17:42 06/11/2024 Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, với mong muốn tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng vật nuôi, được sự tư vấn, hướng dẫn tận tình của cán bộ khuyến nông, gia đình anh Nguyễn Văn Bình, ở thôn Giang Khẩu, xã Đại Thắng, Tiên Lãng, đã thành công với mô hình nuôi gà lông màu thương phẩm.
Triển khai mô hình, gia đình anh đã mạnh dạn ứng dụng chuyển đổi theo công nghệ 4.0 vào sản xuất, tiến hành lắp đặt hệ thống thiết bị điều khiển và cảnh báo tự động qua điện thoại.
Chỉ bằng một thao tác đơn giản đó là cài đặt qua hệ điều khiển trên điện thoại di động (hệ điều hành Android) thư mục Hunonic “Nhà thông minh của người Việt”, đã giúp gia đình anh điều khiển được từ xa hệ thống các thiết bị tự động gồm: quạt thông gió, đèn chiếu sáng, máng ăn, máng uống nước.
Trong quá trình giám sát hoạt động của đàn gà nuôi, ngay cả khi chủ trang trại vắng mặt vẫn có thể điều khiển được tất cả các hoạt động của trại gà ở bất kỳ nơi nào chỉ cần một chiếc điện thoại cài đặt thư mục Hunonic “Nhà thông minh của người Việt” có sóng wifi hoặc dùng 4G.
Sau một thời gian tiến hành thử nghiệm, anh Bình đã đánh giá được những ưu điểm vượt trội của phần mềm ứng dụng thiết bị của Hunonic vào sản xuất nông nghiệp thông minh.
Hiện, đàn gà của gia đình anh sinh trưởng, phát triển tốt, trọng lượng bình quân mỗi con đạt từ 1,2- 1.8 kg/con. Tỷ lệ nuôi sống đạt 98%, tỷ lệ đồng đều cao, tiêu tốn thức ăn 2,8kg/kg thể trọng. Đàn gà có khả năng hấp thu thức ăn cao, giảm được bệnh tiêu chảy, bệnh đường hô hấp, giảm sử dụng kháng sinh, phân gà khô, giúp gia đình thay đổi được phương thức chăn nuôi...
Theo dự kiến, trung bình trọng lượng đàn gà nuôi của gia đình anh Bình đạt khoảng 2,8-3,0 kg/con, được xuất bán với thời gian nuôi là 105 ngày, giá bán đạt từ 60-65 nghìn đồng/kg.
Với quy 4.000 con gà, trang trại của gia đình anh mang lại lợi nhuận khoảng 70-80 triệu đồng/lứa gà sau khi đã trừ hết các khoản chi phí chăn nuôi; cao hơn so với phương pháp nuôi truyền thống, ngoài mô hình từ 30-35 triệu đồng/lứa.
Lợi nhuận tăng lên đã góp phần giúp gia đình anh Bình chăn nuôi ổn định, phát triển kinh tế trang trại hộ gia đình, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Như vậy, có thể khẳng định, áp dụng chuyển đổi số triển khai mô hình nuôi gà lông màu thương phẩm đã giúp gia đình anh Bình tối ưu hóa năng suất lao động, giám sát chặt chẽ môi trường không khí cũng như khâu chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý chuồng nuôi. Nhờ mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ số vào sản xuất đã giúp tiết kiệm được tối đa công lao động, quản lý tốt dịch bệnh mang lại giá trị kinh tế cao cho người chăn nuôi.
Đây cũng là yếu tố quan trọng làm tăng giá trị lợi nhuận cho người chăn nuôi, từng bước làm thay đổi nhận thức, thói quen tư duy cũ của bà con nông dân, chuyển từ chăn nuôi theo kinh nghiệm là chính sang chăn nuôi trên nền tảng khoa học công nghệ.
Trên cơ sở đó, giúp người chăn nuôi quản lý tốt dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng, gia tăng được giá trị kinh tế, đồng thời đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phát triển chăn nuôi một cách bền vững, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Mô hình cũng chính là một trong những hạt nhân, cơ sở giúp nền nông nghiệp Hải Phòng từng bước hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, phát triển các trang trại quy mô lớn…
Bình Huệ
22:18 14/11/2024
19:33 14/11/2024
19:32 14/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cấp thành phố năm 2024 diễn ra thành công tốt đẹp
Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống ngành Tổ chức xây dựng Đảng (14/10/1930 - 14/10/2024)