Khi “cơn sốt” đất đi qua - Bài 2: Bi kịch từ đất

10:00 04/10/2023

Khi đất đai tăng giá, quyền lợi trực tiếp của người dân bị tác động, đó cũng là lúc nhiều vấn đề dần lộ diện, nhiều người, chỉ sau vài tháng là có thể thành tỷ phú nhờ đất tăng giá. Trước lợi ích, những người nhiều đất tranh thủ bán và kiếm được số tiền lớn. Về cơ bản người dân địa phương được lợi nhưng cũng từ đó những bất cập dần xuất hiện, mâu thuẫn gia đình ở một số nơi đã xảy ra, mất tình làng, nghĩa xóm và thậm chí là án mạng.

Đến nay người dân vẫn còn nhớ rõ vụ 3 anh em trai: Mai Văn Cường, sinh 1994, Mai Văn Phú, sinh 1995 và Mai Văn Thắng, sinh 1996, cùng trú tại thôn Trung Thanh Lang 1, xã An Thái, huyện An Lão, tìm đến nhà cô ruột là bà Mai Thị Thu D., sinh 1983, trú tại thôn Trần Thành, xã An Thọ, để nói chuyện về việc giải quyết tranh chấp đất đai trong gia đình. Hậu quả, sau cuộc xô xát, cả bà bà Mai Thị Thu D. cùng chồng là Nguyễn Đức N., sinh 1968 và em chồng là Nguyễn Đức H., sinh 1973, bị các cháu dùng hung khí đâm trọng thương phải nhập viện điều trị.

Chỉ vì tranh chấp đất đai mà nhiều người vướng vòng lao lý (Trong ảnh là các bị cáo trong vụ án hủy hoại tài sản xảy ra tại thôn 1, xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên)

Vì đất đai, trước đó không lâu, tại huyện An Dương, một nhóm người mang theo máy xúc đập tường quây của một hộ dân, giữa hai bên xảy ra xô xát khiến một người chết. Đó là trường hợp ông Nguyễn Văn Quyết, 35 tuổi, trú phường Quán Toan, quận Hồng Bàng, cùng hơn chục người khác mang theo máy xúc và gậy đến nhà ông Lưu Văn Điệp, 55 tuổi, ở thôn Khinh Dao, xã Tân Tiến, huyện An Dương. Khi chiếc máy xúc của nhóm ông Quyết đập đổ một mảng tường bao, 2 bên đã xảy ra xô xát, con trai ông Điệp là Lưu Văn Duy mang dao lao vào đánh nhóm của Quyết, còn nhóm của Quyết dùng gậy và hung khí tấn công lại nhóm ông Điệp, khiến 1 người tử vong trên đường đi cấp cứu.

Cũng vì tranh chấp đất đai, 7 người trong cùng một xóm ở xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên, đã phải lĩnh án vì tranh chấp rãnh thoát nước với 1 hộ dân. Đó là vào ngày 13/4/2018, gia đình bà Đỗ Thị Vân tiến hành xây dựng lại bức tường bao do đã xuống cấp, tiếp giáp với ngõ đi chung của các hộ dân ở xóm 2, xã Hòa Bình, thì một số người dân trong xóm không đồng ý vì cho rằng phần diện tích rãnh thoát nước, nằm phía trong tường bao không nằm trên diện tích gia đình bà Vân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thế là họ đã dùng xẻng, xà beng phá tường, dùng tay tháo dỡ phần tường còn ẩm, cạy nắp tấm đan cống thoát nước… Gia đình bà Vân đã dùng điện thoại quay lại toàn bộ cảnh những người dân trong xóm tháo dỡ tường bao của gia đình và giao nộp cho cơ quan Công an.

Sau đó, UBND huyện Thủy Nguyên xác định phần diện tích rãnh thoát nước nằm trong tổng diện tích được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình bà Vân; chi phí xây dựng bức tường và 7 nắp tấm đan là 16.368.900 đồng. Kết cục tháng 4-2022, TAND huyện Thủy Nguyên đã mở phiên tòa xét xử, tuyên phạt 7 bị cáo đều trú cùng thôn với bị hại với tổng mức án 63 tháng tù, cho hưởng án treo theo khoản 1, điều 178 Bộ luật Hình sự.

Gặp tôi vào cuối buổi trưa sau 2 cuộc họp liên tục, ông Trần Đức Hùng, Chủ tịch UBND xã Tân Dương (Thủy Nguyên) gãi gãi đầu nói: “Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu vốn đã nhiều việc, gần đây sốt đất xảy ra khiến nhiều việc nảy sinh, đội ngũ cán bộ công chức xã gần như không còn thời gian nghỉ ngơi”.

Theo ông Hùng, là xã ven đô, được lựa chọn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, hơn nữa theo quy hoạch, đến năm 2025 Tân Dương sẽ sáp nhập với xã Dương Quan trở thành phường trung tâm nên đất đai tại địa phương cũng tăng giá chóng mặt. Việc giá đất tăng so với trước đây, ngoài mặt tích cực là Nhân dân địa phương có lợi thì hệ lụy đi theo ngày càng nhiều, việc xây dựng nông thôn mới cũng bị ảnh hưởng. “Trước đây vận động người dân nhận đền bù, bàn giao mặt bằng phục vụ các dự án đã khó thì nay càng khó khăn hơn, nhất là khi tình trạng sốt đất xảy ra. Tất cả lãnh đạo, cán bộ xã đều làm việc gần như không có ngày nghỉ, dùng đủ mọi kênh, mối quan hệ để vận động người dân hiến đất làm đường nhưng với giá đất cao như vậy, việc vận động của chúng tôi chưa bao giờ là dễ dàng”, ông Hùng bộc bạch.

Ngoài vấn đề nói trên, từ khi đất đai tăng giá, đơn từ người dân gửi lên nhiều hơn bình thường, các vụ việc tranh chấp đất đai tăng cao, tình nghĩa làng xóm đôi lúc đi xuống, nội bộ một số gia đình bất hòa vì liên quan đến tranh giành quyền lợi. Đơn cử như mới đây, có trường hợp hy hữu khi xảy ra việc 2 anh em tại một xã của huyện An Dương dùng gạch chia đôi đường đi do mâu thuẫn mà nguyên nhân sâu xa cũng vì đất đai mà ra. Sự việc sau đó được chính quyền địa phương hoà giải tuy nhiên đã phần nào phản ánh thực trạng còn nhiều mâu thuẫn tiềm ẩn tại các làng quê liên quan đến đất đai, khi tài sản này lên giá.

Đó là ở xã phường, còn ở “tầm” quận huyện, cơn sốt đất cũng khiến cho nhiều người đưa ra những đòi hỏi, yêu sách trong đền bù giải phóng mặt bằng dù đã được giải quyết tối đa quyền lợi theo pháp luật. Đúng có, sai có và vô lý cũng có,… tất cả đều vì lòng tham trước lợi ích quá lớn.

Một cán bộ Trung tâm Quỹ đất huyện Thủy Nguyên chia sẻ, thời gian qua trên địa bàn huyện triển khai xây dựng hàng loạt dự án, công trình công như: Tuyến Đường 359, dự án hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Bắc sông Cấm, đường Máng Nước, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở các xã... Áp lực trong công tác GPMB đặt lên vai đội ngũ cán bộ công chức của huyện là rất lớn. Dù vậy có những trường hợp dù đã giải quyết “thấu tình đạt lý” nhưng kiến nghị, đơn từ họ cứ phô tô ra rồi gửi đi khắp nơi, có người gửi đơn lên cả Trung ương, sẵn sàng làm mọi cách để có thêm quyền lợi đất tái định cư. Theo vị cán bộ này, có những nơi trước đây đất đai “cho không ai lấy, tặng không ai nhận” và nhiều hộ dân sinh sống tại đây tuyệt nhiên không có giấy tờ mua bán hay chứng nhận quyền sử dụng đất. Vậy nhưng từ khi có dự án triển khai, giá đất vọt lên đến vài chục triệu/m2, nhiều hộ bỗng dưng có tiền tỷ trong tay và trở thành đại gia, có nhà cao cửa rộng, có vốn tích lũy”.

Lợi ích quá lớn mà phía người dân cũng nghĩ đủ chiêu trò để hòng được lợi. Ví như con cái đi làm ăn đã lâu năm, thậm chí đã ở nước ngoài nay bỗng dưng trở về để có đất tái định cư. Rồi có những hộ ngoài việc được đền bù tiền tỷ, sau khi nhận các lô đất tái định cư họ bán đi kiếm “lúa non” nhưng sau đó lại đòi nhà nước cấp thêm lô đất tái định cư nữa. (?!)

Tìm hiểu của phóng viên Chuyên đề An ninh Hải Phòng tại một số xã ở huyện Thủy Nguyên, qua xác minh của cơ quan chức năng mới thấy như phản ánh. Như tại xã Dương Quan, nơi đang có dự án lớn đi qua, có trường hợp hộ dân yêu cầu chính quyền phải tính cả nghìn m2 đất của gia đình họ đang sử dụng là đất ở hoặc phải được bố trí thêm các suất đất tái định cư thì mới đồng ý bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án. Rồi có những gia đình “bỗng dưng” ly hôn, hoặc ngược lại có những cuộc hôn nhân vội vàng kèm theo đó là yêu sách cần bố trí thêm suất đất tái định cư. Trong trường hợp nếu không được đáp ứng thì đơn thư tiếp tục được rải đi khắp nơi, trong đó hầu hết là những kiến nghị không có căn cứ được gửi từ những người đã nhận tiền đền bù hoặc những người sống tại địa phương nhưng không thuộc đối tượng được hưởng quyền lợi. Những trường hợp như vậy cơ quan chức năng đều thận trọng xác minh các yếu tố về thời điểm, nguồn gốc đất, nhân hộ khẩu… để áp dụng chính sách đảm bảo chính xác, công bằng.

Liên quan đến vấn đề này, với quan niệm “tấc đất tấc vàng”, hầu khắp các làng quê người dân sẵn sàng bất chấp pháp luật để xâm lấn đất nông nghiệp, lấn kênh mương làm đường để bán đất hoặc thậm chí thuê đất hành lang đê điều để xây dựng công trình trái phép hoặc đón đầu quy hoạch, chờ “cơ hội” hợp thức hóa thành đất ở. Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thủy Nguyên, để lập kỷ cương, đảm bảo nghiêm minh của pháp luật, thời gian qua huyện đã xử lý nhiều trường hợp hộ gia đình, cá nhân có các hành vi vi phạm về đất đai như chiếm đất, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất trên địa bàn.

Điển hình như công trình ước giá trị hơn 10 tỷ đồng của ông Nguyễn Đăng Công tại thôn 1, xã Quảng Thanh, vi phạm đất nông nghiệp trồng cây hàng năm khác do địa phương quản lý. Huyện Thủy Nguyên đã kiên quyết tiến hành cưỡng chế công trình vi phạm. Hay như trường hợp tự ý chiếm đất của ông Trịnh Văn Kiên, tại 2 xã Hòa Bình và Thủy Đường đã tự ý sử dụng, xây dựng công trình trái phép (bể bơi, nhà hàng, quán cà phê…) trên đất nông nghiệp do Nhà nước giao đã được thu hồi để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại, văn phòng, chung cư, biệt thự cao cấp bán và cho thuê, khách sạn 5 sao và khu ẩm thực chợ đêm do Công ty TNHH phát triển bất động sản Thành Công làm chủ đầu tư.

Cụ thể, ông Kiên xây dựng công trình và sử dụng trên 7 thửa đất (trong đó 2 thửa ở xã Hòa Bình, 5 thửa ở xã Thủy Đường) với tổng diện tích 2.906,4 m2. Các diện tích đất này từ năm 2011 đã thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ và giao cho UBND các xã Hòa Bình và Thủy Đường quản lý. Để giữ nghiêm kỷ cương pháp luật trong quản lý nhà nước về đất đai, ngày 28/7/2023, lực lượng chức năng huyện đã triển khai cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính về đất đai. Mới đây nhất là trường hợp của ông Trần Văn Thuấn, ở thôn 1, xã Thủy Triều có hành vi xây dựng gần 924m2 nhà xưởng trên đất nông nghiệp. Về nguồn gốc, diện tích đất trên được nhà nước giao theo Quyết định 03 và một phần do gia đình ông Thuấn nhận chuyển nhượng lại đất trồng cây hàng năm của các hộ dân xung quanh từ năm 2010.

THỦY NGUYÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích