“Khai tử” nhà máy nước nông thôn không còn hoạt động: “Vướng” ở cơ chế hỗ trợ tài chính

11:16 18/03/2019

Hiện có hàng chục nhà máy nước mi ni ở các huyện không hoạt động do nguồn nước đầu vào bị ô nhiễm, máy móc thiết bị hư hỏng hoặc không có vùng phục vụ. Tuy nhiên, cả ngành chủ quản, chủ đầu tư, chính quyền địa phương đều không thể “khai tử” vì chưa có cơ chế tính toán hỗ trợ đầu tư….
Hệ thống bế lắng nhà máy nước mi ni đều có quy mô nhỏ

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành phố Hải Phòng có 205 công trình cấp nước sạch nông thôn được đầu tư theo 4 giai đoạn từ năm 1998 – 2003; 2003 – 2006; 2007 – 2010 và 2011 đến 2015. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có 169 công trình cấp nước hoạt động, còn 36 công trình không hoạt động do nguồn nước đầu vào bị ô nhiễm, máy móc thiết bị hư hỏng hoặc không có vùng phục vụ.

Chiểu theo thông tư Thông tư số 54/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính, về cơ bản các công trình cấp nước sạch nông thôn đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho khoảng 90% người dân nông thôn. Công tác quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn của thành phố đã đi vào nề nếp, góp phần huy động nguồn lực của khu vực tư nhân cùng nhà nước trong đầu tư phát triển, khai thác công trình, bảo đảm an sinh xã hội, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống và sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn.

Không ít nhà máy nước mi ni nằm ven cánh đồng tiếp cận nguồn nước ô nhiễm do người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu

Tuy nhiên, tình trạng chung của các công trình nước sạch nông thôn hiện nay đều được địa phương (UBND xã) giao cho đơn vị quản lý dưới hình thức Hợp đồng đầu tư, quản lý nhà máy và chưa thực hiện nhận nợ với Nhà nước theo quy định, có 3 loại hình đơn vị quản lý chủ yếu là Doanh nghiệp, Hợp tác xã và Hộ kinh doanh cá thể.

Đối với các công trình cấp nước được xã hội hóa, bao gồm Nhà nước và các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư, trong đó Nhà nước hỗ trợ xây dựng trạm xử lý nước, còn đơn vị quản lý tham gia đầu tư mạng lưới đường ống, nâng cấp hệ thống xử lý và người dân tham gia đóng góp bằng kinh phí lắp đặt đồng hồ. Tùy theo điều kiên cụ thể ở từng địa phương, UBND cấp xã sẽ giao cho các đơn vị đầu tư quản lý, vận hành khai thác công trình để phát huy hiệu quả cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt của nhân dân.

Theo Sở Tài chính, việc “khai tử” 36 công trình không hoạt động do nguồn nước đầu vào bị ô nhiễm, máy móc thiết bị hư hỏng hoặc không có vùng phục vụ là rất khó khăn. Nguyên nhân, việc đầu tư, quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn thành phố đều mang tính tự phát không có hồ sơ thiết kế, hoàn công hay quyết toán…Vì vậy, việc xác định giá trị đầu tư của các đơn vị quản lý nhà máy nước vào công trình gặp nhiều khó khăn.

Một số công trình được đầu tư từ lâu đã xuống cấp, nhiều đơn vị quản lý công trình cấp nước đã phá bỏ công trình cũ và xây mới công trình trên hiện trạng mặt bằng công trình cũ làm ảnh hưởng đến việc xác định giá trị còn lại do ngân sách nhà nước đầu tư. Hoặc tình trạng chung khác là chất lượng xây dựng và tính đồng bộ của các công trình cấp nước chưa cao, không đảm bảo đủ nguồn lực để duy tu bảo dưỡng, nâng cấp các hệ thống cấp nước trong quá trình khai thác, vận hành dẫn tới kết quả một số công trình cấp nước tập trung không hoạt động hiệu quả.

Bên cạnh đó, năng lực quản lý điều hành tại các nhà máy nước cũng hạn chế do đó việc kê khai thông tin công trình gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, tại huyện Tiên Lãng có 2/20 trạm (nhà máy nước mi ni) dừng hoạt động là Đại Thắng 1 (xã Đại Thắng) và Nam Hưng (xã Nam Hưng). UBND huyện đã nhiều lần có văn bản đề nghị sở chủ quản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) sớm “khai tử” cho 2 công trình này, giải quyết triệt để nhưng dẫn đến tồn tại, vướng mắc giúp nhân dân được sử dụng nguồn nước mới. Hoặc UBND xã Việt Tiến, huyện Vĩnh Bảo cũng đã có nhiều văn bản kiến nghị việc xử lý dứt điểm Nhà máy nước mi ni tại địa phương đã dừng hoạt động từ năm 2016 đến nay…

Hệ thống mương máng khu vực nông thôn ngoại thành đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm nhanh do rác sinh hoạt và nước thải

Theo ông Phùng Văn Thanh, Giám đốc Sở Xây dựng Hải Phòng, để giải quyết thực trạng Nhà máy nước mi ni không còn hoạt động, UBND thành phố kiến nghị Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết cách xác định giá trị còn lại, thời gian sử dụng còn lại của công trình, thời gian trích khấu hao công trình; hướng dẫn cơ chế chính sách hỗ trợ chủ đầu tư. Mặt khác, các bộ, ngành TW cần thống nhất, hướng dẫn đánh giá phân loại công trình hoạt động có hiệu quả, chưa hiệu quả để làm căn cứ phân loại giao cho các đơn vị có năng lực quản lý phục vụ người dân.

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông