Khi họa sỹ làm nghề dạy học

10:28 18/11/2018

Không chỉ dạy “để cho biết”, những thầy cô giáo - họa sỹ đã luôn đổi mới phương pháp dạy, đưa môn Mỹ thuật trong nhà trường trở thành những tiết học đầy khám phá, thú vị. Trong những tiết học này, học sinh là “chủ thể” được mặc sức sáng tạo, được sự góp ý của những người họa sỹ đã có nghề để vươn tới vẻ đẹp hoàn hảo, góp phần bồi đắp tâm hồn, giải tỏa căng thẳng tâm lý học tập của các em…

Lớp học Mỹ thuật của cô Bảo Châu đi trải nghiệm phục vụ sáng tác

Mỹ thuật không chỉ là… “môn phụ”

Trần Bảo Châu là một nữ họa sĩ tiêu biểu trong phong trào sáng tác mỹ thuật thành phố Cảng. Con đường đến với mỹ thuật của chị là một chặng đường dài nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ. Đến nay, họa sĩ Trần Bảo Châu thường xuyên tham gia và đã có hàng chục tác phẩm được trưng bày tại các triển lãm mỹ thuật của thành phố, của khu vực Đồng bằng sông Hồng. Đặc biệt, năm 2017, tham gia Triển lãm tranh màu nước quốc tế lần thứ 2 tại Việt Nam, nữ họa sỹ Hải Phòng Trần Bảo Châu là tác giả có 1 trong 3 tranh được trao giải thưởng. Ngoài ra, cô có một số tác phẩm được trưng bày tại Ý, nhiều tác phẩm nằm trong bộ sưu tập của các nhà sưu tầm tranh nước ngoài…

Tranh vẽ biểu diễn ca trù đẹp hơn nhiều sau khi các học trò được đi trải nghiệm sáng tác

Điều ít ai biết là nữ họa sỹ này lại là cô giáo Mỹ thuật tiêu biểu của quận Ngô Quyền, đã có 15 năm tuổi nghề và hiện dạy học tại Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu. Nói về việc dạy Mỹ thuật trong các nhà trường, cô giáo - họa sỹ Trần Bảo Châu khẳng định, trong ngành giáo dục quận Ngô Quyền hiện nay môn Mỹ thuật nói riêng và các môn văn - thể - mỹ nói chung đã không còn nhạt nhòa, chỉ đóng vai trò một môn phụ như trước nữa.

Các học sinh của cô Bảo Châu hào hứng học Mỹ thuật tại nhà bảo tàng hoặc các di tích

Thay vào đó, bên cạnh việc học các môn Toán, Lý, Hóa có phần khô cứng thì các em được quyền yêu thích và bay bổng khi lồng ghép việc học kiến thức với chủ động, sáng tạo khi học các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Văn hóa - thể thao. Đây cũng là một cách làm hay, thiết thực của quận Ngô Quyền trong thực hiện chỉ đạo của Trung ương và thành phố trong đổi mới phương pháp dạy hướng tới người học để học sinh phát triển toàn diện.

Một trong những khó khăn khi dạy môn Mỹ thuật cho học sinh là đòi hỏi các em có kiến thức thực tế qua các hoạt động trải nghiệm trước khi sáng tạo nghệ thuật trong khi đa số các học sinh nội thành, ít có điều kiện tham quan, dã ngoại tìm hiểu khung cảnh phố thị chứ chưa nói các làng quê. Để các em có thể hoàn thành tốt các bài tập theo chương trình học, cô giáo Bảo Châu trước khi giao thường yêu cầu học sinh tự tìm hiểu kiến thức bằng cách hỏi người thân, các thầy cô khác, tìm hiểu sách báo, internet, thậm chí tìm kiến thức trên đường tới trường.

Những buổi học dã ngoại thường được cô giáo - họa sỹ Bảo Châu tổ chức cho các trò nhỏ

Có được tìm hiểu kiến thức trước, học sinh sẽ hiểu rộng hơn để hoàn thành các bức tranh đẹp, có thể chất vấn lại giáo viên trong các phần kiến thức còn chưa hiểu rõ. Đến với lớp học vẽ của cô giáo Bảo Châu, không chỉ khô cứng trong việc “cô đọc- trò ghi” và những bài học thuộc lòng dài đằng đẵng mà các em được thưởng thức các hình ảnh bằng clip ngắn, được trao đổi vấn đáp về hoạt động nghệ thuật giúp khơi gợi cảm xúc cho học sinh - một trong những điểm cần thiết để các em có tư duy nghệ thuật.

Sự trong sáng nét vẽ học sinh tạo cảm hứng cho họa sỹ

Họa sỹ Đào Song Thắng có “điểm riêng” trong giới Mỹ thuật Hải Phòng đó là một tài năng trẻ về tạo hình gò đồng và là một “phù thủy” trong dùng những gam màu rực rỡ vào tranh vẽ. Trong những năm gần đây, anh có nhiều tác phẩm tham gia các triển lãm mỹ thuật thành phố, khu vực và cả nước.

Xem tranh của Đào Song Thắng có thể thấy sự đan xen của nghệ thuật gò đồng truyền thống với mỹ thuật đương đại, sự mộc mạc, say đắm của tranh dân gian với vẻ đẹp tròn đầy của phương Tây đã được người nghệ sỹ cảm nhận, hòa luyện sắc thái hài hòa, hình thành nên một phong cách riêng.

Lớp học Mỹ thuật của thầy giáo - họa sỹ, nghệ nhân gò đồng Đào Song Thắng luôn thú vị, hấp dẫn học sinh

Toàn những gam “nóng” như đỏ, cam, hồng tím, vàng chói, xanh chuối…, cách dùng màu khá đặc biệt trong tranh vẽ của Đào Song Thắng có một phần nào đó bắt nguồn từ việc họa sỹ này cũng là một thầy giáo dạy Mỹ thuật của quận Hồng Bàng. Theo thầy Thắng, dạy Mỹ thuật không đơn giản chỉ là dạy văn hóa, đào tạo ra họa sỹ nhí mà là dạy các con dần tiếp cận với cái đẹp. Mỗi con có một tính cách khác nhau, tâm hồn khác nhau. Cách dạy rập khuôn, máy móc thì sẽ làm hỏng các con.

“Đôi khi, chính những nét vẽ hồn nhiên của tuổi thơ là một sự “tam sao thất bản” tuyệt vời mà chính các họa sỹ cũng phải nắm bắt, trở thành ý tưởng mới cho tác phẩm của mình”, Đào Song Thắng nói. Và, anh cũng cho rằng, không phải là người giỏi đã dạy giỏi mà cần có khả năng sư phạm thích hợp, nhất là phải thực sự yêu quý, đồng điệu với tâm hồn và có niềm tin vào các con.

Ví dụ điển hình là một học trò anh đã từng dạy. Ban đầu, anh phát hiện học trò này rất có tư chất, năng khiếu song lại có phần thờ ơ, không ham vẽ. Qua tìm hiểu phía phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm, thì ra nguyên nhân là do một “sự cố” trước đó em gặp phải. Tại một cuộc thi vẽ trước đó, em đã phải “vẽ lại” tác phẩm của một bạn khác và gửi dự thi. Sau đó, tuy tác phẩm cũng được giải nhưng cả em và bạn có tác phẩm để em vẽ lại đều không thấy hào hứng với môn Mỹ thuật nữa… Nắm được nguyên nhân, thầy Thắng đã tiếp cận, động viên dần, có cách dạy riêng để em lấy lại niềm đam mê. Hiện nay, học trờ này đã trưởng thành và trở thành một nhà thiết kế nổi tiếng...

Thầy Đào Song Thắng cho rằng những nét vẽ trẻ thơ là sự "tam sao thất bản" tuyệt vời của cuộc sống

Nhiều năm là giáo viên của một trường công, mới đây, Đào Song Thắng chính thức thử sức mình chuyển sang dạy trường quốc tế tại Trường phổ thông liên cấp Vinschool. Ở môi trường giáo dục mới, Đào Song Thắng đang xây dựng chương trình dạy cho các học trò, trong đó phát huy thế mạnh của từng em để truyền tải kiến thức được nhiều hơn, sâu hơn với những tiết mỹ thuật đa dạng, như: nặn tượng, nặn tò he, thiết kế thời trang, trang trí mặt nạ…

Đặc biệt, anh cũng mong muốn truyền nghệ thuật gò đồng cho học sinh không phải thành nghệ nhân, mà để rèn tính kiên trì, cung cấp kỹ năng bổ trợ trong cuộc sống như: biết dùng búa, dùng cơ khí khắc phục những hỏng hóc nhỏ, thường nhật trong chính ngôi nhà của mình…

Cô giáo của nhiều cô Hiệu trưởng

Nữ họa sỹ Bùi Thanh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nữ họa sỹ Hải Phòng là một họa sỹ tài hoa, thiên về vẽ tranh lụa. Chủ đề yêu thích của bà là tranh thiếu nữ, nhưng khá đặc biệt là dù đề tài gì thì mỗi bức tranh thường được vẽ thêm hoa đủ loại. “Có lần, họa sỹ Mạnh Cường hồi anh còn sống, có xem phác thảo của cô đã phải thốt lên: “lại có hoa!”.

Khi đó, cô nghe câu chuyện một cô gái thương binh, trở về từ chiến trường đã mang thai và sinh con. Tư thế người mẹ thương binh âu yếm cho con bú trong tư thế khó khăn đã tạo cảm hứng cho bức tranh mới, tuy nhiên trong tranh vẫn có thêm nhành hoa giấy…”, bà Thanh chia sẻ.

Nét vẽ mỏng manh như sương khói trên lụa với lối vẽ hoài cổ, giản dị, nhẹ nhàng cũng thể hiện sự dịu dàng của người giáo viên nhiều năm trước dạy môn Mỹ thuật ngành học mầm non của trường Cao đẳng Sư phạm Hải Phòng (nay là trường Đại học Hải Phòng).

Tốt nghiệp ngành sư phạm nhạc - họa trung ương khóa 70-73, bà Bùi Thanh về dạy khoa Mầm non của trường Cao đẳng Sư phạm Hải Phòng với việc dạy các giáo viên tương lai kiến thức cơ bản và dạy làm thủ công, tạo hình đồ chơi. Đây là một môn vô cùng quan trọng của các cô mầm non.

Họa sỹ Bùi Thanh và học trò tại một phòng tranh tại Hải Phòng

Sau gần 10 năm giảng dạy ngành sư phạm mầm non, các thế hệ học trò của bà Bùi Thanh nhiều người đã trở thành cô giáo mầm non giỏi, đặc biệt trong đó có các cô giáo Hiệu trưởng nhiều trường mầm non uy tín trên địa bàn thành phố như: cô Lưu Nguyệt, nguyên hiệu trưởng Trường mầm non 1 (quận Hồng Bàng), cô Hồng Hạnh, nguyên hiệu trưởng Trường mầm non 1-6 (quận Lê Chân), cô Hưng, Hiệu trưởng mầm non Sao sáng...

Nhiều học trò có năng khiếu và đam mê đã trở thành các nghệ sỹ tên tuổi, có thể kể đến, như: Mai Huy, Trần Tuấn - họa sỹ tranh sơn dầu trại Hà Nội, Song Thắng nổi bật về gò đồng, Hoàng Hà nổi tiếng về thiết kế Mỹ thuật…

Những ngày tràn ngập không khí tôn vinh, chúc mừng các nhà giáo trên cả nước này, niềm vui của những nhà giáo - họa sỹ không chỉ là những giải thưởng, những bức tranh giá trị tại các triển lãm uy tín mà còn là danh sách các học trò của mình đang thành công trong cuộc sống nhờ những kiến thức đã học trên ghế nhà trường được ứng dụng hữu hiệu trong cuộc sống hôm nay.

HẢI HẬU

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích