19:07 11/09/2024 Ngay sau khi Bão số 3 (Yagi) đi qua, tỉnh Hải Dương đã khẩn trương thực hiện công tác khắc phục hậu quả và ứng phó nguy cơ tiềm ẩn sau bão.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, bão số 3 (siêu bão Yagi) ảnh hưởng tới tỉnh Hải Dương từ trưa 7/9 đến 22 giờ cùng ngày, tâm bão đi qua địa bàn tỉnh. Bão số 3 đã gây mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, gió bão mạnh cấp 12, giật cấp 13. Tổng lượng mưa từ 19h ngày 6/9 đến 19 giờ ngày 7/9 phổ biến từ 50-100 mm, có nơi trên 150 mm. Đặc biệt, lượng mưa cao nhất ở Ninh Giang là 304 mm, Tứ Kỳ với 245 mm...
Bão số 3 đã gây thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, công trình giao thông, hệ thống công trình điện, viễn thông. Cụ thể, về sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh có khoảng 10.000 ha lúa bị đổ, khoảng 1.200 ha cây rau màu bị dập nát, hơn 600 ha cây ăn quả bị gãy, đổ. Ngoài ra, nhiều mái nhà tôn, mái phi-brô-xi-măng, cửa kính bị sập, tốc, hư hỏng; nhiều biển quảng cáo, cây bóng mát bị đổ, gãy, gây ách tắc giao thông. Toàn tỉnh có 26 cột điện bị gãy, đổ, gây mất điện diện rộng. Do đứt cáp quang, một số trạm BTS bị đổ nên hệ thống viễn thông bị gián đoạn, gây mất liên lạc.
Theo các báo cáo, Hải Dương ghi nhận 3 người tử vong do ảnh hưởng của bão số 3. Cụ thể, vào khoảng 16h ngày 7/9, ông Vương Văn B (sinh 1952, xã Minh Tân, huyện Nam Sách) đang ở khu gian bếp phía sau nhà kiên cố, thì bị mái tôn và tường sập đè vào tử vong tại chỗ. Trước đó, khoảng 8h30 ngày 7/9, trên địa bàn xã Quang Minh (huyện Gia Lộc) xảy ra một vụ đổ cây đổ đè vào người, khiến 1 nạn nhân tử vong. Cùng ngày, anh An Văn Th (sinh 1980, ở xã Cao Thắng), cũng bị mái chống nóng ở tầng 2 của gia đình bay xuống đè vào người, làm tử vong tại chỗ. Đến cuối ngày 10/9, toàn tỉnh còn 77 trường mầm non tiếp tục phải cho trẻ nghỉ học do vẫn mất điện, nước…
Bão số 3 cũng để lại bài học quý về công tác phòng chống, ứng phó. Trước khi bão đổ bộ vào đất liền, tỉnh liên tục thông báo về vị trí, hướng di chuyển, diễn biến của cơn bão liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng để người dân chủ động phòng tránh.
Tiến hành di chuyển gần 2.000 hộ dân yếu thế, người dân ở khu vực nguy hiểm, không bảo đảm đến nơi tránh trú an toàn. TP Hải Dương đã di chuyển người dân các khu tập thể B2, B3 Bình Minh, Máy Bơm; Tứ Kỳ có 350 hộ, Thanh Miện có 335 hộ, Ninh Giang có 288 hộ, Chí Linh có 286 hộ, Bình Giang có 244 hộ, Kim Thành có 150 hộ, Nam Sách có 52 hộ, Kinh Môn có 31 hộ, Gia Lộc có 12 hộ thực hiện di chuyển. Hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa, tài sản, chặt tỉa cây xanh. Tranh thủ mực nước các sông ngoài còn thấp để tiêu tháo nước đệm tự chảy qua các cống dưới đê. Kiểm tra công tác ứng phó và chuẩn bị vật tư, nhân lực…
Ngay sau cơn bão đi qua, tại cuộc họp ngày 8/9, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu biểu dương nỗ lực của các cấp, ngành, người dân trong việc phòng chống cơn bão rất mạnh; yêu cầu toàn tỉnh tập trung cao độ để khắc phục hậu quả sau bão số 3, đồng hành, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp quay trở lại cuộc sống thường nhật sớm nhất. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các địa phương ngoài việc thực hiện theo các kế hoạch, phương án đã xây dựng cần chủ động huy động mọi nguồn lực khẩn trương khắc phục hậu quả do bão gây ra; tổ chức thăm hỏi động viên kịp thời các gia đình có người bị nạn; đảm bảo lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm thiết yếu khác và động viên để người dân ổn định đời sống khi phải di dời tránh bão.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị chức năng thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường ở các khu vực bị ảnh hưởng do bão. Các địa phương thống kê thiệt hại trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thả thủy sản và cơ sở hạ tầng; đánh giá mức độ thiệt hại để có giải pháp khắc phục hậu quả...
Tính đến trưa chiều ngày 11/9, mưa lớn liên tục trong nhiều ngày qua khiến mực nước sông Thái Bình và một số sông chảy qua địa phận tỉnh Hải Dương dâng cao, nhiều nơi đang bị ngập nước, thậm chí một số khu vực có nguy cơ sạt lở, vỡ đê. Nước dâng cao trên hệ thống gây ra 72 sự cố bờ kênh, nguy cơ tràn cục bộ rất cao. Trong đó, huyện Thanh Miện phát sinh 28 sự cố, Bình Giang có 12 sự cố, Gia Lộc có 11 sự cố, Cẩm Giàng có 8 sự cố, Tứ Kỳ có 7 sự cố, TP Hải Dương 4 sự cố, Ninh Giang 2 sự cố.
Với quyết tâm bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân, Tỉnh ủy- UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong LLVT tỉnh chủ động nắm chắc tình hình mưa lũ, theo dõi sát sao mực nước tại các sông; đặc biệt là những địa phương đang bị nước ngập sâu để kịp thời có phương án khắc phục. Các cơ quan, đơn vị có phương án tiếp tế lương thực, thực phẩm cho bà con nhân dân tại các vùng bị nước chia cắt; đồng thời triển khai lực lượng bộ đội thường trực cùng với dân quân tự vệ tổ chức chốt chặn tại những vị trí xung yếu, có nguy cơ bị mất an toàn.
Cùng ngày, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương phát lệnh báo động 3 trên hệ thống sông Thái Bình. Để khẩn trương khắc phục sự cố, các địa phương đã huy động lực lượng, tiến hành đắp đất, bao tải cát nâng cao bờ kênh, ngăn chặn nước tràn vào phía trong kênh. Đồng thời phân công, bố trí lực lượng kiểm tra, canh gác tại khu vực có nguy cơ tràn cục bộ, chủ động chuẩn bị nhân lực, vật tư xử lý tình huống ngay từ giờ đầu.
Trước đó từ ngày 10/9, Bộ CHQS tỉnh Hải Dương huy động hằng trăm cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ phối hợp cùng các đơn vị đứng chân trên địa bàn tỉnh tham gia giúp nhân dân di dời người và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm. Tại huyện Kim Thành, Ban CHQS huyện đã huy động gần 200 cán bộ, chiến sĩ lực lượng thường trực và dân quân tự vệ tổ chức di dời 59 hộ dân với 187 nhân khẩu (trong đó có 10 người già, 17 trẻ em).
Tại huyện Nam Sách, Ban CHQS huyện huy động trên 100 cán bộ, chiến sĩ dân quân di dời 321 hộ dân với 1.115 nhân khẩu. Tại thành phố Hải Dương, Bộ CHQS tỉnh Hải Dương và Ban CHQS thành phố huy động trên 200 cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ tổ chức di dời 17 hộ dân cùng nhiều tài sản. Tại thị xã Kinh Môn, Ban CHQS thị xã huy động trên 100 cán bộ, chiến sĩ dân quân di dời 39 hộ dân với 90 nhân khẩu. Đến khoảng 16 giờ chiều cùng ngày, cơ bản các hộ dân và tài sản đều được di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm vào nơi tránh, trú an toàn.
THỦY NGUYÊN