Đem niềm vui đến cho người già vùng sâu vùng xa

16:45 04/08/2013

Ngày 29-6-2013, đúng giữa mùa hè, mới từ sáng sớm mà trời đã nắng chang chang như dội lửa. Chiếc xe chở đoàn công tác của Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64) vừa “thoát” qua được những điểm ách tắc trong nội thành, đã “đổ đèo” nhấp nhổm lách qua từng “ổ trâu ổ gà” vào đường 302, vốn dĩ được coi là tuyến xuống cấp nhanh nhất thành phố vì ảnh hưởng thi công đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng…

Cán bộ Phòng PC64 trao CMND mới cho người cao tuổi ở xã Tân Viên
Cán bộ Phòng PC64 trao CMND mới cho người cao tuổi ở xã Tân Viên

Đường xấu, cộng thêm thời tiết oi ả khiến khoảng cách hơn 30 cây số từ trụ sở CATP về xã Tân Viên như kéo dài thêm ra. Về tới nơi, thấy hàng trăm cụ cao tuổi đã tập trung ở sân trụ sở UBND, nét mặt cụ nào cũng mừng vui khấp khởi, có cụ lập cập ra chống gậy chào đón. Gặp khung cảnh đó, cán bộ chiến sỹ đoàn công tác chợt thấy xúc động, ùa đến một cảm giác gần gũi, chan hòa. Không khí trong khuôn viên UBND xã như ngày hội, vui lắm chứ, vì đây là lần đầu tiên Phòng PC64 thực hiện cấp phát Chứng minh nhân dân (CMND) tới tận nơi.

Khoảng cách “hành chính” bấy lâu luôn làm người dân e ngại, thì hôm nay đã được xóa bỏ. Nhất là đối với Tân Viên, xã có gần 7.500 nhân khẩu, lạc lõng nằm giữa hai triền sông Văn Úc và Đa Độ, thuộc diện nghèo nhất, xa trung tâm nhất của huyện An Lão.

Đoàn công tác khẩn trương triển khai công việc, các dụng cụ tương ứng với các thủ tục được bày ra, nào bản đăng ký, bàn lăn tay, dấu chìm dấu nổi… kết thành một dãy. Các cụ dù cao tuổi mà vẫn không khỏi hiếu kỳ nghển lên nhìn. Khi nghe đại diện lãnh đạo Phòng PC64 thông báo: “Hôm nay chúng tôi phối hợp với Công an huyện An Lão và xã Tân Viên, với chủ trương linh hoạt, tinh thần phục vụ cao nhất, cầu thị nhất…”, cả hội trường vang lên tiếng vỗ tay. 

            

          Cán bộ công an làm thủ tục lăn tay tại nhà cụ Thân Công Tiếu bị bại liệt vì tai biến

Cụ Lương Văn Thanh, sinh năm 1934, ở thôn Đại Điền, xúc động nói: “Tôi làm CMND lần gần nhất là năm 1979, muốn làm lại nhưng chẳng biết thủ tục thế nào, cao tuổi rồi đi lại khó khăn lắm, sang năm tôi được lĩnh tiền trợ cấp người già, nếu không có CMND thì chả biết có được không, cám ơn các anh công an đã hết lòng vì dân phục vụ…”.

Trao đổi với thượng tá Vũ Thanh Chương - Trưởng phòng PC64, được biết, đối tượng cấp đổi CMND tại chỗ ở Tân Viên là những công dân thuộc gia đình chính sách, người cao tuổi. Rất đông trong số này sinh ra và lớn lên trong chế độ cũ, trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, việc chứng minh nhân thân dựa nhiều vào tập quán pháp. Ví dụ như ngày tháng năm sinh có người chỉ khai theo trí nhớ hoặc tính theo lịch âm, dẫn đến các loại giấy tờ liên quan đôi khi lệch nhau về ngày tháng năm sinh, tên gọi…

Nhưng trên thực tế, họ đích thực là công dân Việt Nam, bao nhiêu năm qua đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm nghĩa vụ đối với quê hương tổ quốc, mà giấy CMND chính là việc xác thực cho điều đó. Nói cách khác, đó chính là nhân quyền, nếu thủ tục hành chính máy móc, không vận dụng linh hoạt, vô hình trung tước đi của nhiều người cái quyền ấy.

Vả lại về lợi ích, giấy CMND được coi là căn cứ quan trọng nhất để mọi công dân thụ hưởng các chế độ. Đối với riêng người già, chính sách nhân đạo của Đảng và nhà nước cho phép người già không nơi nương tựa 60 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp xã hội, đối tượng được hưởng còn lại là những người già từ 80 tuổi trở lên. Dù số tiền được hưởng chỉ từ 180.000 đồng đến 360.000 đồng/tháng nhưng có giá trị tinh thần to lớn đối với các cụ, ngộ nhỡ gặp vướng mắc về giấy tờ, thì giá trị thiêng liêng ấy có khi lại trở thành nan giải. Rồi còn nhiều việc khác nữa, như hưởng chế độ bảo hiểm y tế chẳng hạn… Nhìn từ góc độ quản lý, CMND ví như một công cụ đặc biệt của nhà nước, kết nối cả dân tộc thành thể thống nhất mang tên Việt Nam.

Ý nghĩa như vậy, nên từ trước khi đoàn công tác về xã cấp phát CMND tại chỗ nửa tháng, CAH An Lão đã cùng lực lượng CAX Tân Viên, cẩn thận rà soát từng trường hợp, thông báo công khai và xuống từng nhà hướng dẫn. Cùng thời gian này, cán bộ Phòng PC64 cũng đến địa bàn thực hiện lăn lấy dấu vân tay cho từng người. Các thủ tục ban đầu hoàn thành, 177 trường hợp được chuyển đến Phòng PV27 tra cứu tàng thư.

Cả chuỗi quy trình vốn dĩ không mấy phức tạp nhưng đối với người già là cả vấn đề lớn, tốn thời gian là một chuyện, nhưng đi lại mới là gian khổ. Thượng tá Vũ Thanh Chương cho biết thêm, đây là một trong những hoạt động thiết thực hưởng ứng phong trào thi đua “CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy” và cuộc vận động “Chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”… Vì vậy mọi cán bộ chiến sỹ khi vào cuộc đều thấy hào hứng, thấy dân vui dân quý mà hạnh phúc trong mình cũng tràn đầy.

Nhớ lại sáng hôm ấy, ngoài số cụ còn tự đi hoặc được con cháu chở ra trụ sở UBND xã nhận CMND mới, một số cụ vì bệnh tật không còn khả năng di chuyển. Tôi theo chân tổ công tác được điều động xuống tận nhà riêng mỗi người. Cụ Thân Công Tiếu, năm nay đã bước sang tuổi 80, bị tai biến phải nằm liệt giường, nhà neo đơn nên có mỗi cụ bà phải quẩn quanh chăm sóc. Mới đầu thấy bóng dáng sắc phục cảnh sát, cụ Tiếu chưa hiểu chuyện gì, nhưng nghe cán bộ trình bày xong, cụ hồ hởi.

Vui chuyện, cụ kể một lèo tiểu sử của mình, cả quá trình công tác, cả chuyện lấy vợ sinh con và quá trình… lâm bệnh nữa. Cán bộ công an mãi mới dứt được chuyện để đi vào việc chính, nhưng nhìn cụ Tiếu rưng rưng cầm tấm CMND mới, ai cũng thấy cảm động.

Trở lại khuôn viên trụ sở UBND xã vào cuối giờ, một số cụ nhận được CMND rồi vẫn nán lại bàn tán vui vẻ. Cụ Nguyễn Thị Doan, sinh năm 1928, cứ tần ngần lật ngược lật xuôi tấm CMND ngắm nghía. Đứng ở bên cạnh, cụ Lương Thị Nhác, sinh năm 1939, nói vui: “bảo bối đấy cụ ạ, về cất kỹ vào nhé…”, rồi cụ quay sang tôi hồ hởi: “Quan trọng lắm chú ạ, không có cái này là phức tạp đấy…”. Cũng theo cụ Nhác, thế hệ các cụ tuổi tác chẳng ai nhớ chính xác, mỗi giấy tờ ghi một khác nhau, hôm nay các anh công an hướng dẫn làm lại khớp hết, linh động thế cho dân đỡ khổ.

Khi biết hôm ấy là thứ Bảy, ngày mà theo chế độ, công viên chức được nghỉ nhưng cán bộ chiến sỹ công an vẫn tình nguyện đến với dân, các cụ đều không ngớt lời khen. Một cụ bảo: “Giá ở đâu, lúc nào cũng được như thế!”, rồi vui chuyện cụ quay sang hỏi tôi: “Công an nhân dân vì… vì thế nào anh nhỉ, tôi già lẩn thẩn chẳng nhớ nữa?”. Tôi nhắc lại “Dạ, vì nước quên thân vì dân phục vụ cụ ạ!”, cụ cười sảng khoái, khiến những người xung quanh cũng cười theo.



Lê Minh Thắng


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông