HĐND thành phố Hải Phòng và các cuộc giám sát vì dân (Bài 2)

18:38 30/11/2023

Bài 2: Đi tới tận cùng của vấn đề

Các cuộc giám sát chuyên đề của HĐND thành phố Hải Phòng đã không dễ dàng chấp nhận những báo cáo chung chung, đại khái, qua loa mà trực tiếp đi tìm hiểu tại cơ sở, lắng nghe ý kiến của lãnh đạo, cán bộ, nhân viên các ngành, các cấp để từ đó tìm ra những vấn đề căn cơ, cốt lõi nhất. Đây chính là điều cử tri, nhân dân luôn mong đợi và HĐND thành phố đã làm được, bảo đảm tính thực chất, hiệu quả các cuộc giám sát.                                                                    

Tìm ra các nút thắt, điểm nghẽn

          Trong tháng 4 và tháng 5-2023, Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND thành phố giám sát, khảo sát đối với 35 đơn vị y tế tại Hải Phòng. Đồng thời làm việc với lãnh đạo UBND thành phố; với các sở, ngành như Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Bảo hiểm xã hội Hải Phòng… Qua đây, bức tranh tổng thể của ngành Y tế Hải Phòng hiện lên khá rõ, cả điểm mạnh và điểm yếu. Trong đó, điểm yếu, hạn chế  khá nhiều và câu chuyện hạ tầng, trang thiết bị được nói tới nhiều nhất. 

                                                Lãnh đạo thành phố thăm hỏi người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Kiến An

        Chính từ cuộc giám sát của HĐND thành phố, những khoảng trống của y tế Hải Phòng hiện lên khá rõ. Chẳng hạn như có tới khoảng 60% các công trình của cơ sở hạ tầng tại cơ sở y tế công lập cần được cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới do đã bị xuống cấp, tập trung nhiều nhất ở tuyến huyện (chiếm 72%);  nhiều cơ sở y tế công lập chưa đạt chỉ tiêu diện tích sàn bình quân (m2/giường bệnh) theo các Tiêu chuẩn quốc gia.

       Cũng rất đáng quan tâm khi trang thiết bị y tế cơ bản tại các cơ sở y tế công lập còn đạt tỷ lệ thấp so với tiêu chuẩn, định mức; thiếu trang thiết bị hiện đại, chuyên sâu kỹ thuật cao; nhiều trang thiết bị đã hỏng không sử dụng được. Việc đầu tư ngân sách cho mua sắm trang thiết bị y tế còn hạn chế. Mức đầu tư cho trang thiết bị y tế năm 2021 là 23,53 tỷ đồng; năm 2022 là 10,59 tỷ đồng,  thấp hơn một số tỉnh, thành phố như Quảng Ninh, Đà Nẵng…

          Và vấn đề lo lắng nhất là nhân lực. Theo thống kê hiện nay, so với định mức tối thiểu, số bác sỹ còn thiếu là 15,2%; số dược sỹ đại học còn thiếu 32,5%; số điều dưỡng còn thiếu 8,7%; số hộ sinh còn thiếu 4,8%; số kỹ thuật viên y tế còn thiếu 33,1%. Đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu ở một số chuyên ngành sâu; thiếu bác sỹ ở các bệnh viện tuyến quận, huyện, trạm y tế xã, phường. Thậm chí, tại các bệnh viện chuyên khoa khó như Tâm thần, Lao, Phục hồi chức năng, Trung tâm cấp cứu 115 và các đơn vị tuyến huyện , trạm y tế, do không thu hút được bác sĩ về công tác nên phải sử dụng y sỹ khám chữa bệnh.

Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Văn Lập yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án tổng thể phát triển ngành Y tế Hải Phòng để trình kỳ họp thường lệ cuối năm 2023 của HĐND thành phố

Thêm vào đó, thu nhập và các khoản phụ cấp của nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập có sự chênh lệch cao giữa các tuyến thành phố; tuyến thành phố và tuyến quận, huyện... Theo đó, mức thu nhập bình quân của nhân viên y tế khối thành phố khoảng 12 triệu đồng, nhưng tuyến huyện chỉ khoản 8 triệu đồng, có đơn vị ở mức rất thấp như Bệnh viện Đôn Lương (Cát Hải) chỉ hơn 6 triệu đồng/tháng. Theo Sở Y tế,  năm 2018 có 65 người xin chuyển đi nơi khác, năm 2019 là 67 người, năm 2021 là 121 người và năm 2022 có 128 người. Đến nay, thành phố chưa có chính sách đặc thù để thu hút, đãi ngộ nhân lực chất lượng cao trong ngành Y tế.

          Ngoài những khó khăn, bất cập trên, ngành Y tế Hải Phòng còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong tự chủ tài chính; đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế; giá dịch vụ y tế; thực hiện chính sách khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế… Tất cả những điều đó đặt các cơ sở y tế công lập vào thế khó trong cạnh tranh; “lực bất tòng tâm” trong quá trình phát triển.

          Còn qua cuộc giám sát về môi trường đã thấy bộc lộ nhiều vấn đề khá cấp bách đối với thành phố. Trong đó nổi lên là xử lý chất thải rắn. Từ cuộc giám sát chuyên đề của HĐND thành phố cho thấy, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại 7 quận  của Hải Phòng có tổng khối lượng khoảng 910 tấn/ngày; tại 8 huyện khoảng 790 tấn/ngày. Như vậy, mỗi ngày thành phố phải thu gom, xử lý hơn 1700 tấn rác thải sinh hoạt.

                                                         Khu xử lý chất thải rắn Đình Vũ đã quá tải, đang được đề nghị sớm đóng cửa

       Điều đáng quan tâm là mặc dù đạt nhiều kết quả quan trọng nhưng việc xử lý rác thải của Hải Phòng còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức, rào cản. Phương thức xử lý rác theo hình thức chôn lấp đã  phát huy tác dụng trong thời gian qua nhưng tới thời điểm hiện tại đã phát sinh những bất cập và không còn phù hợp cả về trước mắt chứ chưa nói tới lâu dài; nỗi lo quá tải các bãi chôn lấp ngày càng lớn. Hiện Công ty Môi trường Đô thị Hải Phòng đang đề nghị đóng cử bãi rác Đình Vũ vì đã quá tải nghiêm trọng.

       Trong khi đó, việc triển khai xây dựng các khu xử lý chất thải theo quy hoạch đã được phê duyệt rất chậm trễ và nhiều khó khăn. Sau hơn 10 năm thực hiện quy hoạch mới xây dựng được 3/7 khu xử lý rác cấp thành phố, đạt 42%; 2/7 khu xử lý rác cấp huyện, đạt 28,5% và chưa có khu xử lý chất thải xây dựng.  Hải Phòng cũng đã đặt ra mục tiêu đến năm 2015 chấm dứt hoạt động của các bãi rác tạm tại các xã  và triển khai xử lý rác tại các khu cấp huyện nhưng đến nay chưa đạt được. Tại các huyện, các xã vẫn còn tồn tại khá nhiều bãi rác tạm, lên tới 137 bãi. Theo kế hoạch, Hải Phòng dự kiến hoàn thành xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện tại Đình Vũ trước năm 2025 nhưng tiến độ đang rất chậm và có nhiều vướng mắc.

          Ngoài ra, việc bảo vệ môi trường trong các KCN cũng đang có nhiều vấn đề cần quan tâm. Trong đó có việc áp dụng các tiêu chí sinh thái, sử dụng chất thải là vật liệu, khuyến khích áp dụng kinh tế tuần hoàn, cộng sinh công nghiệp - đô thị còn hạn chế. Việc xử lý chất thải làng nghề cũng đặt ra rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Việc quản lý các dòng sông cung cấp nước ngọt cho thành phố; chất lượng nước sinh hoạt của cả thành thị và nông thôn chưa đạt như mong muốn. Cùng với đó là các vấn đề liên quan tới môi trường khu vực biển đảo; đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu; nước thải; kiểm soát nguồn ô nhiễm tới sự đầu tư nguồn lực, nhân lực, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong bảo vệ môi trường…

        Chủ trì các cuộc giám sát chuyên đề về môi trường,đồng chí Bùi Đức Quang, Phó chủ tịch HĐND thành phố cho rằng, các vấn đề được nhìn nhận và đánh giá đều rất  nóng bỏng, liên quan tới môi trường sống của toàn thành phố. Qua đó, đoàn giám sát có được những nhìn nhận tổng thể nhất về công tác quản lý Nhà nước và bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để HĐND thành phố bàn và nghiên cứu, ban hành các chính sách cụ thể để bảo vệ môi trường trong giai đoạn tới với quan điểm nhất quán: không vì phát triển kinh tế mà bỏ qua các vấn đề về môi trường.

          Lý giải những vấn đề thực tiễn

          Các cuộc giám sát chuyên đề của HĐND thành phố không chỉ nêu lên bức tranh tổng thể về y tế, môi trường của Hải Phòng mà còn lý giải cụ thể các vấn đề từ thực tiễn.

          Cụ thể, đối với lĩnh vực y tế, đoàn giám sát chuyên đề nhận thấy, điểm mấu chốt chính là nhân lực, là các cơ chế, chính sách để “giữ chân” nhân lực y tế chất lượng cao làm việc tại các bệnh viện tại Hải Phòng. Cùng với đó, việc đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách cho y tế là quan trọng nhưng nguồn lực xã hội có ý nghĩa hơn nhiều và chỉ có kết hợp nhuần nhuyễn các nguồn lực đó thì y tế Hải Phòng mới có điều kiện phát triển.

      Quan trọng hơn chính là môi trường làm việc, là sự trân trọng và tạo mọi điều kiện để các y, bác sỹ tận tâm, tận lực cống hiến, phát huy tài năng, trí tuệ phục vụ thành phố, phục vụ nhân dân. Khi người bệnh có niềm tin vào chất lượng khám, chữa bệnh; khi uy tín của các cơ sở y tế được nâng cao thì “hữu xạ tự nhiên hương”, không chỉ người dân Hải Phòng mà người dân của các tỉnh, thành phố bạn, thậm chí cả khách du lịch, các chuyên gia, kỹ sư nước ngoài cũng yên tâm, tin tưởng lựa chọn Hải Phòng để chăm sóc sức khỏe và khám, chữa bệnh.

Đồng chí Bùi Đức Quang, Phó chủ tịch HĐND thành phố giám sát công tác xử lý  rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tràng Cát

     Cũng như vậy, để giải quyết các vấn đề về môi trường, sự đầu tư của thành phố là quan trọng nhưng yếu tố quyết định nhất vẫn là ý thức, trách nhiệm của người dân và doanh nghiệp, kèm theo đó là các quy định, chế tài của pháp luật. Do đó, đoàn giám sát của HĐND thành phố lắng nghe cặn kẽ từng vấn đề và xác định rõ những nội dung cần đề cập, báo cáo HĐND thành phố quyết định; xác định các lĩnh vực cần ưu tiên phải hành động ngay. Đó là đẩy nhanh quá trình phân loại rác thải đầu nguồn; tăng cường kiểm tra, giám sát môi trường trong các KCN, làng nghề; các doanh nghiệp công nghiệp; bảo vệ nguồn nước; có biện pháp bảo vệ môi trường biển đảo; chống biến đổi khí hậu…

          (Còn tiếp)

                                                                                                                                                          Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông