15:03 28/06/2014
Những ngày qua, nhiều người dân trong nội thành bày tỏ băn khoăn bởi có thời điểm thành phố ngập trong những mảng khói trắng bảng lảng như sương mù. Đó không phải là một khung cảnh lãng mạn mà điều khiến nhiều người lo là khói độc được xả ra từ một nhà máy nào đó… Chân run run giữa đồng lúa khói… Một người bạn gọi điện cho tôi với giọng đầy tâm trạng: “Nhà báo ơi, khói ở đâu ra mà nhiều thế…”. Tôi cũng đang lăn tăn và chợt nghĩ đến hoàn cảnh tương tự của Hà Nội, đã được báo chí đề cập đến, nên mạnh dạn trả lời: “Là khói rơm từ ngoại thành bay vào, chứ nhà máy nào mà lắm khói thế”. Quả thật, dù trời vẫn nắng oi ả nhưng không có cảnh cao xanh trong vời vợi, thay vào đó là màn khói trắng đục phủ kín cả thành phố. Trên mạng xã hội mọi người nhao nhao bình luận, có người ví Hải Phòng như là xứ sương mù Anh quốc. Một người hàng xóm cao tuổi ngước mắt nhìn mấy ngọn cây, rồi lập luận rằng: “Thời tiết thay đổi, hầu như không có gió đông, nội thành nằm ở giáp biển thì đúng là khói ở ngoại thành hướng tây và tây nam tràn vào rồi…”. Thấy có lý, tôi lấy xe phóng về hướng Tây, qua huyện An Dương, thử tìm một cảm giác mới lạ khi rời chốn đô thị phồn hoa, ngâm nga lời hát “Em đi giữa biển vàng, nghe mênh mang trên đồng lúa hát…”. Nhưng cố mãi chẳng có cảm xúc, bởi mới đi vài cây số đã thấy khói bốc lên nghi ngút khắp các cánh đồng. Cũng may, hướng tôi đi đều qua các xã trồng màu, diện tích cấy lúa nhỏ nên những đụn khói cũng nhỏ, xem ra bằng chứng chưa đủ sức thuyết phục.
Chỉ đến khi vượt qua cầu Trạm Bạc, sang địa phận An Lão, vấn đề mới có vẻ rõ nét, lúc này nếu hát được có lẽ phải biến tấu là “chân run run giữa đồng lúa khói…”. Từ các đường giao thông liên thôn đến nội đồng, từ bờ thửa đến mép ruộng, từng đống rơm lổm nhổm đang âm ỉ tuôn khói. Cả vùng nông thôn ngun ngún, nhìn như cảnh quay của một bộ phim chiến tranh đang được dàn dựng. Đi từ núi Voi, qua đường 10 cũ rẽ vào huyện lộ 304 (một trong những đường xuống cấp nhất của thành phố), suốt chặng gần 30 cây số, không khu vực nào không có vùng rơm bị đốt. Khi được hỏi, một nông dân ở xã Thái Sơn trả lời có vẻ lảng tránh: “Máy tuốt họ phun ra, rơm chất đống nên bọn trẻ trâu nó nghịch đấy mà…”. Nhưng một người khác nói không e dè: “Đốt cho nó gọn chứ giờ rơm có dùng làm gì nữa đâu?”. Vòng sang huyện Kiến Thụy, tôi đi tắt con đường từ xã Thuận Thiên, qua Du Lễ về xã Kiến Quốc. Theo quan sát, khu nào đường nhỏ máy tuốt lúa khó vào thì số rơm cũng nhỏ, nhưng chỗ đường lớn bãi rộng, rơm tích lại có đống cao như núi. Con đường liên xã trải nhựa đủ đề hai ô tô nhỏ tránh nhau, nhưng có lúc tôi phải xuống xe dắt lượn sát bờ ruộng để tránh những đống lửa đang nhả khói giữa đường. Ở đây, tôi gặp một bác chạy máy tuốt lúa, đang loay hoay bốc rơm tươi phủ vào đống rơm đang cháy để lấy chỗ kéo chiếc máy tuốt chạy qua. Thấy vậy, tôi nhảy xuống trợ giúp, nghe bác cằn nhằn: “Dân mình bừa bãi, mang tiếng đường rộng mà chẳng có chỗ mà đi…”. Vừa kéo xe bác vừa nói tiếp: “Năm ngoái con gái tôi đi làm về vượt qua đúng chỗ này, mất phương hướng lao xuống ruộng đấy!”. Tôi hỏi: “Thế sao lúc tuốt lúa cho bà con, bác không bảo họ cho gọn vào một chỗ?”. Bác ậm ừ: “Thì cũng bảo nhiều nhưng đa số họ tiện đâu làm đấy thì biết làm sao được…”. Tưởng là cũ, hóa ra là… văn hóa mới Ngày trước, rơm được coi là một thứ của cải không thể bỏ phí của nhà nông. Tôi còn nhớ lúc nhỏ, vào vụ mùa thì hôm nào cũng phải dậy rất sớm, vác quang gánh ra sân kho HTX nhận phần rơm được chia của gia đình mình. Rơm loại đẹp để bện chổi, loại vừa vừa làm thức ăn cho trâu, loại xấu băm trộn thành chế phẩm phân hữu cơ, trát vách nhà và đun bếp, chưa kể mùa đông còn được vò lại làm đệm giường để ngủ… Còn bây giờ, chẳng ai làm những việc ấy nữa, rơm đã chấm dứt vai trò “lịch sử” và trở thành vô dụng, nên mấy năm nay nó bị đốt bỏ. Nghĩa là “văn hóa” đốt rơm mới chỉ xuất hiện và nhanh chóng trở nên phổ biến.
Cứ mỗi mùa gặt có việc về nông thôn lại lo ngay ngáy, vì đi bất cứ đường nào cũng bắt gặp bà con tuốt lúa. Có nhà chở lúa về làng thì cũng chỉ được đến ngõ, và cứ thế thản nhiên bắc máy cho lúa vào “xay”, phun rơm vượt qua đường, bất biết những người khác đi lại thế nào. Số khác tuốt lúa ngay ngoài đồng, chỗ nào tiện là tuốt, tuốt xong là đốt rơm. Tôi đi từ xã Kiến Quốc về thị trấn Núi Đối (Kiến Thụy), đoạn đường mới được đưa vào sử dụng trên tuyến nâng cấp thành tỉnh lộ 362, dài chừng 2km mà có tới gần chục điểm bà con tuốt lúa, đường rộng mà có chỗ không có lối cho xe qua. Gặp một cán bộ huyện ở thị trấn Núi Đối, anh than thở: “Nghe kêu nhiều lắm rồi, trước vụ mùa năm nào cũng nhắc địa phương nhưng chẳng có kết quả gì, ai cũng chỉ biết được việc mình…”. Theo anh cán bộ này, rơm chất đống chỉ hơi khô toan hoái, đốt không cháy hẳn mà ngún nên mới nhiều khói, có đống lớn cháy cả tuần không hết. Ảnh hưởng do cản trở giao thông trực tiếp đã rõ, ô nhiễm môi trường cũng đã rõ, mà ngay những con đường có khi vừa mới hoàn thành đã bị nhiệt độ của những đống rơm làm biến dạng, thêm vài trận mưa là biến thành ổ trâu, ổ voi. Hóa ra chất lượng đường không hẳn chỉ do thi công ẩu, mà lỗi một phần do chính những người nông dân đang hủy hoại. Trên đường về, đã sát đến nội thành vẫn thấy vài nông dân bình thản châm lửa “thui” rơm, nhớ lời anh cán bộ huyện, tôi dừng lại hỏi một bác ở trên đoạn kênh Hòa Bình (Kiến Thụy): “Bác đốt thế này xã không cấm à?”. Bác cười tươi: “Chả thấy ai cấm, mà chẳng nhẽ không đốt thì cứ đánh đống để đấy à?”. Nhìn ra khoảng cách đồng rộng ngút hết tầm mắt, cơ man không biết bao nhiêu “ngọn núi lửa” vẫn tiếp tục nhả khói, mới thấy, nếu đúng khung cảnh “sương mờ” của nội thành mấy ngày qua là do khói lúa tạo nên thì xem ra thế vẫn còn may. Bởi cả mùa thu hoạch lúa kéo dài hàng tháng, riêng vụ chiêm xuân theo báo cáo của Sở NN&PTNT, diện tích cấy đã là 54.436,8ha, nếu không nhờ gió Đông lùa từ biển vào thì có lẽ nội thành không còn nơi trú ẩn Nhưng buồn hơn, nếu tình hình này không được cải thiện, thì chả nhẽ bà con đem nét văn hóa này để chọi lại với nỗ lực phấn đấu xây dựng thành phố xanh, du lịch xanh, nông thôn mới hay sao. Dường như những mục tiêu kia vẫn vời vợi giống như khói lúa mịt mù, khi mà chúng ta chưa “xanh hóa” được cộng đồng. Phóng sự của Gia Lê |