Triển khai đồng bộ các biện pháp khống chế cúm gia cầm A/H5N6

14:42 25/02/2020

Cúm gia cầm A/H5N6 xuất hiện trên địa bàn xã Tân Trào, Kiến Thụy Ngày 21-2, đàn vịt gần 4.000 con của hộ ông Đinh Văn Tứ, ở thôn Kim Sơn, xã Tân Trào, Kiến Thụy có biểu hiện bị tiêu chảy phân xanh, trắng, chết rải rác. Ngay khi nhận được báo cáo của Trạm Chăn nuôi & Thú y huyện Kiến Thụy về tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm, sáng 24-2, Chi cục Chăn nuôi & Thú y thành phố phối hợp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật huyện Kiến Thụy, Ban chỉ đạo phòng chống dịch xã Tân Trào tiến hành kiểm tra tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm tại xã.
Trang trại vịt gần 4.000 con của hộ ông Đinh Văn Tứ, ở thôn Kim Sơn, xã Tân Trào, Kiến Thụy

Kết quả kiểm tra cho thấy:

Khu vực chăn nuôi vịt của gia đình ông Tứ nằm ở vùng bãi ven sông bên trong đê, cách biệt khu dân cư. Xung quanh có 5 hộ chăn nuôi gia cầm khác với tổng đàn gia cầm đạt 14.020 con (trong đó có 950 con gà, 13.070 con vịt).

Riêng đàn vịt của hộ ông Tứ có 3.770 con, trong đó có 2.310 con vịt 37 ngày tuổi, 1.460 con vịt 17 ngày tuổi. Cả đàn vịt của gia đình chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm. Tại thời điểm kiểm tra (ngày 24-2), 285 con vịt đã bị chết.

Trước tình hình đó, lực lượng chức năng đã tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi Chi cục Thú y vùng II, Cục Thú y xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh. Đồng thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Ngay chiều cùng ngày (15h30 ngày 24-2), Chi cục Thú y vùng 2 có Phiếu trả lời kết quả xét nghiệm cho thấy mẫu bệnh phẩm trên dương tính vi rút cúm gia cầm A/H5N6.

Ngay khi nhận được kết quả xét nghiệm, Giám đốc Sở NN&PTNT Phạm Văn Thép đã trực tiếp chỉ đạo công tác chống dịch, xử lý ổ dịch tại thôn Kim Sơn, xã Tân Trào, huyện Kiến thụy.

Ngoài ra, theo thông tin từ Cục Thú y, Bộ NN&PTNT, từ tháng 1 đến nay trên địa bàn cả nước phát hiện 33 ổ dịch Cúm gia cầm (28 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6, 5 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1) trên địa bàn 9 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Ninh Bình, Thái Bình, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Bình Dương và Trà Vinh. Tổng số gia cầm tiêu hủy trên 96.000 con.

Tại Hải Phòng, ngay khi có kết quả xét nghiệm, Ban chỉ đạo phòng chống dịch xã Tân Trào đã tiến hành tiêu hủy 3.485 con vịt còn lại của hộ ông Tứ theo quy định.

Đáng chú ý, kết quả giám sát sự lưu hành vi rút cúm gia cầm tại các chợ buôn bán gia cầm sống trên địa bàn thành phố có 1,78% mẫu dương tính vi rút Cúm gia cầm A/H5N6; nguy cơ dịch tiếp tục lây lan gây tác hại cho sản xuất chăn nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng nhân dân trên địa bàn thành phố. Sở NN&PTNT phát đi công văn số 329/SNN-CV, ngày 24-2-2020 về việc tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm.

Lực lượng thú y tiến hành kiểm tra tình hình dịch bệnh gia cầm tại trang trại hộ ông Tứ

          Đồng bộ các biện pháp khống chế dịch lây lan...

Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Sở, Chi cục Chăn nuôi & Thú y thống nhất cùng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh các huyện, quận khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống, khống chế, ngăn chặn dịch lây lan ra diện rộng cụ thể như sau:

Đối với Huyện Kiến Thụy, tại xã Tân Trào là xã có dịch, lực lượng chức năng đã tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn vịt của hộ ông Tứ theo quy định. Thành lập chốt kiểm dịch tạm thời, bố trí lực lượng trực 24/24h kiểm soát chặt chẽ, không cho vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra - vào vùng có dịch. Đồng thời tiến hành khử trùng tiêu độc chuồng trại chăn nuôi, nơi chôn hủy gia cầm bệnh 1 lần/ngày liên tục trong 7 ngày. Khử trùng, tiêu độc khu vực xung quanh 2 lần/tuần.

Thông báo cho các hộ, các thôn, xã xung quanh về tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm. Yêu cầu các hộ nuôi nhốt quản lý chặt chẽ đàn gia cầm, không thả rông gia cầm; tạm ngừng nuôi mới gia cầm; không giết mổ gia cầm; thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, khử trùng tiêu độc phòng chống dịch theo quy định. Thống kê tổng đàn gia cầm nuôi trên địa bàn xã, tổng hợp số lượng gia cầm, thuỷ cầm đã tiêm phòng, chưa tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm để triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm bao vây ổ dịch. Tăng cường theo dõi, giám sát dịch bệnh trên đàn gia cầm, phát hiện, báo ngay các trường hợp gia cầm ốm, chết, nghi mắc bệnh về Chi cục Chăn nuôi & Thú y; giám sát dịch cúm gia cầm trên người, đặc biệt tại hộ có gia cầm ốm, chết, tiêu hủy do dịch; phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh báo cáo cơ quan Y tế theo quy định.

Số vịt mắc cúm A/H5N6 của hộ ông Tứ bị tiêu hủy

Đối với các xã chưa có dịch trên địa bàn huyện Kiến Thụy cũng như các huyện, quận chưa có dịch khác, lực lượng chức năng tăng cường giám sát dịch tới tận các hộ chăn nuôi, chăm sóc nuôi dưỡng, nâng cao sức đề kháng cho đàn gia cầm; hướng dẫn các hộ nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; khử trùng tiêu độc khu vực chăn nuôi, phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch lây lan; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc khu vực chăn nuôi và môi trường xung quanh. Hướng dẫn các hộ nuôi chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia cầm nuôi mới, hết thời gian bảo hộ miễn dịch theo quy định. Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm tại địa phương; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Đồng thời khuyến cáo người dân khi phát hiện gia cầm có dấu hiệu bất thường phải báo cáo với chính quyền địa phương, Trạm Chăn nuôi & Thú y để có các biện pháp xử lý kịp thời. 

Ngoài các biện pháp nêu trên, để người dân thực hiện không giấu dịch, không bán chạy gia cầm bệnh, không vứt xác gia cầm bừa bãi, không ăn gia cầm mắc bệnh, không ăn tiết canh gia cầm, các sản phẩm gia cầm chưa nấu chín nhằm ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh, phát tán, lây lan ra diện rộng, gây nguy hại, đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh cũng như các biện pháp phòng chống dịch đang được các địa phương đặc biệt chú trọng đẩy mạnh...

Khánh Chi

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích