Hải Phòng tăng cường cải thiện, nâng cao các chỉ số

09:33 04/07/2018

Những năm gần đây, thành phố Hải Phòng có những chuyển biến mang tính bứt phá. Năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 14,01%, cao nhất từ năm 1994 đến nay và cao nhất cả nước. Cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ nét. Có được những kết quả đó một phần nhờ những chủ trương, quyết sách kịp thời, đúng đắn mà chính quyền thành phố đã triển khai thông qua công tác cải cách hành chính (CCHC) một cách quyết liệt, toàn diện…

 Hải Phòng tăng cường triển khai thực hiện công tác CCHC

Cải cách hành chính là khâu đột phá

Những năm qua, trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố thời kỳ hội nhập và mở cửa, nhận thấy rõ sự cần thiết phải tiến hành CCHC, đồng thời xác định đây là một trong 3 khâu đột phá chiến lược góp phần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Hải Phòng đã tiến hành CCHC trên nhiều lĩnh vực.

Đó là cải cách tổ chức bộ máy hành chính, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính, trong đó cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá và được đặt ra ngay từ giai đoạn đầu của tiến trình cải cách.

Thành phố đã tập trung chỉ đạo CCTTHC trên một số lĩnh vực qua công tác kiểm soát, ban hành mới, rà soát, đơn giản hóa TTHC, mở rộng hình thức, phạm vi công khai, minh bạch hóa TTHC và các thông tin quản lý nhà nước, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố. Hiện nay, số TTHC đã giảm 47 thủ tục so với thời điểm công bố TTHC theo Đề án 30 năm 2009.

Ngay từ năm 2004, Hải Phòng là địa phương đầu tiên trong cả nước áp dụng thực hiện mô hình một cửa mẫu, hiện đại và có phần độc lập, chuyên trách. 100% các cơ quan, đơn vị (20/20 sở ban ngành, 14/14 UBND quận, huyện, 223/223 xã phường thị trấn đã có bộ phận “Một cửa”). Một số mô hình sáng tạo mới đang được triển khai có hiệu quả như  “Một cửa thân thiện”, “Một cửa liên thông”…

Đặc biệt UBND TP đã phê duyệt Đề án Chính quyền điện tử, ban hành Khung kiến trúc chính quyền điện tử theo Quyết định 2348/QĐ-UBND ngày 18-10-2016.

Trong đó, xây dựng hệ thống chính quyền điện tử thông suốt, kết nối và liên thông văn bản điện tử, dữ liệu điện tử từ thành phố đến xã, phường. Từ đó, tạo lập môi trường điện tử để người dân giám sát và đóng góp cho hoạt động của chính quyền các cấp.

Mô hình chính quyền điện tử được xây dựng trên cơ sở dữ liệu được số hóa đồng bộ, sử dụng chung, cung cấp dịch vụ hành chính liên thông từ thành phố đến xã, phường, sở, ngành; cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3, 4; phát triển các kênh giao tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước.

Mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả tích cực trong quản lý, điều hành của UBND thành phố, sở, ngành, quận huyện, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp…

Nhờ vậy trong nhiều năm qua, các Chỉ số Hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI), Chỉ số CCHC (PAR Index), Chỉ số Đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức (SIPAS0) thành phố luôn xếp ở vị trí cao trong 63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt chỉ số CCHC nhiều năm liên tiếp đứng thứ 2/63 tỉnh, thành.

Quyết liệt triển khai các giải pháp

Tuy nhiên năm 2017, các chỉ số này đều giảm. Cụ thể, Chỉ số PAPI thành phố xếp thứ 42/63 (giảm 5 bậc so với năm 2016), Chỉ số CCHC thành phố xếp thứ 5/63 (giảm 3 bậc so với năm 2016); chỉ số SIPAS xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND TP, Nguyễn Xuân Bình đánh giá: Vị trí xếp hạng các Chỉ số nêu trên là chưa tương ứng và thống nhất, đồng bộ với chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thành phố xếp thứ 9/63 (tăng 12 bậc so với năm 2016), chưa tương xứng với những quyết tâm chính trị, nỗ lực và những kết quả đã đạt được trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng trong thời gian vừa qua.

Do đó, cần phải nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá chính xác về những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và tập trung tổ chức triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực để nâng cao các chỉ số: PAR Index, SIPAS, PAPI của thành phố Hải Phòng trong thời gian tới.

Trước thực trạng trên, UBND TP ban hành chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 15-6-2018 về việc cải thiện, nâng cao Chỉ số CCHC, Chỉ số Đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức và Chỉ số Hiệu quả quản trị hành chính công thành phố.

Theo đó, Chủ tịch UBND TP yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện nghiêm túc tổ chức thực hiện đúng các nhiệm vụ được giao theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trưởng ban Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, Trương Hòa Bình, gắn với nâng cao Chỉ số PAR Index, Chỉ số SIPAS và nâng cao hiệu quả quản trị hành chính công gắn với cải thiện Chỉ số PAPI.

Căn cứ kết quả phân tích Chỉ số PAR Index, Chỉ số SIPAS năm 2017 của thành phố, cần tổ chức rà soát, kiểm tra, đối chiếu các lĩnh vực, tiêu chí, tiêu chí thành phần bị trừ điểm, đạt điểm thấp của thành phố Hải Phòng để xác định nguyên nhân của những tồn tại thuộc chức năng quản lý của ngành, địa phương; xây dựng kế hoạch, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để khắc phục những hạn chế, góp phần cải thiện, nâng cao Chỉ số PAR Index của thành phố năm 2018 và những năm tiếp theo.

Đồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền về kết quả đo lường các Chỉ số; quá trình triển khai thực hiện công tác CCHC của thành phố và những kết quả nổi bật đã đạt được... tới đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập của thành phố.

Quán triệt tới cán bộ, công chức, viên chức về việc nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn trong thực thi công vụ nhất là giải quyết TTHC đối với tổ chức, doanh nghiệp và người dân..

Triển khai Kế hoạch đo lường sự hài lòng của người dân tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước năm 2018; trong đó tập trung vào các nội dung: cải thiện, nâng cao kỹ năng giao tiếp ứng xử và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công chức làm việc tại Bộ phận Một cửa; thực hiện hiệu quả việc tiếp nhận và giải quyết các góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức…

Chỉ thị cũng nêu rõ nhiệm vụ của từng sở ngành, bao gồm:Sở Nội vụ, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng UBND TP…

Xuân Hạ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông