Hiểu và đồng hành cùng trẻ vào lớp 1

    15:00 13/08/2024

     

    Các bậc cha mẹ cần dành thời gian trò chuyện, giúp con làm quen với nếp sinh hoạt, học tập mới khi vào lớp 1

    Lớp 1 là bước ngoặt quan trọng trong hành trình phát triển toàn diện của trẻ. Ở cấp học này, trẻ bắt đầu bước sang một môi trường mới cần sự tự lập, tập trung cho học tập nhiều hơn. Bởi vậy, việc chuẩn bị tâm thế, hành trang cần thiết cho trẻ sẵn sàng vào lớp 1 rất cần có tình yêu thương, tính kiễn nhẫn và sự đồng hành của cả cha mẹ học sinh và các thầy, cô giáo.

    Chuẩn bị “hành trang” tâm lý, sức khỏe cho trẻ

    Chuyển từ môi trường mẫu giáo học bằng chơi, chơi bằng học là chính, lên lớp 1, trẻ vừa phải ngồi học nghiêm túc mỗi tiết 45 phút, học 2 buổi/ngày; vừa phải quan sát, ghi nhớ, rèn luyện kỹ năng ghi chép, ghép vần. Do đó, không ít trẻ thời gian đầu đi học thường thay đổi về mặt tâm lý, cảm xúc, có biểu hiện rụt rè, khóc mếu, không chịu đi học… Bởi vậy, điều quan trọng nhất là cha mẹ cần lắng nghe, chia sẻ với trẻ nhiều hơn.

    Những ngày đầu tháng 8, không ít phụ huynh cùng con em mình tới các nhà sách khu vực trung tâm, như: Cửa hàng sách và thiết bị trường học ở đường Cầu Đất; nhà sách HPbook trên đường Tô Hiệu và các hiệu sách trong trung tâm thương mại để chọn mua đồ dùng học tập cho con. Anh Nguyễn Hải Nam, ở phường Cát Dài (quận Lê Chân) cho biết: Con gái anh sinh năm 2018 và năm nay bước vào lớp 1. Cuối tháng 7 vừa qua, con anh kết thúc thời gian học hè lớp 5 tuổi ở trường mầm non để chuẩn bị bước sang môi trường mới là mái trường tiểu học vào cuối tháng 8 tới đây.

    Để con hiểu mình sắp bước vào cấp học mới với nhiều môn học hơn, cũng như có thêm thầy, cô giáo, bạn mới, hằng ngày, hai vợ chồng anh dành nhiều thời gian trò chuyện cùng con, thi thoảng dẫn con qua trường tiểu học để con nhận biết và nhớ tên trường mới. Đặc biệt, thời điểm này, anh chị cùng con đến hiệu sách chọn mua cặp sách, hộp bút có màu sắc, nhân vật hoạt hình con yêu thích để tạo cho con sự hứng thú trong việc sắp xếp, háo hức sử dụng.

    Hiện, chỉ còn hơn 2 tuần nữa, kỳ nghỉ hè năm học 2023 – 2024 khép lại, năm học mới bắt đầu mở ra. Trên thực tế, trong những ngày nghỉ hè, giờ giấc sinh hoạt của trẻ có thể thay đổi như ngủ muộn- dậy muộn, được tự do vui chơi, học tập theo ý thích, tâm trạng. Nhất là với trẻ chuẩn bị vào lớp 1, các em có 3 năm học mẫu giáo với giờ học bắt đầu trong khoảng 7 giờ 30 phút - 8 giờ 30 phút, nên có thể gặp trở ngại trong việc dậy sớm, dễ bị mệt mỏi khi thực hiện nếp học tập mới.

    Cô Vũ Thị Hồng Nhung, Tổng phụ trách Đội thiếu niên tiền phong Trường tiểu học Nguyễn Khuyến (quận Ngô Quyền) chia sẻ: Vào lớp 1, khoảng 7 giờ 15 phút, học sinh bắt đầu tiết học đầu tiên. Cha mẹ không nên thay đổi nhịp sinh học của con đột ngột, mà từ nay đến khi con nhập học, các bậc cha mẹ nên động viên, điều chỉnh giờ thức giấc của con vào 7 giờ 30 phút, rồi sớm hơn vào 7 giờ, 6 giờ 30 phút để giúp trẻ dần thích nghi, bắt nhịp với thời gian biểu của cấp tiểu học.

    Theo chia sẻ của một số hiệu trưởng trường tiểu học trên địa bàn thành phố: Trẻ mới vào lớp 1 thường viết rất chậm, nắn nót và tỉ mỉ từng nét. Khi cha mẹ kèm cặp con học, nếu thúc giục hoặc chỉ bảo những cách làm mới, khắc với phương pháp con được cô giáo dậy trên lớp, các con có thể sẽ phản ứng và không nghe lời.

    Trong trường hợp này, các bậc cha mẹ hãy tiết chế, tránh quát mắng, dành sự kiên nhẫn, bao dung với con nhiều hơn. Bên cạnh đó, cha mẹ cần dành nhiều thời gian nói chuyện với con, đặc biệt chú ý hỏi han và động viên mỗi khi trẻ đi học về; cũng như đồng hành cùng con trong những hoạt động nhỏ nhất, như để con chọn ra môn học mình yêu thích và cùng con làm bài tập với môn học đó để trẻ tự hình thành nên niềm yêu thích học tập, yêu thích trường học và thầy cô.

    Học sinh 5 tuổi Trường mầm non Sao sáng 4 (quận Ngô Quyền) hào hứng tham gia hoạt động ngoại khoá “Tham quan trường tiểu

    học” do nhà trường tổ chức

    Cùng rèn kỹ năng mềm cho trẻ       

    Bên cạnh việc chuẩn bị tinh thần, sức khỏe tốt nhất cho trẻ, thì một trong những yếu tố quan trọng đầu tiên giúp trẻ sẵn sàng vào lớp 1 chính là rèn trẻ tự lập trong sinh hoạt và tuyệt đối không để trẻ có cảm giác chán học, sợ đi học. Bởi thế, hằng năm, trong các văn bản tuyển sinh đầu cấp, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố luôn nhấn mạnh và yêu cầu các cơ sở giáo dục mầm non không dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ. Trên cơ sở đó, trẻ không cần phải đi học thêm trước, mà bố mẹ nên dành thời gian, sự quan tâm để dạy cho trẻ các kỹ năng mềm cần thiết, đó là kỹ năng tự phục vụ bản thân, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quan sát…

    Theo chị Nguyễn Tú Anh, ở phường Lê Lợi (quận Ngô Quyền): Trước đây, mỗi khi chuẩn bị gửi con đến lớp mẫu gia 4 tuổi, 5 tuổi, chị thường làm vệ sinh cá nhân cho con trai để tiết kiệm thời gian, kịp giờ đi làm. Song, trước khi con “tốt nghiệp” mẫu giáo, qua trao đổi với giáo viên phụ trách, chị được biết, với trẻ 5 tuổi, giáo viên luôn rèn cho các con nền nếp lớp học, cách chào hỏi, ứng xử với cha mẹ, thầy cô, bạn bè; cũng như dạy trẻ tự rửa mặt, rửa tay, thay quần áo đúng cách và sắp xếp dụng cụ học tập, đồ chơi gọn gàng…

    “Mặt khác, mái trường tiểu học khác nhiều so với bậc học mầm non, khi trẻ không còn được cô giáo sát cánh “từng li”, hỗ trợ mọi nơi, mọi lúc. Bởi vậy, 2 tháng trở lại đây, tôi phụ trách việc gọi con dậy, còn con trai sẽ tự đánh răng, rửa mặt, thay quần áo và tập sắp xếp sách vở. Đồng thời, sau giờ ăn cơm tối, vợ chồng tôi thường dành 15 - 30 phút để hướng dẫn con làm quen với hình khối, chữ cái, màu sắc qua các cuốn truyện tranh, video dành cho thiếu nhi, hoặc cùng con bọc sách, viết nhãn vở để tạo niềm vui trong học tập cho con”, chị Tú Anh chia sẻ.

    Bên cạnh đó, để hỗ trợ trẻ tốt nhất trong giai đoạn chuyển cấp quan trọng này, không thể bỏ qua sự kết nối, tương tác thường xuyên giữa nhà trường và gia đình trẻ. Theo chia sẻ của nhiều giáo viên chủ nhiệm khối lớp 1, trong thời gian đầu trẻ nhận lớp, đi học, các bậc cha mẹ nên chủ động trao đổi với giáo viên về chế độ sinh hoạt, thói quen thường ngày, tính cách nổi bật của trẻ để thầy, cô giáo dần hiểu học trò, ổn định trật tự lớp học.

    Cùng với đó, tận dụng ưu điểm truyền đạt thông tin nhanh, kịp thời của sổ liên lạc điện tử, các nhóm lớp trên mạng xã hội Zalo, giáo viên cũng thông tin cho các bậc cha mẹ, người giám hộ biết về tình hình của trẻ ở lớp, những tiến bộ hoặc sự thay đổi của trẻ để gia đình và nhà trường kịp thời có biện pháp phối hợp chăm sóc, giáo dục phù hợp.

    LINH ANH

     

     

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông