09:36 30/04/2022 Càng gần đến dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, không khí thị trường dịch vụ càng thêm rạo rực. Bởi đây cũng là thời điểm khởi mùa du lịch biển, mọi cánh cửa đều được mở trở lại sau thời gian đóng kín vì dịch bệnh Covid-19. Tiếp theo dịp này, Hải Phòng còn nhiều sự kiện hướng tới kỷ niệm 67 năm Ngày giải phóng Hải Phòng và các hoạt động trong khuôn khổ SeaGames 31, sự cộng hưởng này thực sự là chuỗi cơ hội để phân ngành dịch vụ trở lại thời hoàng kim.
Du lịch Đồ Sơn kỳ vọng trở lại thời hoàng kim (Ảnh minh họa)
Theo đánh giá, bước sang năm 2022, các phân ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố mang theo hành trang không mấy khả quan khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát dữ dội, đưa Hải Phòng vào tâm điểm vòng xoáy. Quan hệ cộng đồng hạn chế, du lịch đóng băng, thương mại hoạt động trì trệ, tổng cầu xã hội tiếp tục giảm, hàng tồn kho tăng cao, nhiều chuỗi cung ứng bị đứt đoạn... Trong khoảnh khắc nhất thời đã đẩy các phân ngành dịch vụ vào thế “thất thủ”.
Trước hết nói đến dịch vụ ăn uống, theo thống kê trước thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, trên địa bàn thành phố có khoảng 24 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Từ con số này, có thể nói dịch vụ ăn uống xứng đáng là một phân ngành kinh tế đóng góp không nhỏ vào kinh tế thành phố. Tuy nhiên trong suốt hơn hai năm dịch bệnh hoành hành, phân ngành này bao gồm cả ăn uống hè phố và khu vực nhà hàng, khách sạn, hầu như ở quy mô nào cũng sa sút, bởi không có khách hàng thì không thể có doanh thu và lợi nhuận.
Chưa kể cũng trong thời gian trên, thị trường thực phẩm cũng luôn biến động, nhất là đợt khủng hoảng kéo dài của giá lợn thịt, cùng với đó là tác động của giá xăng dầu, chất đốt… khiến dịch vụ ăn uống đã khó càng thêm khó. Thời gian gần đây, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, hoạt động xã hội từng bước trở lại bình thường, hoạt động dịch vụ ăn uống nói chung phục hồi tốt. Nhưng đi vào chi tiết, không ít nhà hàng, khách sạn đã phải dừng hoạt động này, phần vì tài chính không cho phép, phần vì thất thoát nhân lực.
Khu du lịch Cát Bà
Tiếp theo là phân ngành dịch vụ lưu trú, theo một số liệu thống kê, trên địa bàn thành phố có khoảng gần 500 cơ sở lưu trú, với khoảng 10.000 phòng, chưa kể các cơ sở lưu trú nhỏ lẻ, quy mô bán trú hoặc dịch vụ trải nghiệm khác. Trong đó, có hơn 240 khách sạn được xếp hạng. Số lượng doanh nghiệp kinh doanh lưu trú du lịch cũng đạt trên 160 doanh nghiệp. Trong điều kiện hoàn hảo, nếu toàn bộ hệ thống được khai thác, sẽ đem lại một giá trị gia tăng lớn cho nền kinh tế.
Nhưng cũng giống như phân ngành dịch vụ ăn uống, thời gian hoạt động bập bõm dẫn đến doanh thu và doanh số giảm sút kéo dài hơn hai năm qua, đã khiến những cơ sở dịch vụ quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế điêu đứng. Theo ông Cường - một chủ khách sạn hạng trung nằm trên địa bàn quận Hải An, thì khách sạn ông thường dành một lượng phòng cố định phục vụ các hợp đồng với doanh nghiệp lữ hành, kể từ khi có dịch Covid-19 hầu như các “tour” phải hủy. Còn tâm sự của bà Hà - một chủ nhà nghỉ ở thị trấn Cát Bà thì cho thấy, hệ thống lưu trú ở khu du lịch Cát Bà gần như tê liệt trong hai năm công phá của đại dịch.
Ở một diễn biến liên quan, đó là hoạt động lữ hành. Những năm tiệm cận trước thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, dịch vụ lữ hành trên địa bàn thành phố phát triển khá năng động. Số liệu của năm 2019 cho thấy, thành phố có khoảng 230 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành. Đồng thời không gian phát triển du lịch thành phố được mở rộng, mở thêm nhiều tour, tuyến du lịch với nhiều loại hình, sản phẩm du lịch mới, thị trường khách du lịch cũng có nhiều thay đổi. Nhưng dịch bệnh đã phủ nhận mọi thành quả, bởi hoạt động lữ hành phụ thuộc hoàn toàn vào nhu cầu của du khách.
Khu du lịch Cát Bà (Ảnh minh họa)
Tiếp nữa, dịch vụ vận tải khách cũng đóng vai trò thiết yếu trong ngành du lịch, tập trung nhiều nhất vào đường bộ và hàng không. Tại Hải Phòng, riêng về vận tải hành khách đường bộ, thành phố hiện có khoảng 40 tuyến cố định với hơn 600 đầu xe chạy nội tỉnh - liên tỉnh, 35 đơn vị taxi với gần 3.000 đầu xe, 660 đơn vị có dịch vụ hợp đồng với 1.675 xe, 6 đơn vị xe buýt với 113 xe chạy 15 tuyến… Trong 3 tháng đầu năm 2022, ngành vận tải khách đường bộ đạt tổng số phục vụ 5,2 triệu lượt, dù đây là con số tính trên tổng của đa dạng hình hành khách chứ không riêng khách du lịch, nhưng cũng giảm tới 52,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong khi đó lượng khách sử dụng dịch vụ hàng không và đường thủy là không đáng kể, ngoại trừ trong tháng 3 vừa qua khi các điều kiện được cải thiện hơn. Có thể nói, sự suy giảm của những phân ngành dịch vụ chủ yếu trên đây hầu hết là do hoạt động du lịch bị đình trệ, từ nguyên ngân dịch bệnh. Đây là tình thế bất khả kháng, vì dịch bệnh mang nhiều tính khách quan, được xem như một dạng “thiên tai”, nguồn du khách giảm, đồng nghĩa doanh thu giảm theo.
Sau hơn hai năm ở thế “phòng thủ” với dịch bệnh Covid-19, mùa hè năm nay hứa hẹn sự bùng nổ trở lại của du lịch biển, khi phương pháp tiếp cận và ứng xử với dịch bệnh đã chuyển sang trạng thái mới. Cùng với mọi hoạt động kinh tế khác, ngành du lịch cũng đã khởi động trở lại, với quyết tâm phục hồi và tái tăng trưởng.
Đáng chú ý, trong đợt nghỉ lễ 3 ngày nhân dịp giỗ tổ Hùng Vường vừa qua, Hải Phòng đã đón khoảng 150 nghìn lượt du khách, được xem như cuộc diễn tập trong chiến lược “phản công”. Chính vì vậy, đợt nghỉ lễ kéo dài 4 ngày dịp 30/4 và 1/5 thực sự là điểm nhấn quan trọng, là lúc các cơ sở dịch vụ bận rộn tiếp khách đặt phòng, đặt xe, đặt tàu, đăng ký suất ăn.
Khu du lịch Đồ Sơn (Ảnh minh họa)
Trao đổi với phóng viên, một cán bộ của huyện Cát Hải chia sẻ, khu du lịch Cát Bà hiện có 321 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, sau thời gian phải ngừng hoạt động, hiện đã được tân tạo, trang hoàng trở lại, tính đến thời điểm này đa số các cơ sở lưu trú tại khu du lịch Cát Bà đã kín chỗ đặt. Đợt nghỉ lễ dịp giỗ tổ Hùng Vương, Cát Bà đã đón hơn 45.000 lượt khách, chiếm gần 1/3 tổng lượng du khách đến thành phố Hải Phòng. Dự kiến trong dịp 30/4 và 1/5 tới đây, lượng khách sẽ tăng cao, vì vậy huyện đã chỉ đạo các cơ sở kinh doanh, dịch vụ liên quan chuẩn bị những điều kiện để phục vụ du khách tốt nhất.
Còn tại Đồ Sơn, địa phương này hiện có hơn 130 cơ sở dịch vụ lưu trú, với công suất khoảng hơn 3.000 phòng, ngay từ giữa tháng 4 vừa qua đã có rất đông khách du lịch liên hệ đặt trước, đến nay cơ bản đã kín chỗ. Theo lãnh đạo quận Đồ Sơn, mùa du lịch năm nay bên cạnh những sản phẩm truyền thống, Đồ Sơn cũng có một số thay đổi như quy hoạch lại khu bãi tắm quy mô hơn, đẹp hơn, trong đó có nhiều công trình mới đầu tư mà nổi bật nhất là cụm du lịch Đồi Rồng.
Lãnh đạo quận cho biết, thời gian qua lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát bình ổn thị trường, cũng như các hoạt động liên quan đến ANTT, cứu nạn cứu hộ, đặc biệt là kiểm soát dịch bệnh Covid-19, phục vụ du khách hiệu quả hơn.
Như vậy có thể thấy, sau những tổn thất vì dịch bệnh Covid-19, các phân ngành dịch vụ liên quan đến du lịch đang đứng trước cơ hội lớn để bình phục. Bởi vậy, dịp du lịch biển khởi động lần này cũng có ý nghĩa tổng rà soát, sắp xếp lại bản đồ phân ngành dịch vụ du lịch của thành phố. Hy vọng rằng mọi lĩnh vực sẽ vượt qua cơn bĩ cực, lấy lại phong độ và bứt phá.
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão