Di tích Đền thờ Tiến sĩ, nhà thơ yêu nước Lê Khắc Cẩn

19:18 29/12/2023

Nằm cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 18km về phía Tây Nam, đền thờ Tiến sĩ, nhà thơ yêu nước Lê Khắc Cẩn tọa lạc tại làng văn hoá Đông Hạnh, thôn Hạnh Thị, xã An Thọ, huyện An Lão. Nơi đây thờ Song nguyên Hoàng giáp Lê Khắc Cẩn, một vị quan trung quân, ái quốc, một nhà văn hoá lớn của Việt Nam thế kỉ XIX.

 

Di tích đền thờ Tiến sĩ, nhà thơ yêu nước Lê Khắc Cẩn

Song nguyên Hoàng giáp triều nhà Nguyễn

Là vị tiến sĩ duy nhất của thành phố Cảng dưới triều đại nhà Nguyễn, Lê Khắc Cẩn sinh năm 1833 (tên húy là Khắc Cẩn đổi là Nghị, tên chữ là Dụng Chi, tên hiệu là Hải Hạnh và Miễn Trai, thụy là Hiến Mục).

Từ thuở bé, ông đã tinh thông trí tuệ, luôn kính cẩn năng đọc, thường giúp cha biên chép sổ sách. Tính ông hiếu học, tay không rời sách, có khi không màng ăn ngủ, khi đọc đều suy nghĩ sâu sắc tìm hiểu rõ ý nghĩa mới thôi... Năm Ất Mão (1855), Lê Khắc Cẩn đỗ đầu kì thi Hương tại trường thi Nam Định. Kỳ thi Hội năm Nhâm Tuất niên hiệu Tự Đức thứ 15 (1862), ông tiếp tục đỗ đầu; vào thi Đình, được ơn vua ban đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân đệ nhị danh (Hoàng giáp).

Với tài năng, đức độ, dưới triều vua Tự Đức, sự nghiệp của ông gắn liền với nhiều vị trí, chức vụ quan trọng từ triều đình Huế đến các địa phương như Nghệ An, Thanh Hoá, Nam Định…, Dù ở bất kì cương vị nào, Hoàng giáp Lê Khắc Cẩn luôn tỏ rõ là con người tài năng, mẫn cán trong công việc, được vua tin tưởng, đồng liêu trọng vì, nhân dân quý mến.

Trưởng thành và ra làm quan trong giai đoạn triều đình nhà Nguyễn đã lâm vào khủng hoảng trầm trọng, tình hình chính sự của đất nước nhiều rối ren, chế độ phong kiến Việt Nam suy tàn.

Trước nguy cơ bị đô hộ, tuy không trực tiếp cầm vũ khí để chống giặc xâm lược, nhưng những áng văn thơ của ông có ý nghĩa hết sức to lớn, cổ vũ tinh thần yêu nước, các phong trào đấu tranh của quân và dân nước ta thời kỳ đầu chống Pháp. Bằng ngòi bút sắc bén của mình, thơ văn của Tiến sĩ, nhà thơ yêu nước Lê Khắc Cẩn đã trở thành vũ khí có sức sát thương lớn đối với chế độ thực dân xâm lược, có sức ảnh hưởng lớn với các cuộc đấu tranh của dân tộc.

Sinh thời, Lê Khắc Cẩn đã để lại cho đời nhiều tập thơ, điếu văn, biểu, văn tế như: Hải Hạnh văn phái, Hải Hạnh thi tập, Miễn Trai văn tập, Hạnh Thị Song nguyên Lê phiên hầu thi văn. Ngoài ra, tác phẩm của ông còn được chép trong: Hải Vân Am thi tập, Việt cổ văn, Vi Giang Hiệu tần tập, Điếu văn đối trướng văn. Tất cả đều bày tỏ nỗi lòng yêu nước, thương dân, lòng căm thù giặc Pháp xâm lược.

Trong những trang viết về tình hình thời cuộc, ông không chỉ thể hiện là người có tài năng văn chương, mà còn là người có tầm viễn kiến, nhận rõ âm mưu thâm độc của giặc Pháp và cho rằng nghị hòa không phải là quốc sách, cần “Vì dân xử trí giặc Tây cuồng”.

Với kho tàng thơ văn của mình, Hoàng giáp Lê Khắc Cẩn có đóng góp quan trọng vào kho tàng văn hiến của dân tộc, đặc biệt là trong dòng thơ văn yêu nước nửa cuối thế kỷ 19. Thông qua tác phẩm của ông, hậu thế không chỉ được thưởng thức các tác phẩm văn chương của bậc cự nho, mà còn có thể thấy được một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước.

Các công trình văn hóa, tín ngưỡng quan trọng

Sau khi Lê Khắc Cẩn mất, tại thôn Hạnh Thị, xã An Thọ, huyện An Lão, con cháu dòng họ đã dựng 3 gian nhà nhỏ đơn sơ, tôn thờ ông ngay trên chính mảnh quê hương. Trải qua biến động của lịch sử, sau năm 1945, nhà thờ Tiến sĩ Lê Khắc Cẩn bị đổ nát.

Di tích đền thờ Tiến sĩ, nhà thơ yêu nước Lê Khắc Cẩn

Để tri ân công đức của Lê Khắc Cẩn, UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 448/QĐ-UBND ngày 20/3/2008, giao UBND huyện An Lão lập “Dự án đầu tư xây dựng công trình đền thờ Tiến sĩ, nhà thơ yêu nước Lê Khắc Cẩn”. Ngày 13/10/2010, công trình đền thờ Tiến sĩ, nhà thơ yêu nước Lê Khắc Cẩn được khánh thành trong niềm thành kính, ngưỡng vọng của nhân dân. 

Đền thờ được tôn tạo trên chính khu đất xưa đã lập nhà thờ Song nguyên Hoàng giáp Lê Khắc Cẩn, có hướng nhìn về chính Đông, phía trước là sông Văn Úc. Tổng diện tích đền thờ là 11767m2.

Khuôn viên di tích đền thờ gồm nhiều công trình, đơn nguyên kiến trúc tạo nên một quần thể kiến trúc đền thờ mang đậm nét đặc sắc của văn hoá truyền thống Việt Nam.

Nơi thờ Tiến sĩ, nhà thơ yêu nước Lê Khắc Cẩn

Trong Đền chứa đựng những hiện vật góp phần làm nên giá trị văn hoá, tín ngưỡng như: Long ngai, bài vị tiến sĩ, nhà thơ yêu nước Lê Khắc Cẩn; bát bửu, biển rước; nhang án; hệ thống hoành phi, câu đối, cuốn thư…..

Hàng năm tại đền thờ Tiến sĩ, nhà thơ yêu nước Lê Khắc Cẩn, con cháu trong dòng tộc cùng người dân địa phương tổ chức 2 dịp sự lệ: Ngày 23 tháng 3 (âm lịch), ngày giỗ cụ Lê Khắc Cẩn và ngày 15 tháng 11 (âm lịch) giỗ chạp họ.

Bên cạnh đó, đền còn có giá trị giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên của quê hương, thành phố noi theo tấm gương sáng, tấm gương hiếu học của tiến sĩ. Hàng năm có nhiều du khách, học sinh, sinh viên từ khắp mọi nơi về đền thờ để dâng hương, tham quan, học tập thực tế.

Những nét đẹp này đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ; để giờ đây, đền thờ trở thành không gian linh thiêng, thấm đậm tinh thần dân tộc và truyền thống vẻ vang của con người, vùng đất An Thọ trong lịch sử.

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Khắc Nam trao bằng công nhận di tích lịch sử đền thờ tiến sĩ, nhà thơ yêu nước Lê Khắc Cẩn

Với những giá trị lịch sử - văn hoá đó, tháng 12/2019, đền đã được UBND thành phố Hải Phòng xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hoá cấp thành phố và hiện đang được huyện và thành phố lập hồ sơ đề nghị xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.

TÚ QUYÊN

Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông