Hải Dương sẵn sàng cho tiêu thụ vải thiều năm 2024

16:03 28/05/2024

Quả vải là 1 trong sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Hải Dương được sản xuất tập trung với quy mô lớn, chất lượng. Vải thiều Thanh Hà được chăm sóc theo quy trình VietGAP, đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng, huyện Thanh Hà đã tích cực tuyên truyền, quảng bá sản phẩm với nhiều hình thức, trong đó tập trung ứng dụng công nghệ số vào quảng bá...
Sản phẩm vải thiều Thanh Hà (Hải Dương)

Mở rộng thị trường

Tại huyện Thanh Hà, năm nay sản lượng vải thiều ước đạt khoảng 20.000 tấn, giảm 50% so với vụ vải năm ngoái nên dự kiến số lượng xe thu mua về không nhiều. Tuyến đường 390 từ cầu Hợp Thanh đến cầu Quang Thanh đi qua huyện Thanh Hà đang thi công. Vào mùa thu hoạch vải, việc vận chuyển sẽ gặp không ít khó khăn. Vì thế, 4 xã Thanh Xá, Thanh Thủy, Thanh Quang, Thanh Cường đã chủ động chuẩn bị mỗi xã 1 bãi đỗ xe để các thương lái về thu mua, không đặt các điểm thu mua ven đường như mọi năm nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông.

Đại diện Phòng Kinh tế -Hạ tầng huyện Thanh Hà cho biết năm nay các hợp tác xã có vải ở Thanh Hà tiếp tục ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp, bảo đảm ổn định về số lượng tiêu thụ. Vải sớm bán được giá, mang lại thu nhập cao cho người dân nên nhiều năm nay, diện tích vải thiều sớm cũng được mở rộng hơn so với vải thiều chính vụ. Vải thiều sớm Thanh Hà cũng được trồng và chăm sóc bảo đảm đúng quy trình VietGAP, GlobalGAP, đáp ứng tốt yêu cầu về xuất khẩu.

Từ đầu tháng 5/2023, huyện Thanh Hà đã phối hợp với Sở Công thương, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản của Hải Dương với hệ thống Thương vụ Việt Nam, các doanh nghiệp thu mua từ nước ngoài. Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với gần 50 điểm cầu. Để chuẩn bị cho hội nghị quan trọng này, huyện Thanh Hà có nhiều gian hàng giới thiệu nông sản, trong đó vải tươi và vải khô là những sản phẩm đặc trưng chủ yếu. Năm nay, với sự phối hợp của ngành công thương, đại diện nhiều sàn thương mại điện tử như: Sendo, Postmart, CTCP Icheck… cũng có mặt tại hội nghị để trực tiếp bàn luận về phương pháp tiêu thụ, sơ chế, bảo quản, vận chuyển quả vải.

Hiện nay, tỉnh Hải Dương duy trì diện tích trồng vải là 8.850 ha; trong đó có 2.700 ha vải sớm và 6.150 ha vải thiều chính vụ; cho sản lượng khoảng 55.000 - 60.000 tấn/năm. 100% diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn Vietgap, Golobalgap phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), các nước ASEAN và khu vực Trung Đông. Đặc biệt, vải thiều Thanh Hà của Hải Dương đã xuất khẩu sang được một số thị trường cao cấp như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Anh, các nước EU… Trong đó, lượng cung ứng ra các tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP HCM và một số tỉnh khác bình quân khoảng 20.000 tấn; xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 15.000 tấn.

Ứng dụng công nghệ và đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ

Vải là 1 trong 8 sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Hải Dương được sản xuất tập trung với quy mô lớn, chất lượng. Vải thiều Thanh Hà được chăm sóc theo quy trình VietGAP, đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm. Nhiều năm nay, quả vải thiều Thanh Hà (gồm cả vải sớm và vải chính vụ) đã được xuất khẩu ổn định sang nhiều thị trường lớn, khó tính như Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Bỉ, Hà Lan, Singapore…

Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà năm 2024

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng, huyện Thanh Hà đã tích cực tuyên truyền, quảng bá sản phẩm với nhiều hình thức, trong đó tập trung ứng dụng công nghệ số vào quảng bá. Thông tin liên quan đến quả vải được tổng hợp, tạo mã QR đặt tại các hội nghị, điểm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GobalGAP, khu bảo tồn cây vải tổ và nhiều điểm du lịch sinh thái khác ở địa phương. Các đoàn thể của huyện đã chủ động tổ chức tập huấn cho hội viên về chuyển đổi số, ứng dụng thành thạo các phần mềm, Facebook, Zalo… để trao đổi thông tin. Các thành viên có trách nhiệm lan truyền, quảng bá hình ảnh quả vải thiều đến bạn bè trong và ngoài nước. Cùng với đó, trang thông tin và các fanpage của huyện cũng tích cực tuyên truyền về việc chăm sóc, xúc tiến và tiêu thụ vải thiều...

Về phía Sở Công thương Hải Dương, để chủ động hỗ trợ công tác tiêu thụ và xuất khẩu, Sở đã chủ động xây dựng và tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu vải thiều từ rất sớm, như tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản của tỉnh Hải Dương với hệ thống Thương vụ Việt Nam và doanh nghiệp nhập khẩu nước ngoài ngày 9/5 (trước thời điểm thu hoạch) để các đơn vị, doanh nghiệp có sự chủ động hơn trong việc nắm bắt, củng cố thị trường, làm việc với các đối tác trong quá trình tiêu thụ, xuất khẩu vải.

Năm nay, do ảnh hưởng của yếu tố thời tiết, dự kiến sản lượng vải thiều Hải Dương đạt khoảng 40.000 - 45.000 tấn. Hiện doanh nghiệp trong tỉnh ký kết hợp đồng thu mua vải tươi để phân phối cho các siêu thị trong nước như Công ty TNHH MTV rau an toàn Thanh Hà; chế biến đóng hộp xuất khẩu có CTCP giống cây trồng Kiên Giang, Công ty TNHH Hùng Sơn, HTX nông nghiệp xanh V-Phúc… Bên cạnh đó, cũng đã có nhiều doanh nghiệp ký kết hợp đồng xuất khẩu vải thiều đi các thị trường như Trung Quốc, Thái Lan, Trung Đông và một số thị trường cao cấp như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Pháp, Australia… Chủ yếu là những công ty đã có kinh nghiệm xuất khẩu vải nhiều năm như CTCP Ameii Việt Nam, Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ, CTCP Fusa, DNTN Khởi Huệ, Công ty TNHH Chế biến nông lâm sản Thanh Hà…

THỦY NGUYÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông