Giải ngân vốn đầu tư công xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu: Nơi khẩn trương, nơi cầm chừng

14:37 04/06/2023

Năm 2023, thành phố bố trí 3064 tỷ đồng vốn đầu tư công cho chương trình xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là nguồn lực rất lớn nhằm đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành 100% xã nông thôn mới kiểu mẫu (NTMKM) vào năm 2025. Tuy nhiên, qua 5 tháng, tiến độ giải ngân vốn rất chậm, đồng nghĩa với khối lượng công việc lớn dồn vào cuối năm và ảnh hưởng tới tiến độ xây dựng xã NTMKM nói chung.

                                                                        Tiến độ chậm

           Theo Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới, năm nay, thành phố giao kế hoạch vốn đầu tư công cho các địa phương để thực hiện xây dựng xã NTMKM khá sớm (quyết định số 4338 ngày 16-12-2022). Theo đó, bố trí 3064 tỷ đồng cho chương trình này, trong đó, bố trí tiếp 1314 tỷ đồng cho 30 xã đã triển khai từ năm 2022 (bình quân 43,8 tỷ đồng/xã) và 1750 tỷ đồng cho 35 xã triển khai từ năm 2023 (bình quân 50 tỷ đồng/xã).  Đồng thời, phân bổ vốn sự nghiệp 5,67 tỷ đồng (đợt 1) năm 2023 cho các địa phương để thực hiện quản lý, vận hành hệ thống điện chiếu sáng trên các tuyến đường NTMKM.

          Để thực hiện giải ngân số vốn trên, UBND thành phố giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì cùng các Sở, ngành liên quan, các địa phương rà soát, đề xuất danh mục công trình đầu tư tại 35 xã thực hiện xây dựng NTMKM năm 2023. Trên cơ sở đề xuất của các huyện, UBND thành phố đã có văn bản chấp thuận cho các huyện thực hiện 823 công trình thực hiện trong 2 năm 2023-2024 gồm 640 công trình giao thông; 78 công trình giáo dục; 105 công trình văn hóa; 8 công trình y tế; 2 công trình môi trường.

                                                       Thi công công trình NTMKM tại xã An Thắng, huyện An Lão

          Mặc dù vậy, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cho xây dựng xã NTMKM còn chậm. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20-5, mới giải ngân được 410,4 tỷ đồng, bằng 13,39% kế hoạch vốn được giao. Trong đó, cao nhất là huyện An Lão đạt 88 tỷ đồng, bằng 25,3% kế hoạch. Tiếp theo là huyện Kiến Thụy giải ngân 82 tỷ đồng, đạt gần 20%; huyện An Dương 45,9 tỷ đồng, bằng 17,29%; huyện  Thủy Nguyên 130 tỷ đồng, bằng 15,3%. Các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo thấp nhất khi mới đạt 6,19% và 4,89%, tương đương với số vốn đã giải ngân là 26,7 tỷ đồng và 36,4 tỷ đồng.

          Điều đáng nói là tất cả số vốn đã giải ngân nói trên là thuộc kế hoạch vốn bố trí tiếp cho 30 xã đã triển khai từ năm 2022. Còn số vốn bố trí cho 35 xã triển khai từ năm 2023 chưa giải ngân được đồng nào. Theo Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới, trong số 35 xã này, có 4 xã thuộc huyện An Dương đã phê duyệt dự án, đang triển khai lập hồ sơ thiết kế, bản vẽ thi công dự án. 27 xã (gồm 10 xã huyện Thủy Nguyên; 8 xã huyện Vĩnh Bảo; 5 xã huyện Tiên Lãng; 4 xã huyện Kiến Thụy) đang xin ý kiến thẩm định dự án của Sở GTVT; 4 xã thuộc huyện An Lão đang triển khai lập dự án. Như vậy, dự kiến tới cuối quý 3 mới bắt đầu triển khai thi công các công trình.

                                                                         Khẩn trương giải ngân

           Theo các địa phương, nguyên nhân giải ngân vốn chậm là do nhiều công trình vướng mặt bằng thi công; do tiến độ thi công chậm… Theo Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới, đối với các công trình năm 2023, khối lượng công việc rất lớn, liên quan tới nhiều trình tự thủ tục, đòi hỏi cần có thời gian thực hiện như lập điều chỉnh quy hoạch, đề án xây dựng xã NTMKM, thông báo công khai, xin ý kiến cộng đồng dân cư rồi thẩm định, phê duyệt quy hoạch, đề án, lập danh mục đầu tư, họp HĐND huyện phê duyệt chủ trương; lập, thẩm định phê duyệt dự án; báo cáo kinh tế kỹ thuật, hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công (quy trình 1 bước, quy trình 2 bước), dự toán, phê duyệt kinh phí triển khai thực hiện; lập, thẩm định, phê duyệt phương án hỗ trợ vật kiến trúc, triển khai công tác GPMB; lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu…

       Với khối lượng công việc như vậy, chỉ cần chậm một khâu là kéo theo các khâu tiếp theo ì ạch theo. Hơn nữa, trong xây dựng NTMKM, sự năng động, sáng tạo, linh hoạt sẽ góp phần thúc đẩy nhanh quá trình thực hiện. Tại một số địa phương, nhiều thủ tục được tiến hành song song, do đó mới thúc đẩy nhanh tiến độ. Trong khi đó, một số nơi làm “nhát một”, khiến tiến độ chung chậm trễ.

          Tuy nhiên, theo các địa phương, khó nhất hiện nay vẫn là công tác GPMB. Tại một số địa phương khi xây dựng công trình NTMKM, có trường hợp bị mất nhà hoàn toàn nhưng phương án hỗ trợ như thế nào cũng chưa rõ, cần sự hướng dẫn của thành phố. Một số khác do giá trị đất khá cao nên người dân chỉ đồng ý hiến đất làm đường giao thông, không đồng ý hiến đất làm  phần vỉa hè. Còn có các trường hợp xây dựng nhà trên đất 03 phải tổ chức cưỡng chế… Việc di chuyển đường điện; công trình hạ tầng thủy lợi… cũng gặp nhiều khó khăn.

                                

                                               Đường nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy

  

           Nhìn lại quá trình xây dựng xã NTMKM mới thấy tiến độ hầu hết chưa đạt yêu cầu. Đến nay, trong số 14 xã thực hiện từ năm 2021, vẫn còn 55 công trình đang phải tiếp tục hoàn thành; nhiều công trình tới quý 2-2023 mới bàn giao đưa vào sử dụng. Đối với 35 xã thực hiện từ năm 2022, đã hoàn thành 48 công trình; đang thi công 484 công trình, khối lượng trung bình ước đạt 71%, trong đó đã hoàn thành, cơ bản hoàn thành 214 công trình, đạt 44%; đang triển khai thi công 252 công trình, đạt 52%; chưa thi công 18 công trình, chiếm 4%... Còn 30 xã của năm 2023 thì mới đang trong các khâu chuẩn bị. Vì thế,  giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 mới đạt 2799 tỷ đồng, bằng 94,2%; số vốn kế hoạch năm 2023 phân bổ tiếp cho các xã thực hiện năm 2022 cũng mới giải ngân được khoảng 31,3%.

           Kế  hoạch số 95 ngày 22-3-2023 của UBND thành phố về triển khai xây dựng nông thôn mới năm 2023 đã cụ thể hóa các nội dung công việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, ngành, địa phương để hoàn thành mục tiêu: hết năm 2023 có 35 xã đạt chuẩn NTMKM; 42 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tiếp tục triển khai 35 xã để hoàn thành năm 2024.

       Thành phố đã bố trí một nguồn lực rất lớn cho chương trình xây dựng xã NTMKM (năm 2022 là 2791 tỷ đồng; năm 2023 là 3064 tỷ đồng), thể hiện sự quan tâm và quyết tâm rất cao hoàn thành 100% xã NTMKM vào năm 2025. Với tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn ì ạch như hiện nay, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành mới có thể đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, chuyển hóa nguồn lực đầu tư của thành phố làm thay đổi diện mạo nông thôn Hải Phòng, mang lại điều kiện sống tốt hơn và tạo nền tảng cho phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân./.

                                                                                                                                                 Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông