Kỳ 3: Điểm tựa cho những trẻ em bị xâm hại

19:25 09/11/2017

Khi phải đối mặt trước việc con mình bị xâm hại, nhiều gia đình đã rơi vào tình trạng hoảng loạn và tỏ ra vô cùng lúng túng khi xử lý vụ việc. Nhiều gia đình phải tự vận động, thuê luật sư để tìm công lý cho con. Nhưng cũng có nhiều gia đình do nghèo, thiếu hiểu biết pháp luật nên không biết dựa vào ai, nên cầu cứu cơ quan chức năng nào. Do đó họ mất đi cơ hội vạch mặt thủ phạm hoặc cam chịu sự việc. Vì thế, vẫn có tình trạng kẻ phạm tội lọt lưới của pháp luật.

Việc thành lập một trung tâm hỗ trợ, tư vấn cho những đối tượng trong những hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn thành phố đã trở thành một yêu cầu thiết yếu. Và với việc tháng 10-2016, Tổng đài tư vấn miễn phí 18006605 của Trung tâm công tác xã hội thành phố (TTCTXH TP) đi vào hoạt động đã trở thành điểm tựa cho nhiều gia đình không may có nạn nhân bị xâm hại.

Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Lan – Giám đốc trung tâm – cho biết: Việc triển khai đường dây nóng của trung tâm nhằm giúp mọi trẻ em, cá nhân, cơ quan, tổ chức liên hệ miễn phí khi có nhu cầu tìm kiếm thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em. Từ đó chủ động thông báo, phối hợp đường dây trong việc tư vấn, can thiệp, hỗ trợ trẻ bị xâm hại. Thiết lập đầu mối tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác kẻ phạm tội; xác lập cơ chế phối hợp phòng ngừa, xử lý vụ việc xâm hại trẻ em tại địa phương.

Một trường hợp người dân được tư vấn trực tiếp tại trung tâm

Các hoạt động chủ yếu của trung tâm nhằm can thiệp, hỗ trợ đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp. Tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực, trợ giúp cá nhân, gia đình và cộng đồng tự giải quyết và phòng ngừa các vấn đề xã hội. Tư vấn, tham vấn thực hiện chính sách bảo trợ xã hội; bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em… Qua 1 năm triển khai hoạt động,  nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại sau khi được tư vấn, kết nối hỗ trợ pháp lý đã trả lại công bằng cho nạn nhân và gia đình.

Kể về kết quả hoạt động của đường dây hỗ trợ sau 1 năm triển khai, bà Lan cho biết: Một trường hợp trẻ em bị xâm hại khác đã được TTCTXH TP hỗ trợ pháp lý khá hiệu quả là cháu Q.A (sinh 2003, tại Tiên Lãng). Q.A bị người họ hàng xâm hại nhiều lần dẫn đến có thai. Khi tiếp nhận thông tin, trung tâm đã hỗ trợ gia đình hoàn thiện các thủ tục để đưa sự việc ra ánh sáng. Còn về phía Q.A, do cái thai đã quá lớn nên khi sinh con, trung tâm đã hướng dẫn, hỗ trợ pháp lý cho hai mẹ con Q.A. Hiện tại, trường hợp của Q.A vẫn đang được trung tâm theo dõi để tiếp tục có những tư vấn, hướng dẫn cụ thể.

Bà Lan chia sẻ, chỉ vài giờ sau khi Tổng đài tư vấn miễn phí 18006605 của TTCTXH TP nhận được thông tin việc cháu A (tên nhân vật đã được thay đổi), 11 tuổi, ở huyện Tiên Lãng, bị 1 đối tượng gần nhà xâm hại. TCTXH TP lập tức có văn bản gửi phòng Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp, kết nối với địa phương. Đồng thời cử cán bộ quản lý trường hợp mà trực tiếp là bà Phạm Thị Lan – Giám đốc trung tâm làm trưởng đoàn - đến tận gia đình để thu thập, xác minh thông tin, can thiệp trợ giúp khẩn cấp trường hợp trẻ bị xâm hại tại cộng đồng.

Khi đoàn về đến gia đình, qua tìm hiểu được biết, sự việc xảy ra 20h30 ngày 13-6-2017, sau khi điều khiển xe máy chở ông T. là bố đẻ cháu A bị tai nạn giao thông về nhà thì Phan Văn Cương, sinh 1994, ở xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng bảo A. đi cùng để lấy xe đạp của ông T. Khi ra nơi ông T. bị tai nạn không thấy có xe ở đó nên Cương chở cháu A. về.

Trên đường đi, Cương chợt nảy sinh ý đồ xấu với A. nên chở cháu ra cánh đồng gần đó. Thấy nghi ngờ vì Cương đi không đúng đường về nhà nên A. đã yêu cầu Cương quay lại. Khi hắn dừng xe, A. vừa nhảy xuống thì bất ngờ Cương lao vào ôm ghì lấy cháu định giở trò đồi bại. Tên yêu râu xanh còn bóp cổ bé gái 11 tuổi và đe dọa “mày hô lên thì tao giết”. Trong tình thế nguy hiểm, cháu A. đã chống cự quyết liệt và đẩy được Cương ngã ra đường. A. lập tức hô hoán, kêu cứu, còn Cương lấy xe máy bỏ chạy. Tuy nhiên trong lúc vội vàng, Cương đã để lại đôi dép ở hiện trường sau này chính là vật chứng để tố cáo hành vi của hắn.

Tổng đài tư vấn miễn phí 18006605 của trung tâm trực liên tục trong giờ hành chính

Bà Lan cho biết, khi sự việc xảy ra, chính bản thân gia đình A (khá yếu thế ở địa phương) tỏ ra vô cùng hoang mang, mâu thuẫn với nhiều ý kiến trái chiều việc có nên tố cáo hay không tố cáo hành vi của đối tượng, đồng thuận giảng hòa nội bộ hay tiếp tục chờ đợi điều tra. Bởi họ lo sợ nếu sự việc bị phanh phui thì sẽ bị gia đình đối tượng đe dọa. Đồng thời còn e ngại làng xóm dị nghị, bàn tán về chuyện con gái mình... Trong lúc còn đang phân vân giữa “ngã ba đường” thì gia đình đã vô tình biết đến số điện thoại tư vấn của TTCTXH TP. Và chính cuộc gọi đến trung tâm đã giúp gia đình tìm được hướng đi đúng đắn.

Bà Lan chia sẻ: Thông qua việc lắng nghe, thấu hiểu hoàn cảnh và tâm lý của gia đình nạn nhân. Chúng tôi đã phân tích vấn đề cho họ hiểu không nên lo sợ bị trả thù. Và việc đưa đối tượng ra trước pháp luật vừa để hắn nhận ra hành vi sai trái của mình, trả lại công bằng cho nạn nhân vừa là cách phòng ngừa, loại bỏ những trường hợp bị xâm hại có thể xảy ra sau này với chính con họ hoặc của những nạn nhân khác. Mẹ cháu A. là bà P.T.T đã mạnh dạn đến CAX Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng, để trình báo sự việc. Xác định đây là vụ việc nghiêm trọng, Công an xã đã báo cáo ngay Công an huyện, triệu tập đối tượng thẩm vấn, thu thập chứng cứ, lấy lời khai của cháu A. và những người có liên quan ngay trong đêm ngày 13-6… Vừa qua, trước vành móng ngựa TAND TP, Phan Văn Cương mặc dù đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, sau khi xem xét, HĐXX đã quyết định xử phạt Cương 5 năm tù về tội Hiếp dâm trẻ em theo Điều 112 BLHS.

Sau khi sự việc được đưa ra ánh sáng, chính gia đình đã quay trở lại trung tâm để gửi lời cảm ơn. Vì nhờ sự tư vấn đúng đắn đó, thông qua việc giám định của các cơ quan chức năng, con gái họ đã được trả lại sự trong sạch, không bị mang tiếng oan cả cuộc đời.

Bà Lan tâm sự: Khi chúng tôi đến gia đình làm công tác tư vấn và trợ giúp pháp lý. Nhìn vóc dáng của cháu A, tuy nhỏ bé mà đã dũng cảm, nhanh trí thoát khỏi kẻ xấu thật đáng khâm phục. Bên cạnh đó cũng phải thừa nhận hiệu quả những kỹ năng phòng chống xâm hại mà cháu được dạy ở trường giúp cháu sớm phát hiện sự việc để chủ động tự vệ. Không sợ hãi trước lời đe dọa, biết tìm kiếm sự trợ giúp xung quanh để thoát khỏi sự cưỡng bức của tên yêu râu xanh. Qua sự việc trên cho thấy, việc trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục cho trẻ em là hết sức cần thiết. Khi có sự việc xâm hại xảy ra, chúng tôi cũng khuyến nghị nạn nhân và gia đình không vì sợ xấu hổ, lo sợ mà chọn cách im lặng hay thỏa hiệp. Thay vào đó hãy lên tiếng, kịp thời tố cáo và biết thu giữ vật chứng cần thiết để giao nộp cho cơ quan chức năng. Đồng thời cần tích cực phối hợp với cơ quan công an để nhanh chóng làm rõ vụ việc, sớm đưa thủ phạm ra trước pháp luật, bảo vệ trẻ em, tạo môi trường an toàn cho người dân sinh sống. Để được tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí, người dân có thể gọi Tổng đài tư vấn miễn phí 18006605 hoặc qua hộp thư điện tử ttctxhhp@haiphong.gov.vn.

Theo bà Lan, do nhân lực của trung tâm còn tương đối mỏng nên đường dây tư vấn mới trực liên tục trong giờ hành chính. Tuy nhiên, dù mới triển khai được 1 năm nhưng tổng đài tư vấn đã ngày càng được nhiều người dân biết đến và dần phát huy hiệu quả. Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2017, trung tâm đã tiếp nhận 217 cuộc gọi nhờ hỗ trợ. Trực tiếp xử lý thông tin, can thiệp hỗ trợ  29 trường hợp, trong đó có 6 vụ việc xâm hại, bạo lực trẻ em, 01 vụ việc trẻ em bị bỏ rơi.

Được biết, ngoài việc tư vấn, hỗ trợ cho những trẻ em trên địa bàn bị xâm hại, TTCTXH TP còn là tổ chức cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp; can thiệp – hỗ trợ, kết nối cung cấp các dịch vụ xã hội. Cung cấp các dịch vụ về giáo dục xã hội và nâng cao năng lực. Phát triển cộng động. Tổ chức huy động và tiếp nhận sự hỗ trợ tài chính, hiện vật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháo luật để thực hiện các hoạt động trợ giúp đối tượng…

Các đối tượng được trung tâm tập trung ưu tiên là những người cần sự bảo vệ khẩn cấp gồm trẻ em bị bỏ rơi, nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân bị xâm hại tình dục, nạn nhân bị buôn bán, cưỡng bức lao động, nạn nhân của phân biệt đối xử về giới; người nhiễm HIV/ADIS, người bán dâm, người nghiện ma túy, người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí sống tại cộng đồng…

Bùi Hạnh – Phạm Ngân

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích