Đề xuất giải pháp đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực

14:50 23/08/2012

Sáng 22-8, tiếp tục phiên họp thứ 10 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, TổngThanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trả lời chất vấn của các đại biểuQuốc hội xung quanh những vấn đề về công tác khiếu nại, tố cáo, các giải pháp tổng thể; kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng, hiệu quả sử dụng vốn nhà nước ở các tập đoàn, tổng công ty…

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (HP) chất vấn trực tuyến Tổng thanh tra Chính phủ
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (HP) chất vấn trực tuyến Tổng thanh tra Chính phủ

Theo Tổng thanh tra Chính phủ, nhìn chung, tình hình khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân có giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2011 về số lượt người, số đoàn đông người và số vụ việc. Tuy nhiên, KNTC vẫn có diễn biến phức tạp, gay gắt, nhiều vụ việc phát sinh trước đây đã được các cấp chính quyền xem xét, giải quyết nhiều lần nhưng vẫn không dứt điểm.

Đáng chú ý, một số đối tượng xấu đã lợi dụng tình hình này, xúi giục, kích động, lôi kéo những người đi khiếu nại liên kết đông người, có hành vi quá khích. Một số người khiếu nại thể hiện thái độ coi thường kỷ cương pháp luật, có hành vi đối đầu, thậm chí dùng vũ khí nóng để chống người thi hành công vụ, gây ảnh hưởng xấu đến ANTT, gây nguy cơ mất ổn định chính trị - xã hội tại một số địa bàn ở một số thời điểm.

Đáng lo ngại là một số vụ việc xuất phát từ yếu kém, sai phạm của một số chính quyền địa phương, tác động tiêu cực, làm giảm sút niềm tin của một bộ phận nhân dân với chính quyền. Đối với KNTC liên quan đến đất đai chiếm trên 70%, trong đó phần lớn là khiếu nại về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; một số khiếu nại đòi lại đất cũ, tranh chấp đất đai, đòi nhà cho thuê, cho ở nhờ…

Nội dung KNTC về đất đai chủ yếu tố cáo cán bộ mất dân chủ, lợi dụng chức quyền để tham nhũng, trù dập người khiếu kiện, bao che cấp dưới, cố ý làm sai lệch hồ sơ, áp dụng sai pháp luật… Cũng trong thời gian qua, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra về việc sử dụng vốn tại 7 tập đoàn, tổng cty nhà nước; kiểm tra trách nhiệm phòng chống tham nhũng tại 6 tập đoàn, tổng cty nhà nước. Qua thanh tra đã kiến nghị thu hồi gần 3.930 tỷ đồng, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý 29.844 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 3 vụ việc.

Về công tác phòng chống tham nhũng, Tổng thanh tra Chính phủ thừa nhận, công tác này chưa đạt yêu cầu và mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Tình trạng tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, ngành, gây bức xúc, bất bình trong dư luận, là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Ngọc Vinh (Phó trưởng Đoàn ĐBQH Hải Phòng) về những sơ hở trong thể chế chính sách về quản lý kinh tế - xã hội còn chưa minh bạch, chưa xóa bỏ được cơ chế xin - cho, là điều kiện dung dưỡng và nảy sinh tham nhũng, nhất là trong quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, đầu tư xây dựng, quản lý vốn nhà nước, tổ chức cán bộ, tín dụng ngân hàng…

 Tổng thanh tra Chính phủ cho rằng, các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương cần phải tăng cường rà soát các cơ chế, thiết lập hành lang pháp lý, điều chỉnh bằng pháp luật, trong đó có Luật phòng chống tham nhũng, từ đó từng bước hạn chế, đẩy lùi tệ nạn này.

THẾ KHOA


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông