Hải Phòng phấn đấu có 42 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 35 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trong năm 2023

09:12 28/07/2023

Từ kinh nghiệm đúc kết được sau 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các địa phương trên địa bàn thành phố đã chủ động hơn trong triển khai chương trình ngay từ những năm đầu giai đoạn 2021-2025. Nhờ đó, 3 năm qua (2020-2023), cùng với cả nước, Hải Phòng tiếp tục gặt hái được những thành quả rất đáng ghi nhận trong tiến trình xây dựng NTM.

Nâng cao nhận thức, năng lực cho cán bộ làm NTM

Song song với việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xây dựng NTM, thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã tổ chức tuyên truyền, phát động, đẩy mạnh các phong trào trong xây dựng NTM.

Các cơ quan thông tin truyền thông thì bám sát nội dung của chương trình, tăng cường công tác tuyên truyền về tiến độ, kết quả cũng như những cách làm hay, sáng tạo, gương điển hình, tiêu biểu trong quá trình thực hiện. Từ đó, góp phần tạo ra sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức lẫn hành động của các tầng lớp Nhân dân, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM.

Cùng với đó, công tác tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ làm NTM các cấp được các sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố đẩy mạnh đã  trang bị, giúp đội ngũ cán bộ nắm rõ, hiểu sâu từ đó vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo, đúng quy định các chủ trương, cơ chế, chính sách trong triển khai chương trình.

Đồng thời, hiểu và từng bước hiện thực hoá các chỉ tiêu, tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về NTM; quy định về thẩm định, xét, công nhận địa phương đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, các chương trình chuyên đề hỗ trợ thực hiện chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 đề ra.

                                   Hệ thống điện, đường khu vực nông thôn được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại

Thời gian qua, 100% cán bộ chuyên trách xây dựng NTM các cấp, 100% cán bộ trong hệ thống chính trị tham gia chỉ đạo xây dựng NTM được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức xây dựng NTM; hoạt động của hệ thống Văn phòng Điều phối NTM cấp thành phố, cấp huyện đảm bảo hiệu quả. Phong trào cả nước chung sức xây dựng NTM đã được quan tâm triển khai sâu rộng, hiệu quả từ thành phố đến cơ sở.

Chú trọng triển khai các chương trình chuyên đề hỗ trợ

Đáng chú ý, 3 năm qua, Hải Phòng đã cơ bản triển khai hiệu quả các chương trình chuyên đề hỗ trợ thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Trong đó, có 5 chương trình chuyên đề đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Đơn cử có thể kể đến Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025. Triển khai chương trình này, hiện Hải Phòng có 105 sản phẩm được công nhận sản phầm OCOP. Kết quả triển khai chương trình đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, sản phẩm đặc trưng gắn với lợi thế của từng địa phương; phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ nông thôn, bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống ở nông thôn.

                    Hệ thống điện, đường khu vực nông thôn được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại

Đồng thời mở rộng mạng lưới phân phối gắn với ứng dụng thương mại điện tử. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, quảng bá nông sản đặc trưng của Hải Phòng đến đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế. Hay triển khai Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2-8-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, ngày 11-5-2023, UBND TP đã ban hành Quyết định số 1246/QĐ-UBND phê duyệt đề án Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM tại Hải Phòng đến năm 2030. Khi đề án được triển khai hứa hẹn sẽ thổi một luồng gió mới, mang đến một diện mạo tươi sáng, đậm nét dấu ấn đặc trưng của làng quê Hải Phòng.

Ưu tiên đầu tư nguồn lực

Đặc biệt, thời gian qua, thành phố đã ưu tiên đầu tư nguồn lực lớn từ ngân sách để hỗ trợ các địa phương triển khai chương trình. Từ năm 2021 đến tháng 6-2023, tổng nguồn lực thành phố đã huy động cho chương trình đạt 37.870,184 tỷ đồng.

Trong đó, vốn ngân sách trực tiếp là 6.875,604 tỷ đồng, chiếm 18,15%; vốn lồng ghép 6.291,667 tỷ đồng, chiếm 16,61%; vốn tín dụng 22.350 tỷ đồng, chiếm 59,01%; vốn huy động doanh nghiệp 783,533 tỷ đồng, chiếm 2,07% và riêng nguồn vốn huy động đóng góp của nhân dân đạt 1.574,4 tỷ đồng, chiếm 4,16%.

                                         Hải Phòng có 105 sản phẩm được công nhận sản phầm OCOP

Tiêu biểu có thể kể đến sự ủng hộ, đóng góp của một số hộ dân như: hộ bà Trần Thị Ngà ở xã Tam Đa (Vĩnh Bảo) đã tặng 164m2 đất thổ cư, ước theo giá trị giao dịch khoảng 1,7 tỷ đồng; hộ Bà Trần Thị Lan ở xã Hồng Thái (An Dương) tặng 120m2 đất thổ cư, ước khoảng 3,6 tỷ đồng; hộ ông Mai Xuân Trường, ở xã Quang Phục (Tiên Lãng) tặng 85m2 đất thổ cư, ước khoảng 1,4 tỷ đồng…

Về giải ngân vốn đầu tư công xây dựng NTM kiểu mẫu, năm 2023, Hải Phòng  bố trí 3.064,359 tỷ đồng; trong đó, bố trí cho 30 xã triển khai từ năm 2022 là 1.314,359 tỷ đồng, bố trí vốn cho 35 xã triển khai từ năm 2023 là 1.750 tỷ đồng.

Tính đến giữa tháng 7-2023, các địa phương đã giải ngân gần 717,5 tỷ đồng/3.064,359 tỷ đồng (đạt 23%) thuộc kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023. Nếu tính theo kế hoạch vốn bố trí cho 35 xã thực hiện từ năm 2022, tỷ lệ giải ngân đạt 55% tương ứng 717,487 tỷ đồng/1.314,359 tỷ đồng.

Nhờ đó, triển khai chương trình, tính đến nay, Hải Phòng có 100% số xã đạt chuẩn NTM; 45 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao; 22 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu; 7 huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM, gồm: Cát Hải (đạt chuẩn năm 2019); Tiên Lãng, Kiến Thuỵ, An Dương, Thuỷ Nguyên (đạt chuẩn năm 2020) và Vĩnh Bảo, An Lão (đạt chuẩn năm 2021).

                                               Hải Phòng có 105 sản phẩm được công nhận sản phầm OCOP

Hải Phòng là 1 trong 18 tỉnh/thành có 100% số xã đạt chuẩn NTM, là 1 trong 6 tỉnh/thành có 100% số huyện đạt chuẩn huyện NTM và là một trong những tỉnh/thành dành nguồn lực lớn từ ngân sách cho Chương trình. Kết cấu hạ tầng KT-XH khu vực nông thôn của thành phố tiếp tục được đầu tư mở rộng, nâng cấp theo hướng đồng bộ, hiện đại đã góp phần làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, tiệm cận với đô thị.

Cơ sở vật chất giáo dục, y tế, văn hóa được đầu tư nâng cấp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe, đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân...

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai xây dựng NTM trên địa bàn thành phố còn vấp phải một số khó khăn, hạn chế nhất định. Tại Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28-5-2022 về việc giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Hải Phòng hết năm 2025 phải hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Để đạt được mục tiêu kể trên, từ nay đến hết năm 2025, BCĐ thực hiện Chương trình MTQG và phát triển bền vững thành phố đã xác định rõ một số giải pháp trọng tâm sau: Tập trung ưu tiên nguồn lực hoàn thành 100% xã NTM kiểu mẫu; xây dựng huyện Bạch Long Vĩ đạt chuẩn NTM; 4 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, 4 huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp sinh thái, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM theo hướng kinh tế tuần hoàn; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyển đổi cơ cấu sản xuất; triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)… 

Và trước mắt, từ nay đến cuối năm, thành phố ưu tiên mọi nguồn lực, tập trung triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các giải pháp, phấn đấu có 42 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 35 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu.

Khánh Chi

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích