Ngăn chặn tội phạm mua bán, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ qua mạng Internet: Kỳ II - Khó khăn trong công tác đấu tranh, xử lý

14:51 06/11/2017

Đại tá Đỗ Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục C50-Bộ Công an cho biết: Mặc dù đã đạt được một số kết quả tích cực trong công tác đấu tranh, tuy nhiên công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý các đối tượng thực hiện hành vi mua bán vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (VK-VLN-CCHT) trên mạng Internet còn gặp nhiều khó khăn do các quy định của pháp luật và hướng dẫn xử lý các hành vi vi phạm còn nhiều bất cập.

Đại tá Vũ Thanh Chương, Phó Giám đốc CATP Hải Phòng chia sẻ về những khó khăn trong nhiệm vụ đấu tranh, xử lý hành vi mua bán, chế tạo trái phép VK-VLN-CCHT tại hội thảo do Tổng cục Cảnh sát tổ chức mới đây.

Nhiều loại vũ khí như súng săn, súng bắn cồn, bắn gas hay CO2 gây sát thương rất lớn, có thể chết người nhưng khi phát hiện việc mua bán, tàng trữ, sản xuất loại vũ khí này Cơ quan điều tra lại không thể khởi tố và xử lý theo quy định của Điều 233 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) “tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ”.

Do đó, các đối tượng thực hiện hành vi sai phạm chỉ bị xử lý hành chính nên chưa đủ mức răn đe, dẫn đến đối tượng có thái độ “nhờn” pháp luật. Vì thế mà tình trạng chào bán, hướng dẫn sản xuất VK-CCHT thời gian qua vẫn diễn ra phổ biến thậm chí công khai trên mạng Internet.

Ngoài ra, do đặc thù của môi trường mạng có tính ẩn danh cao nên các đối tượng thường sử dụng SIM rác, đăng ký tài khoản ngân hàng, nickname trên các diễn đàn, tên miền, máy chủ, tài khoản Facebook, Zalo bằng thông tin giả mạo, gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình xác minh, điều tra nhằm xác định chính xác đối tượng thực hiện hành vi phạm tội.

Tại Hải Phòng, Công an thành phố cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc như việc giám định vũ khí, vật liệu nổ, CCHT hiện nay chỉ có thể trưng cầu tại Viện khoa học hình sự Bộ Công an, chưa triển khai các giám định viên tư pháp đến các địa phương nên công tác điều tra, xử lý đối với đối tượng có lúc còn chưa kịp thời.

Ngoài ra, các đối tượng sản xuất vũ khí, CCHT, đặc biệt là sản xuất các loại súng tự chế có nhiều thủ đoạn che giấu tinh vi nhằm đối phó với các cơ quan chức năng như chế tạo, vận chuyển, mua bán từng bộ phận nên khi bị phát hiện, bắt giữ, cơ quan chức năng không thể xử lý được.

Việc lưu trữ, bảo quản, xử lý các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ là tang vật trong các vụ án đang điều tra chưa có hướng dẫn cụ thể nên các đơn vị địa phương còn nhiều lúng túng.

Đại tá Vũ Thanh Chương - Phó Giám đốc CATP Hải Phòng cho biết: Đối với các loại súng bắn bi thuộc danh mục đồ chơi nguy hiểm hiện nay đã có chế tài xử lý hành chính, tuy nhiên khi sử dụng các loại súng trên có thể gây sát thương nghiêm trọng, thực tế đấu tranh cho thấy trong thời gian gần đây nhiều đối tượng có hành vi mua bán, tàng trữ loại súng trên nhưng biện pháp xử lý lại quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Cùng với đó, việc lưu trữ, bảo quản, xử lý các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ là tang vật trong các vụ án đang điều tra chưa có hướng dẫn cụ thể nên các đơn vị địa phương còn nhiều lúng túng.

Với vai trò là một trong những lực lượng trực tiếp tham gia đấu tranh trấn áp tội phạm, Phòng Cảnh sát hình sự - CATP Hà Nội cũng cho biết: Trong tình hình khoa học công nghệ đang phát triển như hiện nay, công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm sử dụng VK, VLN, CCHT vẫn còn có những khó khăn vướng mắc, trong đó tập trung vào 3 điểm mấu chốt.

Một là công tác trao đổi thông tin phối hợp giữa các lực lượng trong và ngoài ngành Công an chưa thường xuyên, kịp thời. Hai là các thông tin đăng tải trên mạng Internet hiện nay chưa được kiểm soát chặt chẽ, một số đối tượng sử dụng các trang web được đăng lý lưu trữ trên máy chủ ở nước ngoài để đăng tải thông tin quản cáo về việc mua bán VK, VLN, CCHT, gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, kiểm soát, kiểm duyệt thông tin.

Và cuối cùng là trên thực tế vẫn còn số lượng lớn súng săn, súng tự chế đang cất, giữ trong dân. Số VK, VLN này còn rơi vãi sau chiến tranh, một số thuốc nổ tồn kho, các đơn vị, doanh nghiệp quản lý không chặt nên bị thấy thoát ra ngoài, còn nhiều vũ khí được nhập lậu từ nước ngoài vào nội địa bằng đường tiểu ngạch qua biên giới, đường biển.

(còn tiếp...)

Ngọc Hà - Thu Ninh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích