18:07 24/07/2022 Năm 2021 huyện Vĩnh Bảo long trọng tổ chức lễ đón Bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia múa rối nước Nhân Hòa (xã Nhân Hòa). Đây là sự tôn vinh, khẳng định những giá trị lịch sử, văn hóa của nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo, sự ghi nhận nỗ lực, quyết tâm của chính quyền huyện Vĩnh Bảo, xã Nhân Hòa, nhất là các nghệ nhân múa rối nước trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân gian quý giá của dân tộc.
Đến những năm 1950, phường rối của cụ Ngại mời thầy về dạy cách làm các con rối bằng gỗ và nghệ thuật điều khiển con rối từ xa. Vượt khỏi lũy tre làng, phường rối nước Nhân Hòa đi biểu diễn khắp nơi trong và ngoài thành phố. Sau thời gian hoạt động cầm chừng, đến năm 1991, phường rối chính thức được khôi phục, củng cố và hoạt động ổn định đến nay.
Năm 1994, phường rối được hỗ trợ xây nhà thủy đình biểu diễn múa rối trong khuôn viên đình Nhân Mục. Quanh năm, suốt tháng, nhà thủy đình rộn ràng bước chân người dân và du khách xem các nghệ nhân biểu diễn hay tập luyện chuẩn bị các tiết mục mới.
Những năm gần đây, hoạt động của phường tương đối đều đặn nhờ vào việc thu hút khách du lịch nước ngoài. Trung bình Phường đón khoảng 20 tour khách/tháng, có tháng 40-50 tour, chủ yếu đến từ các nước Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ấn Độ. Nhiều nghệ nhân trong phường gắn bó với nghề mấy chục năm như các ông Trần Văn Phước, Nguyễn Văn Luật…
Mỗi khi phường rối nước Nhân Hòa biểu diễn, khu vực nhà thủy đình trong khuôn viên đình Nhân Mục đông vui như hội. Dưới nước, các con rối lần lượt “trình làng” trong các tích cũ, như: “Chọi trâu”, “Múa lân”, “Cáo bắt vịt”, “đánh cá”… cùng những tiết mục mới do các “nghệ nhân nông dân” của phường rối sáng tác, dàn dựng và biểu diễn.
Theo Trưởng Phường rối nước Nhân Hòa Trần Văn Rũng cho biết, từ 10 nghệ nhân năm 1978, đến những năm 2014- 2015, số nghệ nhân biểu diễn rối nước Nhân Hòa có lúc lên tới hơn 20 người. Tuy nhiên, hiện chỉ còn hơn 10 người. Trước đây, múa rối chỉ là đam mê, sở thích, các nghệ nhân ít có thu nhập. Chi phí mua sắm đạo cụ và tổ chức biểu diễn chủ yếu do các thành viên trong phường đóng góp.
Năm 1995, phường rối nước Nhân Hòa bắt đầu biểu diễn các chương trình phục vụ khách du lịch. Từ diễn trò trong các dịp hội làng hay hội diễn, rối nước Nhân Hòa có “sân chơi” riêng. Khi chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19, trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 9 hằng năm, phường rối đón 30-40 đoàn khách/tháng. Những tháng còn lại trong năm, trung bình đón khoảng 10 đoàn/tháng.
Cũng giống như cách làm con rối truyền thống, các con rối làng Nhân Mục được làm từ những loại gỗ nhẹ: vuông, sung, vàng tâm,… những loại gỗ rất thanh mảnh, dẻo dai phù hợp với môi trường nước. Thớ gỗ sung mịn, không có các vết sâu đục, không có mấu và cũng không dễ gẫy. Những nghệ nhân trong làng cắt gỗ lúc gỗ còn tươi cho dễ dàng tạo hình thành những khúc vừa kích thước con rối, bóc vỏ và để cho gỗ khô dần vì các con rối khi bị ngâm nước sẽ dễ bị mục nên phải phơi khô.
Sau đó nghệ nhân dùng đục, bát, tỉa để chạm gỗ và nối chân tay rối và nối các máy điều khiển. Cuối cùng con rối sẽ được sơn một lớp sơn ta để chống thấm nước và bền. Con rối nước Nhân Mục không mang quần áo để đảm bảo độ bền chắc bên trong và có dáng vẻ bên ngoài cho quân rối.
Động tác của của con rối nước chỉ có thể dơ tay, quay trái, quay phải vậy mà khi đưa xuống nước, dưới ánh sáng của lửa sự linh hoạt của các loại pháo sáng các con rối bỗng trở thành trung tâm của sự náo động, bản thân nó chỉ cần nhúc nhích một chút cũng có sự minh họa đầy đủ.
Để làm ra một con rối, người thợ phải thực hiện các bước tạc thô như: tạo dáng, tạo khuôn mặt, đẽo tay con rối… Trong đó, tạo khuôn mặt là khâu khó nhất. Khuôn mặt con rối phải đảm bảo có hồn và thể hiện được vai diễn. Con rối làng Nhân Mục có đặc trưng nổi bật là: hình tượng con rối giống với hình tượng của con người ở đời thường hơn.
Việc tạo hình con rối cũng rất đặc sắc, người thợ thông qua truyền nghề trực tiếp, bằng cách quan sát vì trí tưởng tượng tinh tế họ đã nảy sinh những ý tưởng về trò diễn, vở diễn mới và họ tự đục đẽo theo hình mẫu lý tưởng để tạo ra con rối vừa đẹp, vừa mới lạ và đáp ứng được yêu cầu của vở diễn.
Tuy nhiên, do phong cách chung của bộ môn nghệ thuật này, cho nên yêu cầu nhất thiết trong khi tạo hình con rối là phải giữ gìn hình dạng màu sắc tranh dân gian. Khi tạo hình, các nghệ nhân luôn chú ý tới việc diễn tả tính cách nhân vật thông qua hình tượng bên ngoài. Căn cứ vào từng tích trò mà nghệ nhân sẽ tạo hình nhân vật cho phù hợp với tích trò ấy.
Dần dần, năm này qua năm khác, các nghệ nhân lại bổ sung thêm các tích trò mới, để cho tới bây giờ nghệ thuật múa rối nước ở làng Nhân Mục độc đáo chỉ có duy nhất ở Hải Phòng.
Sân khấu của rối nước ở làng Nhân Mục là một cái ao của làng, khán đài là bãi cỏ rộng xung quanh đấy rất thuận tiện cho dân chúng thưởng thức, thường thì nhân dân sẽ đứng để xem. Nó cũng được gọi là "thủy đình” hay “nhà rối” gồm hai tầng, tầng trên được dùng để thờ tổ, tầng dưới được dùng để làm hậu trường có màn che là nơi các nghệ nhân nghâm mình biểu diễn. Sân khấu là khoảng trống trước mặt buồng trò. Buồng trò được trang bị cờ, quạt, voi trượng, cổng hàng mã
Mỗi buổi diễn dành cho khách du lịch, phường rối nước Nhân Hòa diễn 10-15 tích trò, mỗi tích trò dài 3- 5 phút. “Tôi cũng như các thành viên phường rối, làm ruộng mới là nghề chính, còn múa rối chỉ là nghề phụ. Thu nhập từ múa rối mỗi tháng trung bình 700 nghìn đồng đến 1 triệu đồng, tuy không cao, nhưng là sự động viên lớn lao, giúp chúng tôi thêm yêu nghề, quyết tâm gìn giữ, phát huy “báu vật” ông cha để lại”, anh Rũng tâm sự.
Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Hòa Nguyễn Văn Chiến cho biết, sự độc đáo của rối nước Nhân Hòa đem lại sự hấp dẫn cho du khách và ngày càng thu hút sự quan tâm của khách du lịch trong nước và nước ngoài.
Nên việc giữ gìn bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật múa rối nước - một nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương và dân tộc, không chỉ là niềm mong ước của lớp nghệ nhân cao tuổi phường rối nước Nhân Mục mà là trách nhiệm ý thức của tất cả mọi người trong đó thế hệ trẻ cần có ý thức cao hơn nhằm phát triển giá trị văn hóa tinh thần của cha ông ta để lại, làm giàu cho quê hương đất nước,
Với những giá trị lịch sử, văn hóa quý báu, ngày 20-12-2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định đưa nghệ thuật trình diễn dân gian múa rối nước Nhân Hòa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, ngày 21-4-2021, huyện Vĩnh Bảo, xã Nhân Hòa mới có dịp tổ chức lễ đón Bằng công nhận.
Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo Nguyễn Đức Cảnh phấn khởi chia sẻ, múa rối nước Nhân Hòa được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không những là niềm vui, sự tự hào của Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Nhân Hòa, mà còn của cả huyện Vĩnh Bảo.
Để gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị di sản, huyện Vĩnh Bảo tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quảng bá múa rối nước Nhân Hòa trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Các ban, ngành, địa phương phối hợp Sở Du lịch thành phố xây dựng những tour, tuyến du lịch, du khảo đồng quê trên địa bàn huyện. Trong đó, lấy Khu di tích Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, miếu Bảo Hà, chùa Mét, đình Nhân Mục, phường múa rối nước xã Nhân Hòa, nghề làm bánh trôi ở xã Liên Am, nghề ươm cá giống ở thôn Hội Am (xã Cao Minh), nghề tạc tượng ở thôn Bảo Hà (xã Đồng Minh)…
VŨ DUYÊN
14:29 23/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Phát hiện 10 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn trưa ngày 24/11 tại huyện Tiên Lãng
Công an quận Hồng Bàng phối hợp kiểm tra, xử lý 9 trường hợp vi phạm nồng độ cồn