Đến với những bác sỹ chữa tâm thần

17:29 22/11/2014

 

Trò chuyện để hiểu hơn về bệnh nhân là việc làm thường ngày của các bác sỹ chữa bệnh tâm thần
Trò chuyện để hiểu hơn về bệnh nhân là việc làm thường ngày của các bác sỹ chữa bệnh tâm thần

Nghề thầy thuốc là nghề mà nhiều người mơ ước. Nhưng các bác sỹ chữa cho các bệnh nhân tâm thần thì dường như vẫn bị nhìn nhận bằng ánh mắt… ái ngại. Nguy hiểm từ bệnh nhân luôn rình rập, xảy ra bất thình lình, ấy thế nên các thầy thuốc chuyên khoa tâm thần không chỉ đơn thuần chữa bệnh mà nhiều lúc còn phải khéo léo, mềm mỏng như những chuyên gia tâm lý. Và hơn tất cả là cái Tâm, sự đồng cảm, sẻ chia với những con người bất hạnh nhất ấy.

Xót xa thân phận người bệnh

“V. à, bố mẹ yêu thương, lo lắng cho ăn học, sao lại chửi mắng thế? Cháu thấy như vậy có được không? V. đã uống thuốc chưa? Đêm qua có ngủ được không? Lát chuẩn bị quần áo rồi bác tắm cho?”.

Bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Vân, Trưởng khoa bán cấp nam - Phục hồi chức năng, Bệnh viện tâm thần Hải Phòng nói như phân trần với phóng viên: “Xót xa lắm em ạ, nuôi con gần 30 năm, to cao, đẹp trai, đang học liên thông lên đại học, bỗng khùng khùng chửi cha, chửi mẹ. Thấy con mình chả giống ai và cũng không chịu nổi nữa, gia đình đã phải nhờ đến công an phường ra tay mới đưa được con tới bệnh viện. Bây giờ ngoài uống thuốc, tiêm thì đến tắm rửa, ăn uống đều do các bác, các cô điều dưỡng, hộ lý giúp. Mẹ nhìn con mà bất lực vì không thể lại gần”.

Trò chuyện để hiểu hơn về bệnh nhân là việc làm thường ngày của các bác sỹ chữa bệnh tâm thần
Trò chuyện để hiểu hơn về bệnh nhân là việc làm thường ngày của các bác sỹ chữa bệnh tâm thần

Học chuyên sâu về tâm thần, sau khi ra trường là về bệnh viện nhận công tác, đến nay là hơn 23 năm gắn bó với nghề đã khiến cho vị bác sỹ nữ ấy vẻ vững chãi, dày dạn kinh nghiệm. Khoa của chị luôn có trên dưới 30 bệnh nhân nam, nhiều bệnh nhân to, khỏe, những ngày đầu vào viện, bệnh nặng nên vô cùng hung tợn.

Điển hình như bệnh nhân Trần Văn T, ở Dương Quan, Thủy Nguyên. T cao 1m85, nặng gần 90kg. T đuổi người thân ra ngoài và chỉ trong vài ngày đã đập phá tan hoang ngôi nhà mấy tầng. Cực chẳng đã, gia đình phải nhờ cả công an xã và bảo vệ chuyên nghiệp mới trói chân, tay đưa T đến bệnh viện. Sau một thời gian điều trị, T trở về đúng với con người thật của mình, hiền lành, chất phác và không khỏi tiếc nuối ngôi nhà đã bị chính mình phá bỏ.

Chị Vân bộc bạch: “Đa phần khi được người nhà cưỡng ép đưa tới bệnh viện thì mức độ bệnh cũng đã chuyển sang thể nặng. Đối với những bệnh nhân bị hoang tưởng, ảo giác, trong đầu luôn nghĩ có người tấn công mình thì họ còn thủ dao, kéo trong người, chờ cơ hội là ra tay. Trong tình huống này, khi tới bệnh viện là các bác sỹ phải miệng nói tay làm, khéo léo cố định bệnh nhân rồi khẩn trương tiếp cận kiểm tra khắp người. Tại phòng của bệnh nhân dạng này, các y bác sỹ cũng không để bất cứ vật gì sắc nhọn hay đồ sành sứ, tránh việc bệnh nhân gây hại cho bản thân mình và mọi người xung quanh”.

Thường thì sau vài ngày được điều trị thuốc an thần, bình thần, bệnh nhân sẽ dịu lại các cơn loạn thần, nhưng cũng có bệnh nhân diễn biến bất thường. Đơn cử như Lê Văn C, ở Quán Toan, Hồng Bàng, vào viện đã gần một tháng nhưng vẫn bất thần rượt đuổi đánh mọi người khiến các nhân viên y tế ở Khoa cấp tính nam bị một phen chạy náo loạn. Đi thăm khám cùng với bác sỹ Trưởng khoa Trần Văn Lập, khi được hỏi vì sao đuổi đánh mọi người? Có biết đã đánh cô điều dưỡng nào tím tay không? C cười rồi lắc đầu trả lời: “Cháu không biết”.

Tủi cho mình!

Bác sỹ Phan Thị Yến - Trưởng khoa cấp tính nữ bùi ngùi: “Phần nhiều bệnh nhân nam thì còn có vợ con thường xuyên tới thăm nom, chứ bệnh nhân nữ rất hay bị… bỏ rơi. Có bệnh nhân những ngày đầu người thân còn qua lại, sau thì vài tháng cũng không có ai đến hỏi han. Nếu có đến cũng chỉ để đóng tiền ăn, tiền thuốc rồi quấy quả ra về. Thậm chí có trường hợp bác sỹ khuyên nên để bệnh nhân ở lại điều trị theo đúng phác đồ, song người nhà bệnh nhân lại có những lời lẽ không đúng mực. Những lúc như vậy, chúng tôi thấy buồn, nản lắm!”.

Các bác sỹ chơi thể thao cùng với bệnh nhân
Các bác sỹ chơi thể thao cùng với bệnh nhân

Gắn bó với bệnh viện gần 30 năm, bác sỹ Ngô Thị Thu Hà - Phó giám đốc bệnh viện tâm thần Hải Phòng chia sẻ: Do chưa hiểu đúng về các dạng bệnh tâm thần nên khi mới phát bệnh, nhiều gia đình lại cho rằng bị ma hành nên đi cúng bái. Đến giai đoạn bệnh nặng, người trong nhà không thể chịu nổi nữa mới đưa đến bệnh viện. Có người mẹ vừa khóc, vừa van xin bác sỹ đừng đánh và cho con uống thuốc lú, thuốc ngố kẻo cháu hỏng người. Những lúc như vậy, thay vì giải thích, phân trần, các bác sỹ tạo điều kiện để người nhà cùng tham gia với nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân để họ hiểu về phác đồ điều trị, thuốc uống, thuốc tiêm hàng ngày, từ đó yên tâm hơn.

Cũng theo các bác sỹ Bệnh viện tâm thần Hải Phòng thì do áp lực của công việc, môi trường…, số bệnh nhân mắc các loại bệnh tâm thần ngày càng gia tăng. Tuy vậy, nhiều người vẫn chưa hiểu về bệnh nên có cách ứng xử, giao tiếp thiếu tôn trọng. Các bác sỹ, điều dưỡng, hộ lý trong nghề không buồn vì ngày ngày phải tiếp xúc với các bệnh nhân ngây ngây, ngô ngô hay khùng khùng, điên điên mà chạnh lòng, buồn hơn vì những ánh mắt ái ngại, thậm chí là những câu nói vô tâm như “chắc không đi đâu được mới phải vào đây”, “ở với người điên nhiều thì trước sau cũng giống thế”, “làm ở bệnh viện tâm thần nên cũng ngơ ngơ nhỉ?”...

Vĩ thanh

Những ngày vừa qua, cả Bệnh viện tâm thần vẫn chưa ngớt câu chuyện mà tưởng chừng như chỉ có trong “Điều ước thứ 7” vì bệnh nhân Trần Bắc Mùi, sinh năm 1978, đã được trở về đoàn tụ với gia đình. Không biết bằng cách nào mà bệnh nhân Mùi đã phiêu bạt từ Đồng Nai ra tận Hải Phòng và lang thang nhiều ngày ở khu vực đường Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền.

Anh Mùi được cơ quan chức năng thu gom, đưa về bệnh viện. Sau hơn một tháng điều trị, chăm sóc, dần dần Mùi nhớ ra được tên, năm sinh rồi quê quán, tên bố mẹ, số điện thoại. Ngay sau đó các bác sỹ đã liên hệ, xác minh và bố đẻ của Mùi đã ra Bắc để đưa con trở về với gia đình sau nhiều ngày bặt vô âm tín. 

Thế mới biết, dù có một trái tim khỏe mạnh nhưng cái đầu lại không tỉnh táo thì cũng trở nên vô nghĩa!

Kim Oanh


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông