Khảo sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về Chương trình OCOP tại Sở NN&PTNT

21:57 28/12/2023

Chiều 28/12, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố do đồng chí Lã Thanh Tân - Ủy viên Thành ủy, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Hải Phòng làm Trưởng đoàn đã có buổi khảo sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 tại Sở NN&PTNT. Cùng dự có đồng chí Đỗ Tràng Thành-Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố, đại diện lãnh đạo một số sở, ngành thành phố.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Hải Phòng Lã Thanh Tân phát biểu kết luận tại buổi khảo sát

Triển khai Chương trình OCOP, từ năm 2021 đến nay, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương trên địa bàn thành phố tổ chức 4 hội nghị cấp thành phố, 28 hội nghị cấp huyện tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện chương trình theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho cán bộ các sở, ngành có liên quan, cán bộ thực hiện chương trình cấp huyện, xã và các tổ chức, cá nhân có sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của các địa phương phát triển sản phẩm OCOP.

Tuy nhiên trong 2 năm 2021-2022, kinh phí thực hiện chương trình chủ yếu do các chủ thể đầu tư trong quá trình sản xuất, kinh doanh. 

Sau gần 3 năm thực hiện (2021-2023), Hải Phòng mới có 214 sản phẩm OCOP, đạt gần 64% so với mục tiêu Chương trình OCOP thành phố giai đoạn 2021-2025, nâng tổng số sản phẩm OCOP của thành phố hiện nay lên đạt 229 sản phẩm. Trong đó, có 134 sản phẩm 3 sao, 95 sản phẩm 4 sao trở lên).

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT phát biểu tại buổi làm việc

Hết năm 2023, toàn thành phố đã có 78 chủ thể (21 doanh nghiệp, 19 Hợp tác xã, 38 hộ sản xuất cá thể) tham gia chương trình. Triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, thời gian qua, ngành nông nghiệp thành phố đã tổ chức 55 hội nghị, các chương trình tham quan học tập kinh nghiệm, hội chợ xúc tiến thương mại các chương trình kết nối các sản phẩm tham gia chương trình; kết nối được 77 sản phẩm tham gia Chương trình xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP tại các tỉnh trên phạm vi toàn quốc, đưa 60 sản phẩm lên các trang thương mại điện tử.

Nhìn chung, Chương trình OCOP mới được triển khai trên địa bàn thành phố từ năm 2019 đến nay nên một số cán bộ thực hiện chương trình còn chưa nắm bắt được đầy đủ các nội dung chương trình. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn nên còn khá nhiều sản phẩm tiềm năng chưa phát triển thành sản phẩm OCOP. Việc phát triển sản phẩm OCOP chưa gắn với phát triển vùng nguyên liệu.

Trong khi đó, phần lớn các chủ thể gặp khó khăn trong việc lập hồ sơ tham gia chương trình, nhất là khó khăn trong việc lập phương án sản xuất kinh doanh hoặc viết câu chuyện sản phẩm. Công tác xúc tiến thương mại thiếu đồng bộ, chưa phản ánh rõ nét những ưu điểm nổi trội và nét độc đáo, đặc sắc của sản phẩm OCOP để xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho sản phẩm, gây ấn tượng đối với người mua; chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ riêng cho Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá, làm rõ những khó khăn, tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình. Từ đó, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai chương trình trong thời gian tới.

                       Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Đỗ Tràng Thành phát biểu tại buổi làm việc

Để đạt được mục tiêu phấn đấu từ năm 2023-2025, hỗ trợ phát triển sản phẩm, thực hiện đánh giá phân hạng và chứng nhận mỗi năm tối thiểu 70 sản phẩm OCOP, phát biểu kết luận, thay mặt đoàn khảo sát, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Hải Phòng Lã Thanh Tân, đề nghị Sở NN&PTNT tiếp thu các ý kiến đánh giá, góp ý của các thành viên trong đoàn khảo sát.

Phát huy vai trò là cơ quan thường trực, đồng chí đề nghị, sở tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho thành phố ban hành các cơ chế chính sách riêng cho chương trình OCOP; phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát lại, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động các chủ thể sản xuất có sản phẩm tiềm năng tham gia chương trình; thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát chất lượng các sản phẩm đã được công nhận OCOP định kỳ để các chủ thể sản xuất có ý thức nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Mặt khác, rà soát lại các văn bản, tổng hợp ý kiến của các địa phương về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình. Từ đó, tổng hợp, có văn bản báo cáo tham mưu, đề xuất với thành phố xem xét, có cơ chế chính sách hợp lý nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai chương trình trong thời gian tới…

KC

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích