18:52 07/05/2017
Anh Nguyễn Công Quản - nhân viên của Hội người mù Tiên Lãng đang phục vụ khách
Một điều rất lạ là những năm gần đây dịch vụ tẩm quất của người hỏng mắt ở huyện Tiên Lãng phát triển rất mạnh. Cả huyện có tới 40 người mưu sinh bằng cái nghề vất vả này. Riêng dịch vụ tẩm quất của Hội người mù huyện đã có tới gần 20 người khiếm thị. Đây được xem là huyện có dịch vụ lớn thứ hai Hải Phòng chỉ sau dịch vụ tẩm quất của Hội người mù thành phố.
Chị Đoàn Thị Thanh, Chủ tịch Hội người mù Tiên Lãng, cho biết, Hội mở dịch vụ tẩm quất tạo việc làm cho người khiếm thị từ năm 2005. Lúc đầu, chỉ có ba kĩ thuật viên xoa bóp với một phòng làm việc đồng thời cũng là phòng nghỉ của chị em. Văn phòng hội vừa là nơi tiếp khách vừa là phòng ăn, phòng nghỉ của anh em.
Để bảo đảm đời sống cho nhân viên trong khi dịch vụ còn vắng khách, Hội tổ chức làm thêm tăm tre giúp anh chị em có thêm thu nhập. Thông cảm với khó khăn ấy, thành phố và huyện đã giúp đỡ, xây tặng hội một ngôi nhà khang trang và hai khu vệ sinh sạch sẽ. Nhờ đó, số người khiếm thị có việc làm tăng nhiều như hiện nay.
Câu chuyện của chị bị cắt ngang vì có hai đoàn khách tới. Chị Thanh tự tay pha trà mới mời họ. Trong khi chưa sắp xếp được nhân viên, chủ khách cùng cười nói rất rôm rả. Giá vé phù hợp với túi tiền của người lao động, tay nghề của kĩ thuật viên có chất lượng cao, dịch vụ tẩm quất vào những ngày nghỉ thường bị quá tải. Anh Bùi Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội chia sẻ thêm: Nhiều ngày cao điểm anh và cả chị Thanh cũng phải làm cho khách. Bà con tin tưởng đến với mình không thể để họ về không.
Nếu thành phố và huyện tạo điều kiện giúp đỡ xây nốt tầng hai ngôi nhà thì sẽ có thêm nhiều người khiếm thị có được việc làm. Đời sống người lao động sẽ được chăm sóc tốt hơn.
Ngôi nhà dịch vụ tẩm quất của Hội được thiết kế hai tầng. Tầng 1 khánh thành đã 6 năm vẫn chưa có tầng 2. Do số lượng khách đông, Hội phải tận dụng cả nhà bếp để làm nơi nghỉ ngơi cho kĩ thuật viên. Từ khi mở dịch vụ tới nay, Hội người mù Tiên Lãng luôn duy trì được bữa cơm chung. Kĩ thuật viên chỉ phải góp tiền mua thức ăn, gạo và các chi phí khác là do Huyện hội lo.
Hàng năm, vào dịp đầu xuân, Hội thường tổ chức cho kĩ thuật viên đi du lịch tâm linh. Một điều ghi nhận nữa, tuy là tập thể nhưng chăn ga gối đệm của dịch vụ luôn sạch sẽ. Hội có riêng một nhân viên nấu ăn và làm tạp vụ. Khách hàng là cán bộ công chức huyện, người nông dân chân lấm tay bùn hay những nhà kinh doanh tới đây đều được chăm sóc như nhau. Ga gối luôn được thay mới khi khách ra về. Chị Thanh còn liên tục tới các phòng kiểm tra vệ sinh môi trường.
Dẫn tôi đi thăm khu làm việc của anh chị em, anh Nghĩa giọng bùi ngùi: “Hiện Hội mới chỉ lo được chỗ ở cho nhân viên nữ. Các anh em nam phải nghỉ ở phòng tẩm quất. Nhiều kĩ thuật viên hết ca không được ngủ sớm vì phải đợi đến người khách cuối cùng ra về. Nếu có được một phòng nghỉ riêng thì thật tốt quá”.
Được biết, ngoài cơ sở tẩm quất của Hội, huyện Tiên Lãng còn có thêm bốn dịch vụ tẩm quất của người mù do hội viên mới mở, tạo việc làm cho nhiều người khiếm thị khác. Chủ các dịch vụ tẩm quất tư nhân đó đều có thời gian làm việc ở Hội và được Hội cử đi học nghề. Ban chấp hành hội luôn động viên khuyến khích và giúp đỡ những người không may mắn bị tật mắt đi học. Hiện, dịch vụ tẩm quất của Hội người mù thành phố cũng có tới ba nhân viên là người khiếm thị của Tiên Lãng. Tiêu biểu nhất là chị Nguyễn Thị Bình, giáo viên dạy thực hành…
Có thêm khách tới thư giãn, anh Nghĩa cũng phải vào phòng làm việc. Tôi trở lại phòng khách gặp chị Thanh đang rửa cốc chén. Vệ sinh an toàn cho khách và người khiếm thị là điều anh chị em ở đây tuyệt đối quan tâm. Chị Thanh tâm sự: “Mình mời ai uống nước họ cũng không từ chối. Cháu Phương hôm nay có việc chưa tới, mình phải làm thôi. Không rửa thường xuyên thì lần sau ai dám uống.”
Bây giờ tôi mới hiểu tại sao có những người đi rất xa tới đây thư giãn. Chỉ có một lý giải duy nhất, ấy là họ cảm thấy an toàn thoải mái trong tiệm tẩm quất này. Rất mong thành phố và huyện sớm giúp Hội người mù Tiên Lãng hoàn thành dự án cơi thêm tầng để nhiều người khiếm thị có việc làm và thêm nhiều người dân trong huyện được tới đây.
Lê Trung Cường
22:29 23/11/2024