15:47 10/03/2020 10 năm qua (2009-2019), thực hiện Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hội Nông dân TP đã phát huy mạnh mẽ vai trò của tổ chức Hội trong việc tập hợp hội viên, thực hiện thắng lợi các chương trình phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước trên ba lĩnh vực: nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Chú trọng đào tạo nghề...
Xác định triển khai Kết luận 61, ngày 3-12-2009 của Ban Bí thư và Quyết định 673 ngày 10-5-2012 của Thủ tướng Chính phủ là cơ hội để tạo bước đột phá trong công tác Hội cũng như phong trào nông dân, những năm qua, Hội Nông dân thành phố luôn chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò chủ thể của cán bộ, hội viên trong việc chủ động chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Và để từng bước đạt được mục tiêu đề ra, Ban Thường vụ Hội đã nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện đề án, phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tham mưu, trình UBND TP ban hành Quyết định thành lập Trung tâm Dạy nghề & Hỗ trợ nông dân, trực thuộc Hội với tổng diện tích gần 8.500m2, trụ sở đặt tại Khu đô thị Anh Dũng VI, phường Anh Dũng, quận Dương Kinh.
Đi vào hoạt động (từ tháng 6 - 2017), đến nay Trung tâm đã được đầu tư, trang bị đầy đủ cơ sở vật chất đáp ứng tốt trọng trách tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn.
Ông Lê Tất Tỉnh - Phó Giám đốc khi thành lập, kiện toàn bộ máy, đội ngũ cán bộ giáo viên, Trung tâm đã bắt tay vào việc theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Theo đó, từ năm 2015 - 2019, Trung tâm đã trực tiếp tổ chức mở 23 lớp dạy nghề và cấp chứng chỉ cho 693 học viên.
Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Hội Nông dân các huyện, quận thường xuyên tổ chức tập huấn ngắn hạn, chuyển giao tiến bộ KHKT theo hình thức cầm tay chỉ việc tại chỗ cho 1.500 hội viên nông dân/năm. Đơn cử có thể kể đến việc tiếp nhận, chuyển giao mô hình “Ghép dưa chuột Nhật trên gốc bí đỏ” theo công nghệ Nhật Bản tại 3 xã, phường trên địa bàn huyện Tiên Lãng và quận Dương Kinh; chương trình phối hợp với một số doanh nghiệp cung ứng chế phẩm vi sinh Sumitri để xử lý rơm rạ sau thu hoạch cho nông dân nhằm hạn chế tình trạng đốt rơm rạ, bổ sung dinh dưỡng cho đất; cung ứng hàng nghìn tấn phân bón trả chậm cho bà con nông dân.
Phát huy vai trò chủ thể của nông dân...
Vui nhất là sau khi tham gia các khóa đào tạo, được trang bị kiến thức chuyên môn, tiến bộ KHKT, lại được Hội Nông dân các cấp quan tâm bố trí nguồn vốn vay để xây dựng các mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, quy mô lớn, các học viên đã mạnh dạn thành lập các tổ hợp tác, HTX tập trung và tự mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế trang trại, gia trại, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đáng chú ý, nhờ đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, đến nay Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp đang quản lý đạt trên 44 tỷ đồng triển khai 549 dự án với gần 1.700 hộ vay vốn. Các dự án được vay vốn đều cơ bản mang lại hiệu quả KT-XH. Một số mô hình giúp hội viên đạt được mức thu nhập khá cao, từ 70-100 triệu đồng/năm. Qua đó tạo nguồn lực giúp người dân yên tâm, hào hứng mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xây dựng NTM.
Cùng với đó, việc các doanh nghiệp, nhà nước, ngân hàng, nhà khoa học, nhà phân phối phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp bền vững; chương trình gắn sản xuất, kinh doanh nông nghiệp với du lịch, giảm nghèo bền vững... được Hội Nông dân các cấp chú trọng triển khai tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của người dân. Đặc biệt, các cấp hội còn tích cực vận động, hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, xây dựng, phát triển các loại hình kinh tế tập thể phù hợp với từng ngành nghề ở mỗi địa phương. Hiện, toàn thành phố đã có 169 tổ hợp tác, 208 mô hình liên kết, 3 HTX hoạt động theo luật HTX mới.
Cũng trong 10 năm qua, nông dân toàn thành phố đã đóng góp trên 45,2 tỷ đồng, tự nguyện hiến 53.425m2 đất thổ cư, đất canh tác xây dựng đường giao thông nội đồng, thôn xóm; đóng góp gần 46,5 nghìn ngày công, xây dựng, sửa chữa 421,3km đường giao thông nông thôn, gần 100 km kênh mương được kiên cố hóa, sửa chữa; 958 chiếc cầu, cống được làm mới, sửa chữa.
Không chỉ xung kích trong tiến trình xây dựng NTM, thiết thực triển khai Kết luận 61, Quyết định 673, nông dân các địa phương còn phát huy cao nhất tinh thần “tương thân, tương ái” hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật, giúp nhau thoát nghèo. 10 năm, Hội đã ủng hộ gúp hội viên có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt trên 4.600 tấn lương thực, trên 50.000 cây, con giống; xây dựng, sửa chữa 235 nhà tình nghĩa với tổng số tiền 71,5 tỷ đồng; hỗ trợ 3.746 hộ làm kinh tế, góp phần chung tay cùng toàn xã hội thực hiện tốt mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội...
Khánh Chi
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão