Hướng dẫn viên du lịch: Chuyện giờ mới kể

15:49 31/10/2017

Lênh đênh trên sóng nước, căng mình với những chuyến trèo đèo, vượt thác, tưng bừng với những đêm hội rộn rã, cũng có thể “ươn” cả người với vô vàn nhu cầu khác nhau của các vị khách…nhưng với họ, mỗi sáng bừng tỉnh giấc là những chuyến đi dài, niềm vui rất nhiều mà gian truân cũng lắm.

Hướng dẫn viên cho khách Tây được xem là hàng “sang chảnh”

 Anh Hoàng Tuấn Anh, sinh 1974, quê ở Thanh Hóa, có thời gian gần 20 năm làm việc trong ngành du lịch. Khi được hỏi về những năm tháng làm hướng dẫn viên du lịch, anh chia sẻ: Năm 1998 anh làm việc tại khách sạn Harbour View Hải Phòng. Anh cũng bắt đầu làm hướng dẫn viên du lịch từ thời điểm đó. Anh chủ yếu làm hướng dẫn cho các đoàn khách người nước ngoài tới thăm thành phố với những chuyến đi Cát Bà, xuyên Vịnh Hạ Long, các tour đạp xe đi Kiến Thụy, Vĩnh Bảo.

Những người khách nước ngoài thường có sự tìm hiểu khá kỹ về nơi họ sẽ tới với rất nhiều yêu cầu cao về cách giao tiếp, các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi. Vì vậy để phục vụ tốt những vị khách này thì anh không phải chỉ cần có kiến thức, am hiểu về văn hóa địa phương, những điểm đoàn sẽ tới mà anh còn phải nghiên cứu, tìm hiểu về tập tục, tâm lý, văn hóa của những vị khách. Có như vậy anh mới có thể giao tiếp tốt, thuyết phục được những vị khách khó tính và biết cách tổ chức thành công một chuyến đi.

Anh cho biết so với hướng dẫn cho khách du lịch nội địa thì hướng dẫn viên cho khách Tây được xem là hàng “sang chảnh”. Người hướng dẫn viên sẽ có thu nhập cao hơn, có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với nhiều bạn bè nước ngoài và có cơ hội trau dồi vốn ngoại ngữ

Anh tâm sự năm đầu làm nghề, anh có một kỷ niệm rất vui trong chuyến đi Cát Bà với 3 người khách nước ngoài. Sau 3 ngày dẫn khách đi thăm quan Cát Bà  thú vị, những vị khách đã rất hài lòng và bồi dưỡng cho anh khoản tiền khá cao là 500 USD, giá trị khoảng 5 triệu đồng lúc bấy giờ, trong khi đó tiền lương cả tháng của anh chỉ khoảng 300 - 400USD.

Anh bất ngờ và vui vô cùng vì đã được khách trân trọng sức lao động của mình. Nhưng niềm vui ấy anh cũng chưa dám chia sẻ cùng ai khi đó.

Bên cạnh niềm vui, cũng có những kỷ niệm buồn, để lại bài học kinh nghiệm cho cuộc đời làm nghề, anh Tuấn Anh trải lòng: Năm 2001, anh dẫn đoàn khách nước ngoài khoảng gần 20 người đi Cát Bà. Chiếc tàu xuất phát từ Bến Bính, đến Trạm Biên phòng thì động cơ bị cháy, bốc khói khét, khiến chiếc tàu cứ lênh đênh vô định giữa dòng nước mênh mông. Cả đoàn người đã vô cùng hoảng loạn. Anh đã ra sức trấn tĩnh, động viên, cũng như có cả sự trợ giúp của chính quyến, cơ quan chức năng nhưng cũng không thể thuyết phục được những vị khách. Chuyến đi vì thế bị hủy bỏ.

Hướng dẫn viên du lịch là 1 nghề vất vả nhưng nhiều niềm vui

Hướng dẫn viên là nam giới đã nhiều vất vả, phụ nữ làm hướng dẫn viên du lịch còn nhiều chuyện giở mếu, giở cười. Nguyễn Thị Dịu, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ du lịch Quốc tế Đông Á chia sẻ. Năm 2005, chị bắt đầu bước chân vào nghề hướng dẫn viên du lịch khi chị mới 21 tuổi.

Đến bây giờ đã 12 năm làm nghề, trải qua hàng nghìn chuyến đi với biết bao kỷ niệm buồn vui, sự nhưng chị vẫn không thể nào quên chuyến đi đầu tiên trong cuộc đời. Khi ấy, chị mới xin vào 1 công ty du lịch và được giao ngay công việc dẫn đoàn khách khoảng 40 người đi Huế. Như một sự ngẫu nhiên, người lái xe chuyến đi đó cũng lần đầu đi tuyến này.

Chuyến đi bắt đầu từ 4 giờ sáng. Vì không biết đường, nên lái xe đã đi lạc lối, đưa cả đoàn ra vùng sát biên giới. Cả đoàn càng đi càng hoảng loạn. Dịu lúc đó cũng vô cùng hoảng sợ. Chị nhớ, lúc đó vì sợ quá, thay cho việc trấn an đoàn khách thì chị ôm người khách ngồi cạnh mình khóc một cách ngon lành.

Trong đoàn, có khách thông cảm cho cô gái trẻ chưa có kinh nghiệm thì động viên, người thì không hài lòng, trách giận. Rất may người lái xe cũng định hướng lại và di chuyển đến Quảng Bình lúc hơn 20 giờ tối.

Khi ấy, Dịu mới nhẹ người, nhưng rất buồn vì mọi người trong đoàn không ai còn tin chị nữa. Chị nói gì họ cũng không nghe. Nhiệt huyết của tuổi trẻ đã không khiến Dịu buông xuôi. Dịu ra sức lo toan chu đáo chu đáo cho mọi người trong đoàn mọi dịch vụ ăn, uống, vui chơi, nghỉ dưỡng, mua sắm…

Nhờ thế đoàn đã có một chuyến đi vui vẻ, ai cũng nhớ về cô hướng dẫn viên trẻ tuổi nhiệt tình, tâm huyết. Đến mấy năm sau, chính đoàn khách ấy đã yêu cầu chị làm hướng dẫn viên cho chuyến đi của họ.

Hướng dẫn viên du lịch là nghề đòi hỏi nhiều kỹ năng

Một kỷ niệm đã khắc sâu vào trong tâm trí của Dịu, mà đến tận bây giờ khi nghĩ lại chị vẫn thấy vẫn còn rùng mình. Năm 2008, chị  làm hướng dẫn viên cho đoàn khách đi thăm quan SaPa.

Trên hành trình đi, đoàn có đến thăm đền Ông Hoàng Bẩy. Khi cả đoàn rời đền, tiếp tục cho cuộc hành trình. Đến một đoạn đốc, xe phải dừng lại vì có vũng nhỏ có dòng suối chảy qua.

Dịu đã phải trực tiếp xuống khảo sát, hỗ trợ để  xe có thể vượt qua đoạn suối nhỏ. Khi xe đã vượt qua an toàn, vừa lên được gần tới đỉnh dốc thì một cơn lũ tràn về ngay đằng sau.

Dịu kể, chỉ cần chậm 1 vài phút thì cơn lũ bất ngờ ấy có thể cuốn trôi cả đoàn người, sống chết chỉ trong gang tấc. Cả đoàn người đã rất sợ nhưng cũng cảm thấy may mắn vì đi qua cơn lũ an toàn.

Vất vả, nhiều khó khăn, nguy hiểm, còn cả những chuyện rất khó có thể ứng xử. Dịu kể, đơn giản như việc công tác phí không đủ cho chị thuê 1 phòng riêng ở các khách sạn khi đưa đoàn khách đi du lịch. Là phụ nữ, chị thường phải ngủ ghép chung phòng với lái xe (mà thường là người lạ) khi chỉ có 1 giường ngủ. Khi đó chị phải ngậm ngùi quấn chăn và ngủ dưới sàn, Dịu kể.

Rồi cũng có lúc khách đề nghị mang đồ giúp, sức khỏe có hạn mức nên nhiều lúc chị cũng phải cố. Có những lúc khách yêu cầu tiếp rượu, chung vui với đoàn cả đêm, Dịu cũng phải khéo léo tìm cách từ chối…

Dịu chia sẻ, thời mới đi làm, những việc như vậy, chị thấy sợ hãi vô cùng tuy nhiên sau một thời gian làm nghề, cô nhận ra mọi việc đều có cách giải quyết, phải ứng xử khéo léo để tránh xa các rắc rối. Có như vậy mới có thể làm nghề và tiếp tục yêu nghề hơn, cô gái trẻ khẳng định.

Xuân Hạ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông