Gặp người con đất Cảng trên quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1

07:50 24/05/2018

Tự hào biết mấy khi dọc chuyến hải trình theo chân đoàn công tác số 15 Bộ tư lệnh Hải quân đến thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, chúng tôi đều thấy ở hầu hết các điểm dừng chân là dáng hình các anh - những người lính trẻ xuất thân từ thành phố Cảng anh hùng đang ngày đêm miệt mài huấn luyện, công tác, chắc tay súng, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đoàn đại biểu CATP tặng quà CBCS Nhà giàn DK1/12

Hội ngộ...

Ngay từ những bước chân đầu tiên đặt chân lên cầu Cảng của đảo Song Tử Tây (điểm đầu tiên đoàn công tác lên thăm) hình ảnh những người lính Hải quân da nâu, mắt sáng, nở nụ cười tươi rói, hăm hở chào đón đoàn, trợ giúp việc vận chuyển hàng quà, đỡ người lên đảo trong phút chốc đã xua tan đi sự mệt mỏi, cái nắng, gió, mặn mòi nơi biển cả bao la. Các anh như tiếp thêm sức mạnh, giúp các thành viên trong đoàn công tác tiếp tục hành trình khám phá cuộc sống, sinh hoạt, lao động, sản xuất và huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của quân dân trên đảo Song Tử Tây nói riêng, các điểm đảo, Nhà giàn DK1 nói chung.

Và điều đặc biệt là giữ đất trời bao la, đại dương mênh mông sóng nước ấy, hòa trong tình đồng bào, đồng chí, đồng đội được hội ngộ trong những thời khắc lịch sử của đời người thì tình đồng hương, sợi dây kết nối giữa những con người có chung nơi “chôn rau, cắt rốn” có phần trở lên “ích kỷ” hơn, chơi “trội” hơn.

Đại tá Vũ Thanh Chương - Phó Giám đốc CATP Đoàn gặp mặt Chỉ huy Nhà giàn DK1/12 (Chỉ huy Nhà giàn là Trung tá Nguyễn Văn Hùng, quê ở Thị trấn Trường Sơn, An Lão, Hải Phòng đứng thứ 4 từ trái sang)

Chả thế mà cũng giống như các thành viên trong đoàn công tác thuộc các tỉnh thành, đơn vị bạn, chỉ sau những cái siết tay, dăm ba câu trò chuyện, chào hỏi, ở hầu hết các điểm đến, chúng tôi đã nhanh chóng tìm ra được những người đồng hương của mình đang công tác tại đây.

Đó là Đại úy Phạm Văn Tuyên, sinh 1978, quê ở phường Đông Hải, Hải An. Anh Tuyên mới ra đảo công tác được gần 1 năm, giữ chức Tổ trưởng tổ Dịch vụ, đội Dịch vụ hậu cần nghề cá nhân dân, âu tàu đảo Song Tử Tây, thuộc Tổng Cty Tân Cảng Sài Gòn. Tại đây nhiệm vụ chính của anh là cùng đồng đội cung ứng đầy đủ, kịp thời nước ngọt, xăng dầu với giá thành như giá trong đất liền phục vụ bà con ngư dân yên tâm vươn khơi đánh bắt thủy hải sản và bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Hay Trung úy Lê Đình Cẩn, sinh 1988, quê ở phường Máy Chai, Ngô Quyền biên chế tại phòng Cơ yếu, Bộ Tư lệnh Hải Quân; nhận nhiệm vụ ra Trường Sa công tác từ tháng 7-2017 làm nhân viên cơ yếu đảo Song Tử Tây khi con trai đầu lòng của anh mới tròn 7 tháng tuổi.

Nhóm PV gặp lính người Hải quân đầu tiên quê Hải Phòng (đứng thứ 6 từ trái sang) tại Âu tàu đảo Song Tử Tây

 Tiếp đến là Thiếu tá Ngô Văn Xô, sinh 1972, quê xã Tiên Thắng, Tiên Lãng; biên chế ở Trung tâm 47 (Trụ sở ở Tràng Cát, Hải An), Bộ Tham mưu Hải quân. Sau hơn 20 năm công tác, năm 2015, anh Xô được đơn vị điều động ra công tác tại đảo Nam Yết, giữ chức Chính trị viên phó của đảo. Trong suốt thời gian công tác tại đảo, Tết năm 2017 là lần duy nhất anh Xô được nghỉ phép về nhà 3 tháng thăm vợ (là giáo viên Trường Tiểu học Đằng Giang, Ngô Quyền) và 2 con gái nhỏ...

Thêm nữa là Trung tá Nguyễn Văn Hùng, sinh 1970, quê ở Thị trấn Trường Sơn, huyện An Lão - Chỉ huy Trưởng Nhà giàn DK1/12. Vốn biên chế ở Tiểu đoàn DK1, Vùng 2, Bộ Tư lệnh Hải Quân, anh Hùng đã có 20 năm liên tục ra quần đảo Trường Sa công tác ở những điểm đảo, vị trí khác nhau những đây là lần đầu tiên anh nhận nhiệm vụ tại Nhà giàn DK1. Ở quê nhà, vợ anh tần tảo sớm khuya bán tạp hóa thuê kiếm thêm tiền lo cho trai đầu lòng đang học năm thứ 2, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, TP Hồ Chí Minh và con gái út học lớp 7. Dưới bàn tay quán xuyến, lo toàn của người vợ, cuộc sống gia đình anh trong đất liền tương đối ổn định...

... Chung một bầu nhiệt huyết

Và còn rất nhiều những người con ưu tú Hải Phòng đang công tác tại Trường Sa, Nhà giàn DK1. Nhưng do lịch trình công tác khá dày và các anh cũng bận làm nhiệm vụ nên chúng tôi chưa kịp gặp mặt, gọi tên. Mặc dù vậy, qua những phút trải lòng trong các cuộc chuyện trò chớp nhoáng, chúng tôi ai nấy đều thấm thía được rằng: dù các anh ra đây công tác ở vị trí nào? Đây là lần đầu tiên hay lần thứ mấy ra đảo, Nhà giàn công tác? Cha mẹ già, đàn con thơ của các anh ở quê nhà có được mạnh khỏe? Người vợ hiền của các anh ở nhà là giáo viên hay bà nội trợ, công nhân... thì các anh cũng luôn gửi trọn niềm tin vào hậu phương vững chắc của mình.

 Đoàn đại biểu CATP gặp mặt Chỉ huy đảo Nam Yết và CBCS đảo là người Hải Phòng

Đối với các anh, chỉ cần làm tốt công tác tư tưởng nơi hậu phương là có thể yên tâm lên đường công tác bao xa, bao lâu cũng không phải là vấn đề. Và theo chia sẻ của các anh, trước khi các anh gắn bó cuộc đời của mình với một ai đó, thì người con gái ấy phải mặc định rõ ràng rằng làm vợ lính Hải quân là chịu nhiều thiệt thòi, thiếu thốn về mặt tình cảm; phải thường xuyên sống trong cảnh chờ đợi, một mình quán xuyết việc nhà, lo cho con cái ăn học; cáng đáng, vun vén gia đình đôi bên nội ngoài thay chồng...

Tếu táo, vui vẻ, cởi mở là thế nhưng mỗi khi nhắc đến hai từ “gia đình”, trong những đôi mắt sáng, nụ cười xòa pha chút lém lỉnh, chúng tôi nhận ra được nỗi niềm ẩn sâu trong trái tim sắt đá của các anh: “Ra đảo/Nhà giàn hình ảnh cha mẹ, vợ con hiếm hoi lắm!...” Một câu nói mà trăm người như một. Không gian cuộc trò chuyện như trùng xuống. Đó chính là nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình, người thương. Nỗi thèm khát đến ngày được đặt chân lên mảnh đất nơi quê nhà, được ngả vào lòng người mẹ hiền, được ôm trọn vòng tay người thương, được chạy lại cưng nựng, bồng bế đứa đứa con thơ đang bi bô gọi tiếng “ba...ba...” mà ngày thường trong vô thức các anh đã đè nén, che khuất đi để nhường chỗ cho sứ mệnh cao cả hơn là chắc tay súng, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng Tổ quốc.

Lực lượng vũ trang Hải Phòng hội ngộ tại đảo Nam Yết

Hiện quần đảo Trường Sa có mặt của lực lượng 4 nước, 5 bên và 5 nước, 6 bên có yêu sách về chủ quyền, gồm: Trung Quốc, Đài Loan, Philipin, Ma-lai-xia, Brunây (Không có đảo nào những vẫn yêu sách chủ quyền) và Việt Nam. Do đó, dù ở gần hay xa các đảo mà các bên chiếm đóng trái phép thì việc chứng kiến máy bay, tàu tên lửa các bên lượn lờ, bay ra bay vào hay phải cho xuồng ra bắn pháo hiệu, xua đuổi tàu lạ đi vào vùng biển của Việt Nam... đối với quân dân huyện đảo, Nhà giàn nói chung, những người lính Hải quân gốc Hải Phòng nói riêng đã trở thành quen thuộc, quá đỗi bình thường.

Tình hình chiến sự có những lúc trở lên căng thẳng nhưng tinh thần của quân dân nơi địa đầu Tổ quốc nói chung, những người lĩnh Hải quân xuất thân từ thành phố Cảng trung dũng, quyết thắng nói riêng luôn chung một bầu nhiệt huyết, kiên định lý tưởng cách mạng: “Tuyệt đối trung thành, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; sẵn sàng chiến đấu, hi sinh không tiếc thân mình cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc...”. Đây chính là thông điệp, là lời thề danh dự mà các anh muốn gửi về đất liền...

 Khánh Chi

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông