15:11 19/11/2021 Đề án “Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019-2023” (gọi tắt là Đề án) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1059/QĐ-TTg ngày 22-8-2019 và giao cho Bộ Quốc phòng là cơ quan chủ trì; Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan phối hợp. Tại Hải Phòng, sau 3 năm triển khai thực hiện, Đề án đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật của cán bộ, nhân dân thành phố cũng như đẩy nhanh tiến độ hoàn thành mục tiêu chung của Đề án trên phạm vi cả nước.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng vừa có chuyến kiểm tra thực hiện Đề án tại huyện Cát Hải. Có thể thấy, thực hiện nghiêm Quyết định 1059/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, toàn bộ hệ thống chính trị của thành phố Hải Phòng nói chung, huyện Cát Hải nói riêng đã vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt, triển khai, thi hành cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo được ban hành kịp thời, nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến Luật phù hợp với đối tượng và địa bàn dân cư. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã chủ động trong công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến Luật bảo đảm bài bản, hệ thống và sâu rộng.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải cho biết: “Ngay sau khi nhận được kế hoạch của thành phố về triển khai thi hành Luật Cảnh sát biển và đặc biệt là quyết định của thành phố về phê duyệt Đề án, UBND huyện đã giao cho Đồn Biên phòng Cát Bà chủ trì, phối hợp với Phòng Tư pháp, Đồn Biên phòng Cát Hải và các cơ quan chức năng tham mưu cho UBND huyện triển khai xây dựng kế hoạch rất cụ thể, trong đó rõ người rõ việc, có lịch trình triển khai cụ thể tới từng đối tượng. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp nên phương pháp tuyên truyền đã có sự linh động. Huyện đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tuyên truyền để đạt hiệu quả cao nhất trên địa bàn!”.
Các Đồn Biên phòng Cát Bà, Cát Hải cùng hai thị trấn Cát Bà, Cát Hải đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc lực lượng Cảnh sát biển (Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1, Đoàn Đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma tuý số 1 và Đoàn Trinh sát số 1) đã tổ chức được 2 buổi tuyên truyền pháp luật tại vịnh Cát Bà và thị trấn Cát Hải cho khoảng 400 lượt ngư dân về nội dung Luật Cảnh sát biển Việt Nam, các văn bản liên quan đến chủ quyền biển, đảo. Tại các buổi tuyên truyền, lực lượng chức năng đã kết hợp tặng 5 xe đạp (trị giá 7,5 triệu đồng) cho các cháu học sinh nghèo con ngư dân, 10 phần quà (trị giá 10 triệu đồng) cho 10 hộ ngư dân nghèo, tặng 150 lá cờ Tổ quốc, 450 tờ rơi các loại, 60 quyển sách pháp luật, 25 áo phao… Những hoạt động đó đã có sự tác động tích cực đến kết quả triển khai, thực hiện Đề án cũng như thắt chặt thêm mối đoàn kết quân dân, góp phần lan toả hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân.
Những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả
Để thực hiện có hiệu quả Đề án, UBND thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo Sở Tư pháp tham mưu cho Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPKL) đưa nội dung tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam vào các chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm của địa phương. Trong quá trình triển khai, thực hiện đã xuất hiện nhiều hình thức, cách làm phong phú, đa dạng, mang tính sáng tạo và đạt hiệu quả cao.
Theo bà Lưu Thị Thu Huyền, Trưởng phòng PBGDPL, Sở Tư pháp thành phố, Hải Phòng là thành phố cảng biển và có hai huyện đảo nên công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam có nét đặc thù riêng. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở Tư pháp đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng để đưa Luật nhanh chóng đi vào đời sống. Sở đã phối hợp với Báo Hải Phòng, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng mở chuyên mục “Bàn tròn pháp luật” và chuyên đề “Phổ biến, giáo dục pháp luật” trên Cổng Thông tin điện tử thành phố; cử cán bộ thường xuyên ngồi vào ghế nóng để trả lời các câu hỏi, những vướng mắc của bà con nhân dân, ngư dân liên quan đến Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Sở rất chú trọng đến công tác tuyên truyền miệng, coi đây là phương tiện gẫn gũi, hữu hiệu.
Do đặc thù của ngư dân thường xuyên hoạt động dài ngày trên biển nên lựa những dịp có đông đảo bà con trở về bến tránh gió, bão, cán bộ của Sở phối hợp với các lực lượng tiến hành đến từng tàu thuyền, phương tiện để tuyên truyền, phát tờ rơi, tờ gấp giới thiệu những điểm mới của Luật Cảnh sát biển Việt Nam, đặc biệt tập trung vào những hành vi bị nghiêm cấm, những nội dung liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân. Vốn dĩ pháp luật mang tính khô khan nên đội ngũ cán bộ báo cáo viên, tuyên truyền viên phải tuyên truyền một cách ngắn gọn để bà con dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Bằng nhiều phương pháp như vậy đã góp phần làm cho nhận thức về pháp luật của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn không ngừng được nâng lên, trong đó có những nội dung cơ bản của Luật Cảnh sát biển Việt Nam.
Sự vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt, với những cách làm phong phú, đa dạng của thành phố Hải Phòng đang cho thấy tính hiệu quả, chủ trương đúng đắn của Chính phủ trong triển khai thực hiện Đề án nhằm đưa Luật Cảnh sát biển Việt Nam thực sự lan toả, đi vào đời sống xã hội một cách thiết thực nhất. Qua đó nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động phối hợp với lực lượng Cảnh sát biển thực thi pháp luật, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Mạnh Thường