Đô thị Hải Phòng - Niềm vui mới trước thềm năm mới

18:10 23/01/2023

Hải Phòng vốn là đô thị cũ, hình thành từ thời Pháp thuộc. Qua biến động của lịch sử, chiến tranh tàn phá..., thành phố Cảng bao thập kỷ như chìm trong “giấc ngủ đông”. Nhưng chỉ sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX), đô thị Hải Phòng đã bừng lên một diện mạo mới khác hẳn của một thành phố xanh, văn minh, hiện đại. Theo đó, không gian nội đô được mở rộng với 3 quận: Hải An, Đồ Sơn và Dương Kinh; diện tích đất đô thị tăng gần 5 lần (từ 2.748ha lên 13.743ha) cùng tỷ lệ dân tăng lên gần một triệu người, chiếm gần 50% tổng dân số. Kết quả này được Bộ Chính trị ghi nhận, đánh giá cao và tiếp tục ban hành Nghị quyết 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết số 45-NQ/TW - “cánh cửa” quyết định sự đổi thay bộ mặt Hải Phòng

Từ nghị quyết, hàng loạt vấn đề cải tạo, chỉnh trang đô thị được đặt trong chương trình nghị sự của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố. Hải Phòng mấy năm gần đây, đặc biệt là năm 2022, quả như một “đại công trường”. Một loạt dự án lớn chưa từng có, táo bạo và hứa hẹn đã được triển khai. Lãnh đạo thành phố đi trực tiếp khảo sát thực tế, tham vấn của các chuyên gia, lên kế hoạch dựa trên nguồn lực hiện có và huy động người dân.

Một góc đô thị Hải Phòng về đêm

Cũng từ đây, nhiều quyết sách, hành động quyết liệt được khởi động. Ý Đảng nhờ đó đã quyện với lòng dân như động lực giúp các dự án chỉnh trang đô thị của Hải Phòng triển khai nhanh và sôi động. Từ những việc tưởng nhỏ như các điểm trông giữ xe, quán karaoke, quán bia..., tạm bợ, mất mỹ quan quanh khu vực Trung tâm Triển lãm và Mỹ thuật, Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt - Tiệp, Cung Thanh niên..., nhanh chóng được “dọn” sạch để thành các công viên cây xanh, vườn hoa.

Còn Công viên Rồng Biển lỗi thời và lạc điệu sau nhiều năm nằm “bất động” tại dải trung tâm đã được dời đi để trả lại tên cho khu đất vàng. Theo Sở Xây dựng, chỉ trong vài năm qua, hệ thống công viên cây xanh, thảm cỏ ở Hải Phòng đã phát triển thêm hơn 100 nghìn m2. Những “lá phổi xanh” này không chỉ góp phần chỉnh trang đô thị, mà còn cải thiện đáng kể điều kiện sống của người dân thành phố Cảng.

Mạnh mẽ hơn, Hải Phòng còn giải tỏa toàn bộ bến xe Tam Bạc, Niệm Nghĩa, cầu Rào và các cơ sở y tế cũ nát, những dãy nhà dân lộn xộn, nhếch nhác để thay vào đó là các công trình giao thông, công cộng hiện đại phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Điển hình phải kể đến Dự án cải tạo ven sông Tam Bạc tạo nên một dải công viên, cây xanh chạy giữa thành phố từ cầu đường sắt Tam Bạc đến cổng cảng Hoàng Diệu ven sông Cấm. Dự án này tạo nên điểm nhấn mới trên những giá trị cũ, không chỉ góp phần đổi thay diện mạo cho Hải Phòng mà còn là sự “đổi đời” của hàng trăm hộ dân nghèo các xóm lao động dọc hai bên bờ sông.

Cũng cần phải nói thêm, ngoài Nghị quyết số 45-NQ/TW còn phải kể tới Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị và Nghị Quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng. Đây là kim chỉ nam và là hành lang pháp lý để thành phố Cảng vững tâm thực hiện một loạt các chủ trương, chính sách mới về xây dựng và phát triển đô thị theo 3 hướng.

Phối cảnh dự án Khu đô thị Bắc sông Cấm

Hướng Bắc là Khu Đô thị mới Bắc sông Cấm với các hạng mục: Khu trung tâm hành chính - chính trị thành phố, Khu vui chơi - giải trí, nhà ở và công viên sinh thái đảo Vũ Yên. Trong đó Khu trung tâm hành chính Bắc sông Cấm hiện đã được khởi công theo định hướng phát triển nhiều không gian xanh.

Hướng Đông là các khu đô thị phục vụ du lịch đảo Cát Bà; khu nhà ở công nhân Đình Vũ (quận Hải An), Cát Hải (huyện đảo Cát Hải) và khu hậu cần phục vụ tuyến cáp treo Cát Hải - Cát Bà và Cảng cửa ngõ quốc tế tại Lạch Huyện; tổ hợp nhà máy sản xuất chế tạo và quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, vui chơi giải trí đảo Cát Bà.

Đảo Cát Bà hôm nay

Cuối cùng, hướng Đông Nam sẽ là bước đột phá phát triển về phía quận Đồ Sơn, ven sông Lạch Tray với nhiều dự án đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại cho cửa ngõ phía Nam Hải Phòng.

Hướng tới tiêu chí đô thị đặc biệt, đô thị thông minh

Trong năm 2022, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 36/KH-UBND thực hiện Chủ đề năm 2022 với nội dung “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số”, qua đó xác định rõ mục tiêu, giải pháp cụ thể về công tác cải tạo, chỉnh trang đô thị thành phố, góp phần tạo đột phá trong xây dựng, phát triển và từng bước hiện đại hoá đô thị Hải Phòng mang đặc trưng, bản sắc riêng của thành phố cảng biển, hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I, hướng tới đạt tiêu chí đô thị đặc biệt, đô thị thông minh.

Niềm vui lớn nữa đầu xuân này đến với người dân là thành phố đã tăng lỷ lệ đất cây xanh đô thị. Mục tiêu đặt ra là mỗi phường có 1 công viên. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, thành phố đầu tư 62 công viên vườn hoa cho 7 quận với tổng diện tích khoảng 71ha. Hải Phòng dự kiến đầu tư tiếp 54 công viên, vườn hoa, với mục tiêu xanh hóa đô thị, nâng cao chất lượng sống Nhân dân thành phố, góp phần hoàn thiện tiêu chí đô thị loại I và hướng tới tiêu chí đô thị loại đặc biệt vào năm 2030 theo yêu cầu Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Rồi câu chuyện về xóa chung cư cũ, xây chung cư mới cùng Đề án xây dựng nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 04/NQ-HDND ngày 12-4-2022 của HĐND thành phố.

Khu chung cư Đồng Quốc Bình sau khi được xây mới

Ngoài ra, Hải Phòng còn tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại. Hàng chục tuyến đường liên tỉnh, liên huyện với 46 cây cầu được xây dựng, hàng chục bến phà, đò đã được thay thế bằng cầu cứng, hiện đại, đặc biệt, hơn 200 tuyến đường phố nội đô được trải nhựa át-phan phẳng phiu. Các nút giao thông trọng yếu đã được đầu tư cải tạo mở rộng đã làm thay đổi rõ nét bộ mặt kiến trúc, cảnh quan đô thị chung.

Đến nay, việc thực hiện Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐND đã hoàn thành. Thành phố đã triển khai hỗ trợ vật tư cho 7 quận, lắp đặt 10.208 pha đèn LED tại 3.298 tuyến đường; 3.302 cây xanh trồng tại 156 tuyến đường; 28.659m2 gạch lát vỉa hè; 26.111 tấn xi-măng để cải tạo 2.037 tuyến ngõ với tổng chiều dài 158km...

Những ngày đầu năm mới này, cùng với tập trung đầu tư hạ tầng, triển khai các thủ tục pháp lý để đưa huyện Thủy Nguyên lên thành phố, huyện An Dương và huyện Kiến Thụy nâng cấp thành đơn vị hành chính cấp quận, đồng thời khẩn trương triển khai các dự án, công trình mới như: mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi, cầu Nguyễn Trãi, cầu Vũ Yên II, cầu Bến Rừng, cầu Rào III, tuyến đường mới kết nối từ trung tâm thành phố đi Đồ Sơn; các tuyến đường vành đai 2, vành đai 3; các bến mới tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai để đến năm 2025, Hải Phòng có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, liên hoàn, xứng đáng là trung tâm giao thương quốc tế, là động lực phát triển kinh tế của cả nước.

Một mùa xuân mới lại về, trong bước chuyển mình của đất nước, ở nơi cửa biển Miền Bắc, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Hải Phòng đang tiến những bước dài trong nỗ lực thực hiện mở mang, chỉnh trang đô thị với mục tiêu đưa Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đoàn Lanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông