Gỡ vướng để thúc đẩy thị trường khoa học - công nghệ

14:48 04/10/2022

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) 10 năm (2021-2030) đã xác định: "Phát triển mạnh thị trường khoa học, công nghệ (KHCN) gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia trong lĩnh vực, đồng thời kết nối có hiệu quả các sàn giao dịch công nghệ quốc gia với các trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ ở các địa phương. Phát triển mạnh mạng lưới các tổ chức dịch vu trung gian môi giới, đánh giá chuyển giao công nghệ…". Tuy nhiên, trước nhu cầu phát triển và so với một số thị trường khác, thị trường KHCN của nước ta hiện còn chậm, nhiều vướng mắc, chưa thực sự gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng với nhu cầu sản xuất, kinh doanh…
Ảnh minh họa

Thị trường của những sản phẩm đặc biệt

Thị trường KHCN là một thị trường đặc biệt bởi đặc tính “hàng hoá” của nó. Đây là sản phẩm trí tuệ, thể hiện dưới một dạng vật chất hữu hình như bằng sáng chế nhưng cũng có thể vô hình dưới dạng các ý tưởng công nghệ. Việc xác định giá trị của hàng hoá rất khó khăn do lao động được kết tinh trong hàng hoá là lao động trí óc và tồn tại sự bất đối xứng thông tin giữa người bán và nguời mua. Giá trị của các sản phẩm KHCN không phải dựa trên khối lượng thành công mà trên giá trị chất xám.

Tại Hội nghị "Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập" ngày 23-9 vừa qua, PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã nhấn mạnh: “Đây là thị trường đặc biệt. Một chiếc đĩa mềm, USB có thể vài chục, trăm nghìn nhưng thông tin chứa ở trong đó thì khác. Với thị trường này, định giá sản phẩm rất khó, rất nhiều rủi ro, bởi thay đổi rất nhanh. Một sản phẩm hôm trước 1 tỷ, hôm sau có thể là mấy tỷ. Biến hóa, phạm vi, không gian sản phẩm trí tuệ rộng vô cùng, luôn luôn mới, thay đổi nhanh. Bởi vậy vai trò của Nhà nước trong việc hình thành và phát triển loại thị trường này là vô cùng quan trọng, đặc biệt là về mặt chính sách”.

Nhận diện những điểm nghẽn của thị trường KHCN

Đầu tiên là cơ chế hành lang pháp lý.Trong thời gian qua, việc hoàn thiện thể chế, chính sách về phát triển thị trường KHCN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đẩy mạnh nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoat động giao dịch, chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo.

Tuy nhiên, hành lang pháp lý cho sự vận hành của thị trường KHCN vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ với các pháp luật liên quan. Chủ yếu là các quy định liên quan đến quyền tài sản và xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN; về định giá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ; về phạm vi áp dụng kết quả; về phân chia lợi nhuận thu được từ thương mại hóa; về cơ chế thành lập doanh nghiệp khởi nguồn  trên cơ sở kết quả nghiên cứu của các đơn vị sự nghiệp công lập; về cơ chế góp vốn và tổ chức hoạt động của các doanh nghiệp khởi nguồn từ viện nghiên cứu, từ đại học, trường đại học.

Bên cạnh đó, phát triển tổ chức trung gian đang có nhiều bất cập. Hiện tại, cả nước có trên 800 tổ chức trung gian các loại đã được hình thành hoạt động trong thị trường này. Tuy nhiên còn thiếu vắng các tổ chức trung gian có uy tín, kinh nghiệm, đặc biệt là các tổ chức trung gian điển hình, có khả năng dẫn dắt mạng lưới các tổ chức trung gian; là các tổ chức có chức năng xúc tiến, định giá công nghệ chưa thể hiện được chức năng kết nối cung cầu. Các sàn giao dịch công nghệ và thiết bị chưa thể hiện được vai trò đầu tàu trong hệ thống các tổ chức trung gian...

Một vấn đề nữa là sự thiếu vắng của các tư vấn viên, môi giới chuyên nghiệp được đào tạo bài bản, am hiểu về chuyên môn, nghiệp vụ để hỗ trợ các bên giao dịch, thương thảo hợp đồng và các dịch vụ khác liên quan đến giao dịch công nghệ, tài sản trí tuệ. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đên các hoạt động giao dịch chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ.

Cùng với 2 điểm nghẽn trên, những bất cập về nguồn cung-cầu được coi là điểm nghẽn tiếp theo. Hiện nay, cơ sở dữ liệu quốc gia về KHCN có khoảng 22.500 thông tin về nguồn cung công nghệ, 365.000 thông tin về sở hữu trí tuệ, chỉ có khoảng 16% các doanh nghiệp coi các viện nghiên cứu, trường đại học của Việt Nam là nguồn cung cấp hàng hoá KHCN.

Về nguồn cầu: trên cơ sở phân tích số liệu điều tra Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2014-2016 cho thấy 61,3% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST), trong đó: 32,1% đổi mới sản phẩm; 39,9% đổi mới quy trình, công nghệ, thiết bị.

Có thể thấy, việc giao dịch mua bán công nghệ hiện nay chủ yếu được diễn ra dưới hình thức hợp đồng mua sắm máy móc, thiết bị, vật tư, trong đó yếu tố chuyển giao công nghệ còn rất hạn chế hoặc không có. Trong khi đó để khơi thông thị trường KHCN đòi hỏi các doanh nghiệp phải không ngừng tiếp thu, áp dụng, làm chủ công nghệ mới, tiên tiến để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá trên thị trường.

Gỡ vướng để thúc đẩy thị trường

Tại Hội nghị "Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập" vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu rõ, nhấn mạnh những giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về thị trường KHCN. Tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách để thị trường KHCN phát triển đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập. Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương xây dựng và lồng ghép kế hoạch phát triển thị trường KHCN vào kế hoạch phát triển KTXH 5 năm và hằng năm.

Thứ hai, triển khai hiệu quả 2 mục tiêu lớn và 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Chương trình Phát triển thị trường KHCN quốc gia đến năm 2030 theo Quyết định số 1158/QĐ-TTg ngày 13-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ, trọng tâm trong đó là:

- Thúc đẩy phát triển nguồn cung và cầu của thị trường KHCN, đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp và viện nghiên cứu, trường đại học. Đẩy mạnh kết nối cung cầu, người mua và người bán, sản xuất và tiêu dùng.

- Nâng cao năng lực hoạt động các tổ chức trung gian, nhất là các tổ chức lớn, đa ngành và gắn với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực.

- Đầu tư phát triển các sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại một số thành phố lớn và khu vực kinh tế trọng điểm đã được quy hoạch phê duyệt liên thông với hệ thống các trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ của các tỉnh, thành phố, kết nối với các sàn giao dịch công nghệ khu vực và thế giới.

- Tăng cường xúc tiến thị trường KHCN tại các địa bàn có nhiều nguồn cung công nghệ cao, tiên tiến và thân thiện môi trường.

- Phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng quốc gia của thị trường KHCN.

- Chú trọng công tác đao tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực KHCN. Phát triển các doanh nghiệp tiên phong trong mua bán công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ nguồn.

Thứ ba, kết nối liên thông, tiến tới đồng bộ hóa thị trường KHCN với các thị trường hàng hóa, dịch vụ, lao động và tài chính.

Thứ tư, tập trung xây dựng và triển khai thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, sớm đưa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước, từ hợp tác công tư và nghiên cứu của tư nhân vào sản xuất, kinh doanh.

Thứ năm, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ lõi thông qua các viện nghiên cứu, trường đại học để giải mã, hấp thụ và làm chủ công nghệ, đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.

Thứ sáu, xây dựng chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, xây dựng, chia sẻ cơ sở dữ liệu lớn để phát triển trí tuệ nhân tạo. Đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái KHCN, thị trường KHCN đồng bộ, toàn diện hơn nữa.

TÚ QUYÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông