KỲ 2: Phát huy vai trò tư vấn, phản biện

17:46 18/12/2014

 

Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Hải Phòng báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài khoa học “Thử nghiệm sản xuất giống và con lai thương phẩm gà Grimaud, vịt chuyên thịt M14 tại Hải Phòng”
Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Hải Phòng báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài khoa học “Thử nghiệm sản xuất giống và con lai thương phẩm gà Grimaud, vịt chuyên thịt M14 tại Hải Phòng”

Hải Phòng là một trong những tỉnh, thành phố có đội ngũ trí thức, cán bộ khoa học công nghệ (KH&CN) khá đông đảo, đứng thứ ba cả nước, trải đều trên mọi lĩnh vực, trong đó có nhiều chuyên gia đầu ngành có trình độ cao. Tuy nhiên, để đội ngũ trí thức Hải Phòng đáp ứng được yêu cầu của thực tế và phát huy vai trò tư vấn, phản biện, giám định xã hội, cùng thành phố "chung vai góp sức" hoạch định chủ trương, chính sách, chấp nhận các dự án đầu tư lớn vẫn còn nhiều việc cần làm...

Trí thức có chức năng tham gia tư vấn, phản biện, giám định xã hội

Trong thực tế, không ít chủ trương, chính sách khi đưa vào cuộc sống vẫn thường nảy sinh những mâu thuẫn ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Điều đó không tạo được sự đồng thuận trong xã hội và làm nảy sinh mâu thuẫn. Phản biện xã hội là giải pháp tốt, hiệu quả để kịp thời điều chỉnh và giải quyết những vướng mắc, mâu thuẫn. Và người tiên phong thực hiện chức năng này không ai khác phải là đội ngũ trí thức.

Đảng và nhà nước ta đã sớm quan tâm đến vai trò của tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Tại Chỉ thị 35-CT/TW (1988), Ban Bí thư Trung ương Đảng đã giao cho Liên hiệp hội Việt Nam nhiệm vụ “tư vấn về chính sách khoa học - kỹ thuật và kinh tế - xã hội cho Đảng và nhà nước… Tiếp theo là Chỉ thị 45-CT/TW (1998), Đảng đã tin cậy và giao cho Liên hiệp hội Việt Nam “tổ chức phối hợp tốt hơn nữa lực lượng trí thức khoa học và công nghệ để tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với những dự án lớn, có tính liên ngành, liên vùng”.

Còn Chỉ thị 14/2000/CT-TTg chỉ rõ: “Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, soạn thảo và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành những quy định cụ thể nhằm tạo điều kiện cho Liên hiệp hội Việt Nam và các hội thành viên thực hiện chức năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội các chủ trương chính sách, các chương trình, dự án khoa học - công nghệ, môi trường và phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước do các bộ, ngành, địa phương xây dựng và thực hiện”. Tiếp đó, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội Việt Nam và các hội khoa học và kỹ thuật đã được quy định cụ thể và chi tiết hơn tại Quyết định 22/2002/QĐ-TTg.

Đội ngũ trí thức Hải Phòng chưa "gánh vác" được sứ mệnh?

Theo quy định, việc tư vấn, phản biện và giám định xã hội được chia làm 4 mức: Một là, chia sẻ thông tin tham khảo về nội dung hoặc phương pháp tiếp cận nguồn tư liệu, nguồn chuyên gia… Hai là, phân tích, đánh giá, đưa ra các ý kiến nhận xét, bình luận hoặc kiến nghị hướng nghiên cứu nhằm góp phần xây dựng, hoàn thiện hoặc bổ sung, sửa đổi từng phần hoặc toàn bộ một đề án đang được chuẩn bị hoặc đang được thực thi. Ba là, phân tích, đánh giá, nghiên cứu toàn diện và đưa ra kiến nghị cụ thể về giải pháp hoặc phương án bổ sung, sửa đổi hoặc thay thế từng phần hoặc toàn bộ một đề án. Bốn là, chủ trì nghiên cứu soạn thảo toàn bộ hoặc một số phần nhất định của một đề án. Tuy nhiên, đa số các nhiệm vụ về tư vấn, phản biện và giám định xã hội các chính sách, dự án lớn tại Hải Phòng vẫn do thành phố, bằng cơ chế sử dụng, thu hút chất xám của một lực lượng tương đối lớn các nhà khoa học, công nghệ của các cơ quan trung ương...

Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng thì lực lượng cán bộ khoa học và công nghệ của thành phố, thông qua quá trình tự đào tạo và đào tạo lại hiện đã phát triển nhanh về số lượng, trưởng thành một bước về chất lượng, dần thích nghi với nền kinh tế thị trường và có những đóng góp đáng kể trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và khoa học, công nghệ của thành phố. Một số lượng đáng kể cán bộ KH&CN có trình độ chuyên môn, công nghệ và ngoại ngữ tương đối tốt đã được thu hút về Hải Phòng thông qua các dự án đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất thép, một ngành đã trở thành mũi nhọn của Hải Phòng.

Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ KH&CN "tại chỗ" của thành phố vẫn còn hạn chế. Cơ cấu đội ngũ trí thức ở Hải Phòng bất hợp lí về ngành nghề. Mặc dù phân bố rộng khắp các lĩnh vực nhưng tỉ lệ cán bộ khoa học có trình độ cao tập trung nhiều ở một số ngành, như: giáo dục và đào tạo, y tế... Và trong khi đa số trí thức tập trung tại khu vực cơ quan công lập, thì nhân lực KH&CN trong các doanh nghiệp lại chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ. Kết quả khảo sát tại 405 doanh nghiệp trên địa bàn đại diện cho các nhóm ngành cho thấy tỷ lệ cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng chỉ chiếm 14,17% (trong đó trên đại học 0,27%). Đội ngũ công nhân kỹ thuật thiếu cả về chất lượng và số lượng.

Chỉ có khoảng 240.000 lao động đã qua đào tạo tại các cơ sở dạy nghề, chiếm 23,99% lao động có việc làm của thành phố. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ KH&CN bất cập về kiến thức, năng lực và trình độ trước yêu cầu của nền kinh tế thị trường, của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá thành phố. Nhiều lĩnh vực KH&CN thiếu cán bộ đầu đàn, thiếu cán bộ giỏi về khoa học quản lý và chuyên gia công nghệ có trình độ cao. Lực lượng cán bộ có năng lực tham gia công tác nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn của thành phố rất mỏng, trình độ hạn chế, không chuyên sâu, chưa đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu của một số vấn đề phức tạp, đòi hỏi hàm lượng khoa học cao.

Chủ động trong phát triển nhân lực, thu hút nhân tài

 Trên thực tế, Hải Phòng mới bước đầu thực hiện lập danh sách các chuyên gia chuyên ngành có thể sẵn sàng tham gia hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội các vấn đề chuyên ngành. Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại hội nghị và được mời là chủ yếu. Các hội khoa học kỹ thuật chuyên ngành cũng bắt đầu tích cực tham gia nhiều ý kiến cho các đề án, dự án. Tuy nhiên, nhìn chung, các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng và các hội thành viên mới chỉ dừng lại ở mức tham gia ý kiến là chủ yếu, hình thức tư vấn, phản biện và giám định xã hội độc lập, ở mức độ cao còn thưa thớt, chưa có tư vấn, phản biện và giám định xã hội thông qua hợp đồng quy định rõ trách nhiệm của mỗi bên.

Mặt khác, các cơ quan nhà nước chưa thấy được ưu điểm và lợi ích tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các chương trình, đề án, dự án, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội nên chưa giao việc, tiếp tục lấy ý kiến tư vấn, phản biện theo cách thông thường đã làm nhiều năm nay là tổ chức hội nghị lấy ý kiến của một số chuyên gia, người đại diện các cơ quan.

Mới đây nhất, Kế hoạch số 4682/KH-UBND ngày 30-6-2014 của UBND TP đã xác định các phần việc cụ thể, trong đó giao cho Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố xây dựng cơ chế tư vấn, phản biện và giám định xã hội theo hướng dẫn của trung ương, đồng thời xây dựng đề án thành lập quỹ hỗ trợ sáng tạo KH&CN... Đây cũng là cơ hội để Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố phát huy vai trò, trách nhiệm của mình thông qua hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố có đầy đủ khả năng để thực hiện nhiệm vụ này.

(còn nữa)

NHẬT LAM


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông