Hội thảo khoa học “Phật giáo xứ Đông trong dòng chảy văn hóa dân tộc”

09:29 04/12/2023

Sáng 1/12, tại chùa Long Hoa (thuộc quần thể di tích danh thắng lịch sử Núi Voi xã Trường Thành, huyện An Lão), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hải Phòng tổ chức hội thảo “Phật giáo xứ Đông trong dòng chảy văn hoá dân tộc”.

 

Các đại biểu dự hội thảo

Tham dự Hội thảo, về phía Trung ương có TS Chu Minh Tuấn - Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo; TS Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Hà Nội.

Về phía thành phố Hải Phòng có TS.Hoàng Văn Kể và TS.Nguyễn Văn Bình - nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố; Hòa thượng Thích Thanh Giác - Phó trưởng ban thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố; TS.Bùi Thanh Tùng - Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, đơn vị liên quan và chư tôn đức giáo phẩm, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các cơ quan, các tổ chức từ Trung ương đến các tỉnh thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Nam Định, Bắc Ninh, Bắc Giang.

TS.Bùi Thanh Tùng - Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật thành phố Hải Phòng phát biểu tại hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo TS.Bùi Thanh Tùng - Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hải Phòng cho biết, trong nhiều thập kỷ, xứ Đông đã từng là một trong những trung tâm lớn bậc nhất về kinh tế và văn hóa sôi động của quốc gia Đại Việt, trong đó có thể coi vùng Đông Triều, Uông Bí của tỉnh Quảng Ninh là kinh đô Phật giáo, là trung tâm văn hóa rất tiêu biểu của nước Đại Việt thời Trần. Hải Phòng cũng là những nơi đầu tiên đón nhận Phật giáo du nhập vào nước ta. Cùng với sự phát triển của mình, văn hóa Phật giáo xứ Đông có lịch sử khá sớm và phát triển liên tục.

Hội thảo khoa học “Phật giáo xứ Đông trong dòng chảy văn hóa dân tộc”

Theo Hòa thượng Thích Thanh Giác - Phó trưởng ban Thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố, văn hóa Phật giáo là một phạm trù rộng lớn, bao quát trên nhiều lĩnh vực. Văn hóa Phật giáo luôn gắn liền với tiến trình phát triển văn hóa dân tộc. Hội thảo là cơ hội để tìm ra sự kết nối logic giữa nguồn tài nguyên văn hóa Phật giáo xứ Đông với dòng chảy văn hóa dân tộc và đề xuất các giải pháp chiến lược, khả thi nhằm biến văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh...

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề chính, như: Vai trò của các giá trị văn hóa Phật giáo xứ Đông; Văn hóa Phật giáo thời Mạc; Những đặc thù của kiến trúc Phật giáo và những giá trị cốt lõi của văn hóa Phật giáo xứ Đông; Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo thành phố Hải Phòng; Dấu ấn văn hoá Phật giáo thời Lý - Trần ở Hải Phòng qua phế tích tháp Tường Long... từ đó đề xuất những giải pháp mang tính đột phá, nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị kho báu tài nguyên văn hóa Phật giáo xứ Đông, khai thông dòng chảy cùng văn hóa dân tộc mạnh mẽ hơn nữa.

Các đại biểu dự hội thảo

Đồng thời, các đại biểu thống nhất và cho rằng văn hóa Phật giáo xứ Đông trong đó có Hải Phòng, có bề dầy trầm tích các di sản rất lớn, đây là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá cần phải được bảo tồn và phát huy giá trị trên nhiều phương diện khác nhau, do đó, đề nghị các cấp, các ngành và mọi người dân cùng vào cuộc để thiết thực chấn hưng lại những giá trị truyền thống phục vụ phát triển thành phố và đất nước.

CẨM TÚ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông