương. Trước những việc làm ngang ngược trên, hai đồng chí Thương, Bình đã tiến hành bắt giữ đối tượng. Đúng lúc ấy, Phạm Văn Tuyên, sinh 1987 và Phạm Văn Thao, sinh 1992, đều ở xã An Lư, đi xe ô tô đến ngăn cản, không cho lực lượng công an bắt giữ đối tượng vi phạm pháp luật để xử lý. Những vụ việc tạo một hình ảnh không tốt trong mắt các nhà đầu tư, gây ảnh hưởng tiêu cực và tâm lý lo lắng về sự an toàn tính mạng và tài sản của họ. Trước một công trình trọng điểm được Chính phủ, thành phố và huyện Thủy Nguyên đặc biệt quan tâm nhưng có những biểu hiện bất an như vậy, cuối năm 2013, tổ phóng viên Nội chính Báo ANHP đã liên hệ với thượng tá Võ Xuân Trọng - Phó trưởng CAH Thủy Nguyên để nắm bắt tình hình. Đưa chúng tôi đi một vòng quanh VSIP những nơi đã GPMB, thượng tá Trọng chỉ tay phác họa một kích cỡ chiều rộng chiều dài của toàn bộ dự án, bao gồm 8 xã Thủy Sơn, Thủy Đường, An Lư, Dương Quan, Tân Dương, Trung Hà, Thủy Triều, Lập Lễ. Nhìn trên sa bàn mới có thể hình dung được khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng quy mô lớn thế nào, phải nói hết sức hiện đại, nguy nga. Trong đó, diện tích dành cho các nhà máy công ty sản xuất dịch vụ siêu sạch chỉ chiếm chừng 1/3 diện tích dự án. Còn thì là khu đô thị, dịch vụ với những ngôi nhà cao tầng, những biệt thự, diện tích cây xanh chạy dài theo triền sống Cấm; là cầu Bính 2 nối con đường Ngã 5 - sân bay Cát Bi đẹp nhất hiện nay của thành phố với VSIP; là cầu nối đảo Vũ Yên với đất liền. Đã có vài nhà máy đi vào sản xuất nhưng xung quanh tịnh không một tiếng động, tiếng ồn, không có bụi hay khói bay ra. Từng bước điều chỉnh bố trí lực lượng VSIP không như những KCN chúng ta thường thấy có hàng rào quây kín. VSIP nằm xen kẽ giữa các khu dân cư do hướng mở của một dự án nên không có hàng rào. Trước xe ô tô chúng tôi, từ những con đường mòn chạy ngoằn ngèo trong các xóm nhà dân, xe máy, xe đạp vẫn vi vút ra vào khu VSIP. VSIP muốn có một môi trường kinh doanh an toàn, cạnh tranh bình đẳng, công bằng và tạo cơ hội cho tất cả các doanh nghiệp và người lao động địa phương. Bàn phương án đảm bảo ANTT Do đó, các doanh nghiệp hoạt động trong dự án VSIP có quyền lựa chọn các đối tác, nhà cung cấp cạnh tranh, người lao động có năng lực và phù hợp cho hoạt động kinh doanh của họ. Tuy nhiên, trong thực tế lại nảy sinh những bất cập: công tác phối kết hợp giữa CA với chủ đầu tư, với các nhà thầu và với lực lượng bảo vệ của các doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung; việc phối hợp cung cấp thông tin chưa kịp thời, nhất là các vụ việc tranh chấp trong các lĩnh vực liên quan đến tuyển dụng, quản lý lao động, vấn đề thu mua phế liệu, phế thải từ các doanh nghiệp, tranh chấp trong việc giành các hợp đồng dịch vụ bảo vệ; do có nhiều lực lượng bảo vệ trong khu vực, chia thành nhiều khu vực, nhiều công ty theo hợp đồng riêng. Khi dừng xe, chúng tôi có buổi trò chuyện thú vị với người quản lý Công ty Fuji Xerox. Anh này người Nhật và là người trực tiếp chứng kiến hành vi của kẻ chống đối người thi hành công vụ, phát biểu: Ở nước anh, trong khi cảnh sát đang làm nhiệm vụ, dẫu là bạn bè mà ra bá vai bá cổ thôi cũng bị bắt xử tù ngay. Chứ ở Việt Nam đối tượng chửi bới, lăng mạ, thậm chí đe dọa cảnh sát như những gì anh chứng kiến thì quả thực, Việt Nam… hiền quá. Cứ nảy sinh cái gì thì trước mắt, người làm công tác bảo vệ ANTT tại địa phương đó “lĩnh đủ”. Cũng phải nói, ngay từ khi triển khai xây dựng dự án VSIP, CAH Thủy Nguyên đã tập trung lực lượng, biện pháp, tích cực tham mưu cho Đảng ủy, Giám đốc CATP, cho huyện để đảm bảo công tác ANTT trên địa bàn. CAH Thủy Nguyên đã chỉ đạo một tổ công tác đến tăng cường công tác bảo vệ tại KCN. Khi những dấu hiệu tội phạm hủy hoại tài sản và gây rối TTCC diễn ra tại VSIP ngày thêm phức tạp, được chỉ đạo của cấp trên, công an huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch để tiếp tục triển khai các biện pháp đảm bảo ANTT. Tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo chính quyền, lực lượng công an 8 xã cùng với chủ đầu tư, các nhà thầu và đơn vị thực hiện dịch vụ bảo vệ tại dự án; tổ chức hội nghị bàn và ký kế hoạch phối hợp thực hiện để làm tốt công tác phòng ngừa. Tham mưu, hướng dẫn cho chủ đầu tư và các công ty hoạt động trên địa bàn phối hợp với UBND 8 xã tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, cử cán bộ trực tiếp xuống địa bàn để vận động, thuyết phục ủng hộ xây dựng dự án trên địa bàn, về lợi ích thiết thực giữ gìn ANTT trong khu vực dự án, vận động người dân chấp hành pháp luật, phòng ngừa ngăn chặn đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật. Chúng tôi gặp tổ công tác của CAH do đại úy Đinh Văn Trường - Phó đội trưởng Đội CSĐT hình sự đang trực chiến tại VSIP. Anh cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc CATP, từ 31-10-2013, lực lượng công an huyện tăng cường gồm 20 đồng chí đảm bảo có mặt thường ứng trực 24/24h tại công trường VSIP để làm nhiệm vụ đảm bảo ANTT. Anh em lăn lộn bám sát địa bàn, không quản đêm hôm tuần tra chốt điểm, tiếp nhận, giải quyết các vụ việc phát sinh. CATP cũng tăng cường các lực lượng cảnh sát, an ninh phối hợp với các lực lượng công an địa phương bảo vệ thi công, tuần tra trên các tuyến đường, phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, quản lý người nước ngoài. Tính đến hết năm 2013, tại khu vực công trường xây dựng dự án xảy ra 11 vụ việc như đánh nhau, xâm phạm sức khỏe người khác, trộm cắp tài sản, chống người thi hành công vụ… Ngoài số vụ xử phạt hành chính, Cơ quan CSĐT - Công an huyện đã kiên quyết điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bắt đối tượng gây án. Đến nay, tình hình ANTT ở đã lắng dịu trở lại, dự án được đẩy nhanh tiến độ, từng bước cụ thể hóa giấc mơ VSIP trên sa bàn thành hiện thực. |