Gạo giảm giá, nhà nông lo năm học mới

11:29 26/07/2018

Thời gian gần đây, giá gạo trên thị trường giảm mạnh, với mức bình quân 12% so với hồi đầu năm. Trong đó loại giảm cao nhất tới 2.000 đồng/kg, loại giảm thấp nhất khoảng 1.000 đồng/kg, đối với thị trường là điều tích cực, tuy nhiên đây lại là tác động tiêu cực đối với nông dân, trong điều kiện nhiều khoản chi phí xã hội ngày càng gia tăng.

                                                                         Giá gạo giảm mạnh trong thời gian gần đây.                                                                             Lo từ thực trạng chung

Theo tin từ Bộ Công thương, chỉ tính từ đầu tháng 7 mức giảm của giá gạo thế giới đã từ 5 USD đến 10 USD/tấn so với tháng 6, tuy nhiên xuất khẩu gạo từ Việt Nam vẫn rất ổn định. Tuy nhiên, giá xuất khẩu gạo của các nước đang có xu hướng giảm do nguồn cung liên tục được bổ sung, nhất là sự trỗi dậy của các quốc gia xuất khẩu mới như Campuchia, Myanmar… đã làm bản đồ thị phần cũng như thị trường có nhiều thay đổi.

Cũng theo thông tin từ Bộ Công thương, trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt đạt 3,56 triệu tấn với 1,81 tỷ USD, tăng 25% về khối lượng và tăng 42% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Nhưng bước sang đầu tháng 7, xuất khẩu gạo của Việt Nam bắt đầu có xu hướng giảm, không chỉ đường chính ngạch mà cả đường tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Lý do như đã nói ở trên, ngoài những đối thủ truyền thống như Mỹ, Thái Lan, Ấn Độ… hiện một số nước mới trỗi dậy đã gia tăng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Trong khi đó, dù đã có rất nhiều nỗ lực những năm gần đây, nhưng khả năng cạnh tranh của gạo Việt Nam yếu, chất lượng chậm được cải thiện. Bên cạnh đó, vụ lúa chiêm xuân vừa qua cả nước đều được mùa, góp phần là nguyên nhân tác động khiến giá gạo thị trường trong nước giảm theo.

Cần phải thấy rằng, thị phần tại Trung Quốc vẫn chiếm đa số trong tổng nguồn xuất khẩu gạo của Việt Nam, với mức khoảng trên dưới 40%. Nhưng mấy năm gần đây, Trung Quốc cũng chuyển hướng sang nhập khẩu gạo của Myanmar và Campuchia, đồng thời kiểm soát chặt việc nhập khẩu từ Việt Nam.

Thậm chí có thời điểm phía Trung Quốc đóng cửa biên mậu, khiến lượng gạo ùn ứ. Đây cũng là bài học cho hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam, khi việc xuất khẩu tiểu ngạch theo kiểu chộp giật, mạnh ai người ấy làm vẫn còn phổ biến.

Mặt khác, việc xuất khẩu gạo theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc cũng gặp nhiều rủi ro, bởi đa số dựa vào các giao dịch tự phát, cam kết lỏng lẻo, dễ bị ép giá. Nhìn từ tác động khác, việc mới đây Trung Quốc giảm giá đồng Nhân dân tệ cũng gây ảnh hưởng tiêu cực, gây áp lực vào hàng hóa nhập khẩu vào nước họ.

Theo phân tích của các chuyên gia, trong thời gian tới, những tác động quốc tế như tranh chấp thương mại Mỹ - Trung, việc mở rộng hội nhập thị trường thương mại tự do với nhiều quốc gia, cùng với cạnh tranh gia tăng từ những nước xuất khẩu mới… sẽ tạo sức ép rất lớn cho gạo Việt.

Trăn trở an sinh nông thôn

 Tại Hải Phòng, sau thời điểm tăng giá và giữ ở mức khá cao từ cuối năm 2017 đến đầu năm 2018, trong khoảng một tháng nay giá gạo giảm khá mạnh, mức bình quân chung vào khoảng 12%. Hiện khu vực nội thành, các loại gạo ngon có giá bán lẻ như sau: nếp nương từ 29.000 đồng đến  30.000 đồng/kg;  “séng cù Điện Biên” từ 22.000 đồng đến 23.000 đồng/kg; tám thơm từ 17.000 đồng đến 18.000 đồng/kg…

Loại gạo bình dân gồm: bắc hương từ 14.500 đồng đến 15.500 đồng/kg; BC từ 13.000 đồng đến 14.000 đồng/kg…, riêng gạo rẻ tiền dùng cho các hàng ăn vỉa hè và làm nguyên liệu chế biến bún, bánh, nấu rượu, chỉ có giá bình quân 12.000 đồng/kg. Tại khu vực các trung tâm thương mại, mức giá cao hơn thị trường tự do từ 10 đến 15%.

Số liệu thống kê cho thấy, vụ Đông – Xuân vừa qua diện tích gieo cấy toàn thành phố đạt  34.264,8 ha, dù giảm 800,3 ha so với cùng kỳ năm trước nhưng gặp nhiều thuận lợi, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, bông lúa xếp đều, tỷ lệ hạt chắc cao, sạch sâu bệnh, nên sản lượng đạt rất cao.

Cụ thể, năng suất lúa bình quân toàn thành phố đạt 70,05 tạ/ha, sản lượng ước đạt 240.031 tấn. Với mức cung như vậy, thực tế thành phố hoàn toàn chủ động được nguồn lương thực tại chỗ. Mặc dù vậy, thị trường vẫn phải vận động theo hướng đa dạng để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, nên một số lượng lớn gạo tiêu thụ trên địa bàn thành phố vẫn được nhập từ các địa phương khác.

Đương nhiên, thực trạng của cả nước đã ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường lương thực thành phố, nên nguồn cung tại chỗ càng cao, thì áp lực cạnh tranh về giá càng lớn.

Nếu chỉ tính trong cơ cấu chi tiêu thì mức giá nêu trên không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người dân, thậm chí giá gạo giảm còn tạo thuận lợi cho các hộ chế biến thực phẩm, dịch vụ bán hàng ăn sẵn. Nhưng điều đáng nói là, giá gạo giảm đang gây hiệu ứng tiêu cực đến an sinh của một bộ phận không nhỏ nông dân Hải Phòng.

Ông Đào Quang B. - một người dân ở huyện Kiến Thụy - than thở: “Vào năm học mới, việc đóng tiền học phí trông cả vào hạt gạo…”. Theo tính toán của ông B., bình quân mức đầu tư năm học cho mỗi cháu là 5 triệu đồng gồm nhiều khoản, gia đình ông B. phải bán đi hơn 1,5 tấn thóc mới đủ chi phí cho hai đứa con đang học tiểu học.

Không những thế, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và đặc biệt là dịch vụ nhân công tiếp tục tăng, khiến chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp ngày một cao.

Tuy nhiên, theo một số người có kinh nghiệm, thì thị trường gạo giảm giá chỉ mang tính cục bộ. Bởi tác động khó lường của thời tiết và sự gia tăng xuất khẩu gạo sẽ diễn ra vào dịp cuối năm.

Nghĩa là, trước mắt thị trường lương thực còn gặp nhiều thách thức, nhưng hy vọng sự sụt giảm của thị trường nông sản nói chung sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến mặt bằng an sinh xã hội của thành phố.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông