GIÁ TRỊ CỦA VĂN, THƠ, TỤC NGỮ, CA DAO ĐỂ BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG TRONG CÁC BÀI VIẾT CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG (Bài 1)

14:54 03/10/2023

Cán bộ, đảng viên, nhân dân Việt Nam thường xuyên theo dõi, đón đọc các bài viết, bài phát biểu, sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Những tác phẩm này chứa đựng những tư tưởng chỉ đạo lớn của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam nhưng lại cực kỳ dễ hiểu, dễ nhớ, thấm sâu vào lòng người, có tính lan tỏa, tác động sâu sắc. Và điều vô cùng đặc biệt là đồng chí Tổng bí thư luôn đưa vào các bài viết, bài phát biểu của mình những đoạn văn, câu thơ, nhất là tục ngữ, ca dao Việt Nam. Bởi thế, cho dù những vấn đề Tổng bí thư đề cập tới cực kỳ lớn lao, rất sâu sắc, trí tuệ, liên quan tới chủ nghĩa Mác- Lênin; tư tưởng Hồ Chí Minh; đến xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; phòng chống tham nhũng, tiêu cực; phát triển KTXH, giữ vững QPAN, đối ngoại…, nhưng lại vô cùng gần gũi, mộc mạc, giản dị. Nhiều ý kiến cho rằng, chính những câu văn, thơ, ca dao, tục ngữ được đồng chí Tổng bí thư vận dụng nhuần nhuyễn không chỉ nâng tầm các bài viết mà còn là cách truyền đạt, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng một cách sinh động, hấp dẫn, mang lại những cảm xúc đặc biệt cho người nghe, người xem, người đọc.

Bài 1: ỨNG DỤNG VĂN, THƠ, CA DAO, TỤC NGỮ TRONG CÁC BÀI VIẾT VỀ XÂY DỰNG ĐẢNG

Viết về công tác xây dựng Đảng luôn được coi là khô, khó, khổ, nhất là khi những vấn đề được đề cập liên quan tới bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; về tư tưởng, chính trị; tổ chức cán bộ; kiểm tra, giám sát; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thế nhưng, dưới ngòi bút của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, những bài viết trở nên sinh động, hấp dẫn, dễ đọc, dễ hiểu. Ngoài trí tuệ anh minh, bút pháp sắc sảo, có được điều đó là nhờ những áng văn, câu thơ, nhất là các bài viết, câu nói, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh; ca dao, tục ngữ Việt Nam được đồng chí Tổng bí thư vận dụng, rất ý nghĩa và vô cùng thấm thía, sâu sắc.

Cán bộ là gốc của mọi công việc

Trong các bài viết, bài phát biểu của mình, đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn thể hiện tư tưởng nhất quán, kiên định và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng, về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nêu vấn đề gợi mở, định hướng và đưa ra nhiều giải pháp có giá trị quan trọng, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm vững, quán triệt và tổ chức thực hiện sâu rộng, hiệu quả để góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Trong đó, đồng chí Tổng bí thư đặc biệt chú trọng tới công tác cán bộ và sử dụng nhiều áng văn, thơ, ca dao, tục ngữ để nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên luôn kiên định lý tưởng của Đảng, trung thành với Đảng và giữ mình trong sạch, gương mẫu đi đầu trong mọi công việc, trọng trách được giao.

Trong bài viết: “Cái làm nên uy tín đảng viên” đăng trên Tạp chí Cộng sản số tháng 2-1990, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã viết: có biết bao bài thơ ca ngợi hết lời phẩm chất và khí phách của người cộng sản. Nhiều người đã khao khát ước mơ: “Nếu là hoa hãy là hoa hướng dương- Nếu là chim hãy là chim câu trắng- Nếu là đá hãy là đá kim cương- Nếu là người hãy là người cộng sản!”. Mộc mạc, giản dị vậy thôi nhưng đã đủ nói lên phẩm chất, khí phách của người cộng sản, của cán bộ, đảng viên, “cái gốc của mọi công việc” của Đảng.

Trong bài: “Chức vụ và uy tín” đăng trên Tạp chí Cộng sản số tháng 2-1984, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng khéo léo vận dụng thơ, ca để nhắc nhở cán bộ phải giữ được uy tín của mình, càng có chức vụ càng phải giữ uy tín. Theo đồng chí Nguyễn Phú Trọng, “uy tín không phải tự nhiên mà có. Nó phải là kết quả của sự phấn đấu và rèn luyện gian khổ, bền bỉ của bản thân mỗi người. Một người lãnh đạo, bằng hành động thực tế của mình, chứng tỏ được rằng mình thật sự có phẩm chất và tài năng thì “hữu xạ tự nhiên hương”, tự nhiên họ sẽ được quần chúng tin yêu, kính trọng và tín nhiệm.

Trái lại, một người nào đó nếu không gương mẫu, chỉ nói không làm, lời nói không đi đôi với việc làm, không nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, không đảm đương nổi nhiệm vụ được giao, thậm chí còn lợi dụng chức quyền làm điều sai trái, thì dù họ có nắm giữ chức vụ gì, dù họ có tự đề cao bao nhiêu, có được người này người khác tán tụng như thế nào, họ cũng vẫn không thể có uy tín”.

Đồng chí dẫn lời dạy của Lênin: “Người lãnh đạo cần phải giành lấy uy tín tuyệt đối trong quần chúng bằng chính nghị lực của mình, bằng ảnh hưởng tư tưởng và hành động thực tế của mình, chứ không phải bằng danh hiệu và chức vụ”; dẫn lời căn dặn của Hồ Chủ tịch:“Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.

Còn liên quan đến uy tín chung của tập thể, của Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng nói, chỉ  cần một phút thiếu cảnh giác với mình, buông thả mình là có thể phạm sai lầm lớn, làm mất uy tín của mình, làm hại thanh danh của Đảng. Không phải ngẫu nhiên mà ông cha ta đã đúc kết: “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”!.

Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày 9-12-2021

 Nói về tinh thần tự phê bình và phê bình, trong bài “Tăng cường xây dựng Đảng- Yếu tố quan trọng công việc xây dựng Nhà nước pháp quyền và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số tháng 3-2008, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đề cập: “bây giờ liên hệ trong từng chi bộ, từng con người xem tính chiến đấu đã đủ mức chưa. Nói là tự phê bình và phê bình chứ vẫn ca ngợi nhau là chính, chưa nhìn thẳng vào sự thật, chưa dám nói thẳng, cũng e dè, nể nang với trăm thứ lý do, nhất là sợ bị trù dập, cho nên cứ bùng nhùng thế thôi, đúng không bảo vệ, sai không dám đấu tranh, “quan bảy cũng ừ, quan tư cũng gật”.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng dẫn câu thơ của nhà thơ Tố Hữu trong bài “Con cá, chột nưa”: “Ăn đi vài con cá- Dăm bảy cái chột nưa- Có ai biết ai ngờ- Thế vẫn tròn danh dự” và nhắc nhở, đấu tranh với chính mình là rất gian khổ. Trong điều kiện hiện nay, cán bộ, đảng viên đi công tác nước ngoài khắp mọi nơi, ai quản lý, ai biết; giao dịch với nước ngoài ai biết, làm sao để không bị co kéo, mua chuộc? Trong xây dựng cơ bản, trong mua sắm, biết bao nhiêu thứ phết, phẩy, phần trăm, những thứ không thành văn. Vậy làm sao để không bị cám dỗ, không bị sa ngã? Cho nên phải làm sao để có tính chiến đấu, chiến thắng được mọi thứ cám dỗ trong từng công việc một.

Về xây dựng Đảng, theo đồng chí Nguyễn Phú Trọng là vấn đề rất khó, “vì vừa phải xây dựng tổ chức, vừa phải xây dựng con người. Mà con người, thì như Goócki nói: “Hai tiếng ấy vang lên kiêu hãnh làm sao”. Nhưng con người, như tục ngữ ta nói cũng đủ thứ, ta biết con người là thế nào rồi, “miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng thì lộn gan lên đầu”. Nhìn người khác thấy khuyết điểm thì rất rõ, nhìn khuyết điểm của chính mình thì rất khó; nhìn mình bao giờ cũng thấy hay hơn, giỏi hơn người khác, nhưng lại bị thiệt hơn người khác; còn người khác thì kém mình mà lại được hưởng hơn mình, cho nên mới có những tâm tư này khác, mặc dù cũng có tâm tư chính đáng, nguyện vọng chính đáng”. Những câu thơ tục ngữ vận dụng trong trường hợp này thật sâu sắc và thấm thía.

Chỉ rõ những thói hư, tật xấu của một bộ phận cán bộ đảng viên

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng khéo léo vận dụng thơ, văn để chỉ rõ những thói hư, tật xấu của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Phát biểu kết luận tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa 11 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, ngày 27 – 29- 2-2012, đồng chí Nguyễn Phú Trọng nói: “bây giờ các đồng chí có biết ca dao, hò vè người ta nói gì không? Chắc là biết, nghe nhiều hơn tôi: “Họp thì có người ghi, đi thì có người chở, ở thì có người chăm, nằm thì có người bóp...”. Nói với nhau rồi cười cho vui, nhưng nghe nó đau xót lắm, đụng đến một cái gì rất thiêng liêng. Đó là phẩm chất đạo đức chứ còn gì nữa”.

Vấn đề đánh giá, bố trí cán bộ, Nghị quyết chỉ ra là một số trường hợp chưa thật công tâm, khách quan, không vì yêu cầu công việc, bố trí không đúng sở trường, năng lực, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, lãnh đạo. Có không? Tại sao người ta nói chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy chỗ, chạy bằng cấp, chạy thi đua, chạy dự án... Hỏi chạy ai? Ai chạy? Bây giờ, thưa các đồngchí nghe rất là đau, rất nặng nề. Đã thành câu vè nhiều năm nay: “đi nặng thì về nặng, đi nhẹ thì về nhẹ, đi không thì về không”. Nó là thế nào? Trong công tác cán bộ thì “Thứ nhất là quan hệ, thứ nhì là tiền tệ, thứ ba là hậu duệ, thứ tư mới đến trí tuệ”. Nó là cái gì?”…

 Trong bài: “Một sự thật nhức nhối” đăng trên Tạp chí Cộng sản số tháng 10-1987,  đồng chí Nguyễn Phú Trọng dùng tục ngữ, ca dao để đả phá thói xa hoa, lãng phí.  “Tục ngữ ta có câu: “Miệng ăn núi lở”, “mưa dầm lâu cũng lụt” mà “đã lụt thì lụt cả làng”. Một nền kinh tế dù có vững vàng bao nhiêu, sản xuất đã phát triển như thế nào, nhưng nếu không tiết kiệm, cứ tiêu dùng hoang phí thì chẳng khác nào “gió vào nhà trống”, rốt cuộc của cải “vào lỗ hà ra lỗ hổng”, làm bao nhiêu tay không vẫn hoàn tay không”. Từ đó, đồng chí viết: “Những người tự bỏ tiền túi của mình ra để tiêu xài lãng phí trong lúc đất nước còn nghèo và có nhiều khó khăn đã là thật nhẫn tâm, rất đáng phê phán. Những người lấy tiền của Nhà nước, của tập thể để chi dùng quá mức cho cuộc sống riêng của mình càng cần phải bị nghiêm khắc phê phán và tùy trường hợp phải bị xử lý thích đáng”.

                                                 Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị cán bộ toàn quốc

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng dùng rất đắt các câu tục ngữ để chỉ thói “móc ngoặc” (trong bài Móc ngoặc đăng  trên Tạp chí Cộng sản, số tháng 8-1978). Đó là: “Tôi - anh, anh - tôi, “ăn miếng chả ta giả miếng bùi”, nghĩa là “có đi có lại”, cấu kết với nhau làm sai phép nước. Thủ đoạn thường thấy của những người móc ngoặc là bắt đầu “lót tay”, biếu xén, “thả con săn sắt” để chuẩn bị “bắt con cá rô”. Và trong quan hệ với nhau theo kiểu “ông mất chân giò, bà thò chai rượu”. Cũng có người biết móc ngoặc là sai, là vi phạm chế độ, nguyên tắc quản lý của Nhà nước, nhưng vì thấy có người khác làm nhất thời “có lợi”, cho nên... “cũng liều nhắm mắt đưa chân”...

Từ đó nói lên đạo lý của cha ông “vật khinh tình trọng”, giúp nhau vô tư trong sáng, vì tình vì nghĩa mới lâu bền và gắn kết tình thân; đừng để “há miệng mắc quai”, trói buộc một số người, làm cho việc chấp hành kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước không nghiêm, không triệt để. Bài viết này dù mấy chục năm đã trôi qua vẫn giữ nguyên giá trị.

 Có thể nói, tất cả các bài viết của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về cán bộ, công tác cán bộ đều nhất quán quan điểm: rèn luyện suốt đời, thường xuyên tự soi, tự sửa. Suy cho cùng, mọi thành bại đều do con người và tất nhiên sự nghiệp cách mạng thành bại cũng chủ yếu do cán bộ, đảng viên. Mỗi câu văn, thơ, tục ngữ, ca dao đưa vào bài đều mang những hàm ý sâu sắc ấy./.

 (Còn tiếp)

Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông