GIÁ TRỊ CỦA VĂN, THƠ, TỤC NGỮ, CA DAO ĐỂ BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG TRONG CÁC BÀI VIẾT CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG (Bài 2)

09:07 04/10/2023

Bài 2: ĐẤU TRANH KHÔNG KHOAN NHƯỢNG VỚI TỆ THAM NHŨNG, TIÊU CỰC

Những bài viết của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực luôn thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng ta là đấu tranh không khoan nhượng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đây là những vấn đề có tính chất lý luận và thực tiễn rất quan trọng, là “bó đuốc” soi đường cho công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân. Và thật diệu kỳ, ngay cả trong những bài viết có tính chất “đanh thép” ấy, thơ, văn, tục ngữ, ca dao vẫn được vận dụng một cách nhuần nhuyễn với nhiều ý nghĩa sâu sắc, thâm thúy.   

Thường xuyên tự răn mình

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, “tham nhũng (tham ô, nhũng nhiễu) là hiện tượng xã hội tiêu cực, xấu xa mà thời nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có; đó là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực. Các quốc gia tồn tại và phát triển vững mạnh đều quan tâm và tiến hành đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả . Như vậy, về bản chất, nói một cách nôm na, dễ hiểu như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy thì tham nhũng là hành vi “ăn cắp của công làm của tư”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân và Chính phủ; là “giặc ở trong lòng”, “giặc nội xâm”.

Do đó, mục đích của việc xử lý tham nhũng, tiêu cực là để “trị bệnh cứu người”, kỷ luật một vài người để cứu muôn người, truy tố một vụ để cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực; từ đó để cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa là chính, nên cần phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; phải tăng cường giáo dục kỷ luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, dùng kỷ luật nghiêm minh và giám sát nghiêm khắc để cán bộ, đảng viên biết giữ gìn, nhớ điều cấm, giữ giới hạn”.

Trong công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhấn đi nhấn lại nhiều lần là phải đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác cán bộ; gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là phải đánh giá, lựa chọn, bố trí đúng cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý; tăng cường quản lý, giáo dục, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Đồng chí nêu rõ: hàng loạt cán bộ cấp cao, sĩ quan cấp tướng, tá bị khởi tố trong các vụ án vừa qua là tại ai, tại cái gì? Tại cơ chế hay tại mình không chịu tu dưỡng, rèn luyện? Đây là bài học rất đau xót, cho nên mọi cán bộ, đảng viên phải luôn luôn tự soi, tự sửa, giữ gìn phẩm chất đạo đức, đừng vướng vào những chuyện tiêu cực, bất luận hoàn cảnh nào cũng không động lòng tham, không ham hố vật chất, quyền lực; danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất, tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Nếu ai chẳng may đã “nhúng chàm” thì cần tự giác báo cáo với tổ chức, chủ động khắc phục hậu quả gây ra để được khoan hồng không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; có bệnh phải chữa ngay, không “nuôi ung thành họa”.  

Đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hơn ai hết, phải có bản lĩnh vững vàng, có dũng khí đấu tranh; phải trung thực, liêm chính, “chí công vô tư”, thực sự là “thanh bảo kiếm” sắc bén của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm” và làm cho bằng được; ngược lại, “việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”.

Thành ủy Hải Phòng tổ chức quán triệt và giới thiệu tác phẩm: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

 Đồng chí Tổng bí thư mong muốn: Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo, phải gương mẫu chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chủ động xử lý khi có xung đột lợi ích; xây dựng và thực hiện tốt quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; phê phán, lên án, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực. Cha ông ta đã dạy: “Thiện căn ở tại lòng ta/Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”; “Có tài mà cậy chi tài/Chữ tài liền với chữ tai một vần!”. Tránh tình trạng: “Chân mình còn lấm bê bê/Lại cầm bó đuốc đi rê chân người”; “Thượng bất chính, hạ tắc loạn!”; “Cấp trên ở chẳng chính ngôi/Cho nên ở dưới chúng tôi hỗn hào!”.

Đặc biệt, đồng chí Tổng bí thư chỉ đạo nghiên cứu hoàn thiện mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy định để ngăn ngừa có hiệu quả sự tác động tiêu cực, không lành mạnh vào hoạt động của các cơ quan này; tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng, tránh tình trạng “cua cậy càng, cá cậy vây”. Thật là sâu sắc và thấm thía.

 Phát biểu tại hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022, đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Chẳng mấy khi được dự một hội nghị có quy mô lớn với nội dung rất quan trọng và có ý nghĩa về nhiều mặt như thế này; lại được gặp mặt thân mật và trang trọng với hầu hết các đồng chí lãnh đạo chủ chốt ở tất cả các cấp từ Trung ương đến cơ sở trong cả nước, tôi rất vinh dự, xúc động và muốn giãi bầy một đôi điều có tính chất tâm sự, tâm tình thêm bằng cách nhắc lại một câu nói đầy ấn tượng và rất sâu sắc của nhân vật Pa-ven Coóc-xa-ghin - nhân vật chính trong tác phẩm "Thép đã tôi thế đấy" của nhà văn nổi tiếng Liên Xô Ni-cô-lai Ốt-xtơ-rốp-xky - một cuốn sách "gối đầu giường" của lớp thanh niên cỡ tuổi chúng tôi thời những năm 1959 - 1960.

Đại ý thế này: Cái quý nhất của con người là Cuộc sống và Danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ty tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự trường tồn của Dân tộc, sự vẻ vang của Giống nòi và hạnh phúc của Nhân dân!”. Đây thật sự là những lời gan ruột, chạm tới trái tim của triệu triệu người dân Việt Nam.

 Tại hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, ngày 15-9-2021, đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng  cũng sử dụng nhiều câu thơ, tục ngữ để nói lên tư tưởng, chỉ đạo của mình.  Đồng chí Tổng bí thư nói, chúng ta ai cũng biết, một gia đình muốn êm ấm, hòa thuận, hạnh phúc thì cùng với sự dạy bảo, khuyên nhủ còn phải có khuôn phép, gia phong, nền nếp (nếp nhà): “Trên kính dưới nhường”, tôn ti trật tự, không thể vô lễ, vô phép, “cá mè một lứa”, “thượng hạ bằng đẳng”...; không có cái kiểu “Nhà kia lỗi phép con khinh bố/Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng” như cụ Tú Xương đã từng phê phán; như thế là một gia đình vô phúc. Một làng, một xã, một dòng họ cũng có hương ước, quy ước, lệ làng; một cơ quan, một công sở phải có “nội quy”; một tổ chức, đoàn thể phải có “quy chế”, có “điều lệ”... Một đất nước, một xã hội muốn tốt đẹp thì bên cạnh sự giáo dục, sự khuyên nhủ, càng phải có kỷ cương, phép nước, phải có pháp luật nghiêm minh để bảo vệ cái tốt, cái đúng; răn đe, trừng trị những cái xấu, cái sai, có hại cho dân, cho nước, tức là phải có sự quản lý bằng cơ chế, pháp luật, phải có phép nước. Mà muốn thế thì phải có các cơ quan nội chính”.

 Từ đó, để bảo đảm kỷ cương, phép nước, đồng chí Tổng bí thư chỉ đạo  phải có sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ giữa các cơ quan nội chính với nhau và với các cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở quy định của Đảng, Nhà nước; bảo đảm “đúng vai, thuộc bài”, tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, “quyền anh, quyền tôi”, “cua cậy càng, cá cậy vây”…  Cần hết sức tránh tình trạng làm hình thức, theo kiểu “phong trào”, được chăng hay chớ, lúc đầu thì rầm rộ, nhưng sau thì cứ nguội lạnh dần, “đầu voi đuôi chuột”. 

Sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng ở đây không có nghĩa là “dĩ hòa vi quý”, nhân nhượng, thỏa hiệp vô nguyên tắc, cùng bỏ qua sai phạm của nhau, mà phải gắn liền với thực hiện kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan, nhằm bảo đảm tuân thủ pháp luật trong thực thi công vụ. Đặc biệt, cần tăng cường hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, khắc phục tình trạng cục bộ, “phép vua thua lệ làng”, thói quen tuỳ tiện, bệnh quan liêu, sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi giải quyết công việc.

Luôn biết lấy dân làm gốc

Trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng như phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhắc nhở phải luôn tin ở dân, chăm lo cho dân, lấy dân làm gốc.

Trong bài: “Đảng phải tự đổi mới, tự chỉnh đốn, bài học lịch sử vô giá” đăng trên Tạp chí Cộng sản số tháng 2- 1987, đồng chí Nguyễn Phú Trọng viết: “Chúng ta đều biết, tin ở dân, chăm lo cho dân, lấy dân làm gốc là một bài học lớn được rút ra từ chiều sâu lịch sử. Ngay từ thế kỷ 15, mặc dù còn bị hạn chế bởi thời đại lịch sử, nhưng nhìn vào thực tế của nhiều triều đại phong kiến, Nguyễn Trãi đã rút ra được những kinh nghiệm quan trọng có tính quy luật: Vận nước thịnh hay suy, mất hay còn là do sức mạnh của dân quyết định; vương triều nào được lòng dân, cố kết được nhân tâm thì làm nên nghiệp lớn; trái lại, vương triều nào đi ngược lại lòng dân thì sớm muộn đều sẽ bị thất bại.

Theo ông, sở dĩ triều hậu Trần suy vong là do các vua quan hậu Trần không thực hiện đúng chính sách “thân dân”, không làm theo lời căn dặn của Trần Hưng Đạo “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc”; họ chỉ lo cuộc sống xa hoa, quyền lợi ích kỷ của mình, bỏ “mặc dân khốn khổ”, “muôn dân oán giận mà không biết, lòng người oán trách mà chẳng kinh”. Thuyền bị lật mới biết sức dân mạnh như sức nước; nước có thể “chở thuyền”, nhưng nước cũng có thể “lật thuyền”! Có như vậy, mới giúp quần chúng yên tâm và phấn khởi sản xuất, công tác. Không phải ngẫu nhiên mà Bác Hồ thường căn dặn: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên!”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội  nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh tháng 6- 2023.

 Cũng trong bài nói chuyện với các cơ quan nội chính, đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắn nhủ: trong mọi công việc, phải luôn luôn quán triệt sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “dân là gốc”, “phải gần dân, giúp dân, học dân”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Các cơ quan nội chính phải luôn luôn đề cao tinh thần phục vụ nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất để giải quyết yêu cầu công việc của dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, biết lắng nghe ý kiến của nhân dân, dựa vào nhân dân, “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”.  

Đặc biệt, bản thân mỗi cán bộ ngành Nội chính phải liêm, phải sạch, biết gương mẫu giữ mình, trọng liêm sỉ, không chịu bất kỳ sức ép không trong sáng nào, bất kỳ sự cám dỗ, mua chuộc nào; thực sự công tâm, khách quan “phụng công thủ pháp”, chí công vô tư; phải là những “Bao Công” trong thời đại mới “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”; tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng, Nhà nước và chế độ, thường xuyên tôi luyện, rèn giũa bản thân để “thanh bảo kiếm” luôn rắn rỏi và sắc bén, dám vung kiếm và vung kiếm đúng lúc, chém đúng đối tượng, không bị sứt mẻ; để “lá chắn” luôn vững vàng, chắc chắn, không một viên đạn, mũi tên nào có thể xuyên thủng, nhất là những viên đạn, mũi tên “bọc đường”.  

Đồng chi Tổng bí thư một lần nữa nhắc lại: “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.

Rõ ràng, quan điểm nhất quán, không khoan nhượng với tệ tham nhũng, tiêu cực trong các bài viết, bài phát biểu của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng càng có thêm sức nặng bởi các câu văn, thơ, ca dao, tục ngữ được sử dụng rất “đắt”, thấm sâu vào lòng người và có sức lan tỏa mạnh mẽ./.

 (Còn tiếp)

 Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông