Khởi động thị trường mùa du lịch

14:43 09/04/2022

Dịp nghỉ giỗ Tổ Hùng Vương theo chế độ năm nay rơi vào đúng ngày định kỳ của tuần, tạo thành chuỗi liên tiếp 3 ngày nghỉ (tính cả thứ Bảy, Chủ nhật và ngày nghỉ bù thứ Hai). Đáng chú ý, chỉ còn hơn hai tuần tiếp theo là đến dịp nghỉ ngày Giải phóng 30-4 và Quốc tế lao động 1-5, cũng là dịp khởi đầu mùa du lịch biển của Hải Phòng theo thông lệ hàng năm, thực sự là yếu tố quan trọng để kích cầu thị trường.

Nhiều loại thực phẩm tại các siêu thị cũng được điều chỉnh tăng giá

Rục rịch tăng giá đợi giờ… G

Trên thực tế những vụ trước, nếu không bị tác động của dịch bệnh Covid-19 thì mùa du lịch của Hải Phòng đã bắt đầu từ 1-4 vừa qua, với những hoạt động hoành tráng nằm trong khuôn khổ kỷ niệm Ngày Bác Hồ về thăm làng cá Cát Bà, đồng thời cung là kỷ niệm Ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam...

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, năm nay các hoạt động liên quan đến sự kiện này tại Cát Bà chưa được tái động, dù những ngày qua lượng khách đến Cát Bà đã bắt đầu tăng mạnh. Theo một số liệu thống kê, chỉ trong nửa đầu tháng 3 vừa qua tổng lượt khách du lịch đến Cát Bà đã đạt khoảng trên 5.000 lượt, cùng với đó là sự khởi sắc của thị trường hàng hóa cũng như các dịch vụ liên quan ở một trong những trung tâm du lịch lớn nhất cả nước.

So với trước kia, khoảng cách về không gian giữa Cát Bà với nội thành không còn đáng kể, nhất là từ khi cầu Tân Vũ đã đưa đảo Cát Hải về với đất liền. Chính vì vậy, khi thời gian qua UBND TP liên tục ban hành các văn bản liên quan đến việc mở cửa trở lại các hoạt động trong trạng thái bình thường mới, diễn biến của thị trường hàng hóa vùng du lịch đã ngay lập tức tác động tới thị trường chung toàn thành phố.

Theo một tiểu thương ở chợ Ga chuyên kinh doanh thủy sản, thì mấy ngày qua, biến động giá thủy sản tại khu vực chợ truyền thống nội thành đã bắt đầu rõ nét. Tạo dấu ấn mạnh nhất có lẽ là các mặt hàng hải sản diện đặc sản, vì nhu cầu cho ẩm thực du lịch tăng cao theo thông lệ.  

Chỉ tính riêng khu vực chợ Ga, tiểu thương này cho biết: “Có bao nhiêu hàng ngon, khách hàng họ về đặt lấy hết…”. Giải thích về điều này, cũng theo tiểu thương này là do tâm lý du khách, họ ngại đến các nhà hàng ở khu du lịch bị “chặt chém” nên rất nhiều người đã chủ động mua sắm trước đồ thực phẩm theo phương thức “tự cung”.

Bên cạnh đó, vì lo biến động nguồn cung dịp nghỉ giỗ Tổ Hùng Vương, nên nhiều nhà hàng trong nội thành cũng tích trữ sớm, dẫn đến một số loại đặc sản tăng giá bình quân tới 15%.  Những mặt hàng bán chạy như cua biển, ghẹ tươi đang được bán từ 380.000 đồng/kg (loại thịt) và 480.000 đồng/kg (loại gạch), mực ống tươi cũng tăng từ 190.000 đồng lên 220 nghìn đồng/kg, ngao từ 25.000 đồng lên 30.000 đồng/kg…

          Dù không bằng hải sản nhưng hầu hết các nhóm hàng khác cũng đang có giá khá cao. Nhóm rau hiện đã phong phú hơn trước nhưng cũng chỉ giảm nhẹ ở một số loại rau có lá đang chính vụ.

Nhóm hoa quả tăng mạnh gồm những loại chứa nhiều nước mát như dứa từ 7.000 đồng lên 10.000 đồng/quả, dưa hấu 8.000 đồng lên 10.000 đồng/kg, xoài cát Bồ từ 20.000 đồng lên 25.000 đồng/kg… tuy nhiên so với thủy sản, nguồn cung rau quả cơ bản vẫn dồi dào.

Ở phân khúc khác, một số thực phẩm chế biến, đồ giải khát và thực phẩm liên quan cũng tăng giá, đơn cử như đường kính tăng bình quân 5%, bia và nước ngọt tăng bình quân 10%, thủy sản sơ chế đông lạnh tăng từ 5% đến 10%...

Thủy sản tươi sống đã tăng giá trở lại

Chuyển hóa theo dây chuyền

Theo ông Đào Quang Sơn- quê ở Kiến Thụy, người chuyên chạy hàng thủy sản cung cấp cho khu vực nội thành, thì hiện tại các đầu mối lớn cũng như nhiều nhà hàng ở Đồ Sơn và Cát Bà đang thu mua hàng để cấp đông, chờ đến dịp nghỉ lễ. Các đầu mối bán lẻ vẫn nhận được hàng nhưng chủ yếu theo sự ràng buộc bất thành văn, là để bán giữ chỗ với khách.

          Theo kinh nghiệm của ông Sơn, dù tăng giá nhưng thực phẩm dịp giỗ Tổ Hùng Vương cũng chỉ mang tính cục bộ, vì dù du lịch đã khởi động nhưng đỉnh giá sẽ được thiết lập vào dịp 30-4 và 1-5, khi có tác động cộng hưởng từ khai mùa du lịch Đồ Sơn.

Bởi năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 30-4 khi khách du lịch đổ ào ào về các trung tâm, cuộc đua tiêu tiền khiến các “thượng đế” vung tay ở bất cứ giá nào, nên thủy sản luôn tăng với mức chóng mặt. Có thể hiểu là, không khí rạo rực của thị trường thủy sản giai đoạn này chỉ là liều “thuốc thử”, cho những ngày “phát nhiệt” sắp tới.

Cũng theo thông lệ, khi các loại đặc sản được xếp hạng bắt đầu “lên sàn”, thì luồng tiêu thụ thiết yếu buộc phải chuyển sang các loại bình dân hơn. Chính vì thế, mấy ngày gần đây giá một số loại thủy sản khác đã bắt đầu tăng, như cá nục tăng từ 35.000 đồng lên 40.000 đồng/kg, cá thu đàn từ 45.000 đồng lên 48.000 đồng/kg, cá thu vẩy từ 60.000 đồng lên 65.000 đồng/kg…

Rẻ như các loại tôm sắt, tôm vàng vốn dĩ luôn được bán dưới 90.000 đồng/kg để bóc nõn cấp cho các hàng ăn vỉa hè, nay cũng từ 100.000 đồng/kg trở lên. Bên cạnh đó, một số loại hàng bình dân khác tăng giá lại một phần do nhu cầu thời tiết, chẳng hạn giá cua đồng đang được bán tới 140.000 đồng/kg, cáy hôi 90 nghìn đồng/kg…

Cũng vì nguyên nhân cộng hưởng giữa mùa nghỉ và thời tiết nắng nóng, nhờ ưu thế có hệ thống bảo ôn, một số siêu thị cũng đã điều chỉnh tăng giá các mặt hàng thủy sản cả tươi sống lẫn đông lạnh, so sánh cùng một loại chất lượng thì hàng trong siêu thị hiện đang cao hơn bên ngoài từ 15% đến 20%. Đây cũng là kênh so sánh đáng quan tâm, để những người thu nhập thấp có điều kiện mua sắm thích hợp hơn.

Tựu chung là, sau dịp nghỉ giỗ Tổ Hùng Vương, tiếp đến là dịp nghỉ Quốc tế lao động 1-5, kết hợp với mùa nghỉ mát bắt đầu, ngoài sức hút của các tụ điểm ăn chơi, nhiều người sẽ có chương trình khác như về quê sum họp, hội lớp, hội ngũ… nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sẽ tăng cao.

Dẫu vậy, vẫn có một vài phân khúc lại lo bị ảnh hưởng, nhất là dịch vụ ăn uống quy mô nhỏ. Lý do được một chủ hàng cơm ở đường Lạch Tray đưa ra là: “Dịp nghỉ giỗ Tổ năm này dài tới 3 ngày chắc chắn khách vắng hơn vì sinh viên, công nhân nghỉ về quê, mà giá thực phẩm cao bán cũng chẳng có lãi…”.

Vấn đề đặt ra là khi các mặt hàng đặc sản lao vào luồng xoáy, chắc chắc những mặt hàng khác cũng khó tránh khỏi tác động, kể cả rau quả, đồ khô, đồ uống… và cả liên quan đến chất lượng vệ sinh an toàn sản phẩm nữa.

Đây có lẽ cũng chính là đợt thử thách tinh thần trách nhiệm của các nhà phân phối cũng như trình độ của các nhà quản lý.

          Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích