15:59 19/12/2014
Biểu diễn hát xẩm trong chương trình Nghệ thuật dân gian của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng Sau khi đất nước đổi mới, nhất là 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật thời kỳ đổi mới, văn học nghệ thuật (VHNT) Hải Phòng đã có nhiều chuyển biến đáng kể. Khơi nguồn sáng tạo Hoạt động VHNT có sự khởi sắc, tạo sự thay đổi căn bản về số lượng, chất lượng đội ngũ và tác phẩm VHNT trong sáng tác, nghiên cứu, lý luận, phê bình và thông tin quảng bá các giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm, công trình VHNT. Qua đó đóng góp đáng kể vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới. Cuối năm 2000, Hội Điện ảnh - Truyền hình được thành lập, đưa tổng số thành viên của Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng lên 9 hội chuyên ngành. Tổ chức Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng tăng cả về số lượng và chất lượng với 600 hội viên, trong đó gần một nửa là hội viên trung ương. Riêng với 26 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hải Phòng hiện đứng thứ ba cả nước, chỉ sau Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. 15 năm qua, các văn nghệ sĩ Hải Phòng đã nhận được nhiều giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các hội chuyên ngành TW, các bộ ngành TW, các tỉnh thành phố và cả một số giải quốc tế. Các tác phẩm của văn nghệ sỹ Hải Phòng ngày càng được cách tân, đề tài bao quát nhiều vấn đề hơn, bắt kịp những suy nghĩ của người dân và sự chuyển động của xã hội, phục vụ yêu cầu đổi mới. Hải Phòng xuất hiện thêm nhiều tác giả, tác phẩm được cả nước biết đến, trong đó có những tác phẩm mang lại hiệu quả nghệ thuật và hiệu quả xã hội rõ rệt, như phim tài liệu của Đào Trọng Khánh, phim truyền hình của Nguyễn Long Khánh và Đình Kính, tiểu thuyết lịch sử của Lưu Văn Khuê, thơ của Thi Hoàng, Mai Văn Phấn, Đồng Đức Bốn; truyện của Đoàn Lê, Bùi Ngọc Tấn, Bão Vũ; ca khúc của Duy Thái; các bức ảnh của Vương Khánh Hồng, Minh Nhật, Vũ Dũng; tranh của Nguyễn Hà, Quốc Thái, Đặng Tiến, Việt Anh... Ngoài việc khôi phục, lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa văn nghệ truyền thống của dân tộc như ca trù, dân ca, chầu văn..., hoạt động VHNT của Hải Phòng ngày càng đa dạng, phong phú và tươi mới, hấp dẫn tầng lớp khán giả trẻ với các loại hình mới như: nghệ thuật sắp đặt, hip - hop, vẽ tranh tường, hậu hiện đại... và qua nhiều kênh quảng bá, giới thiệu tác phẩm đến với công chúng. Vấn đề trẻ hóa đặt ra cấp thiết Một trong những thách thức lớn nhất của Hải Phòng cùng với nền văn học nghệ thuật cả nước hiện nay đó là… chưa xuất hiện những "đỉnh cao". Một trưởng đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của thành phố ngậm ngùi "tiết lộ", trước đây vở diễn của đoàn vừa dựng xong đã vội vàng đưa đi lưu diễn. Có đêm diễn đến cả ngàn khán giả, không khí được nhiệt liệt chào đón ở cả các tỉnh, thành phố bạn khiến cho người nghệ sỹ có thêm nhiều tâm huyết để sáng tạo, cống hiến vì nghệ thuật. Còn hiện nay, đa phần người dân thờ ơ với văn học nghệ thuật nên việc sáng tạo của văn nghệ sỹ không còn động lực như trước. Bên cạnh đó, trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, các tác phẩm văn học nghệ thuật bản in khó cạnh tranh được với sách báo điện tử; sân khấu truyền thống dần trở nên hiu quạnh, bị lấn át bởi các sản phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường khiến các văn nghệ sỹ chân chính cảm thấy lo lắng, trăn trở với nghề… Trong thời điểm hiện nay, một thực tế là các tác phẩm VHNT xuất hiện khá nhiều nhưng chưa nhiều tác phẩm hay, nhất là trong lĩnh vực thơ. Một thực tế khác là đội ngũ sáng tác của Hải Phòng đông nhưng không đồng đều, nhiều hội viên cao tuổi và một số hội viên “lão hóa” trong sáng tác. Có tình trạng "tre" thì già nhưng "măng" chưa kịp lớn hoặc không muốn lớn ở vườn VHNT. Nhà văn Đình Kính - Chi hội trưởng chi hội Nhà văn Việt Nam tại Hải Phòng, Chủ tịch Hội Nhà văn Hải Phòng cho biết, thống kê đến tháng 3 năm nay thì trong tổng số 126 hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng, có tới 73% trên 60 tuổi; còn trong 26 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tại Hải Phòng thì 6 người gần như đã... ngừng viết.
Hoạt động sáng tạo giữa các bộ môn, thể loại VHNT của Hải Phòng cũng còn khá chênh lệch. Lĩnh vực thơ văn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc dường như sôi động hơn so với các lĩnh vực khác. Hoặc như ngay trong âm nhạc, trong khi ca khúc phát triển bao nhiêu thì khí nhạc lại kém phát triển bấy nhiêu và tương tự là giữa mảng sáng tác với mảng lý luận phê bình VHNT cũng mất cân đối nghiêm trọng. Sáng tác chủ yếu là hoạt động cá nhân, phụ thuộc vào tài năng và tâm huyết của từng người. Tuy thế công tác đào tạo bồi dưỡng - những yếu tố để kích thích sáng tác cũng rất quan trọng. Để cải thiện tình hình, Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng vẫn miệt mài đầu tư trực tiếp để có những sáng tác tốt, ký hợp đồng sáng tác, tổ chức trại sáng tác, điền dã, hội thảo… Tuy nhiên, hoạt động động viên này vẫn còn khá "yếu ớt". Cho đến thời điểm này, Quỹ hỗ trợ sáng tạo VHNT Hải Phòng (gọi là Quỹ Nguyên Hồng) vẫn chưa được thành lập, nguồn "đầu tư" chính vẫn dựa vào TW hội. Tuy nhiên, ngay việc sử dụng Quỹ từ nguồn TW hội cũng mang tính cào bằng, dàn trải, chỉ trong mức từ 4 đến 8 triệu đồng/ tác phẩm vì Hội Hải Phòng có đông hội viên (600 người) và có nhiều hoạt động cho cả 9 hội chuyên ngành. Cần tạo môi trường sinh hoạt nghệ thuật Thực tế tiềm năng của văn nghệ sỹ Hải Phòng còn rất lớn, tầm suy nghĩ lớn hơn nhiều so với những gì họ đã đóng góp. Để khơi nguồn, thúc đẩy văn nghệ sỹ tâm huyết tạo ra những tác phẩm tiêu biểu phục vụ quần chúng nhân dân có lẽ cần một môi trường sinh hoạt vì nghệ thuật rộng lớn hơn, không chỉ bó hẹp trong phạm vi của các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình... Đã đến lúc, chúng ta cần nghĩ xa hơn đến một thị trường văn học nghệ thuật cho khu vực tại Hải Phòng. Ý tưởng cũng có thể xuất phát từ việc thành lập một Nhà sáng tác, hay một Nhà hát, một bảo tàng VHNT, các doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ... để tạo một "sân chơi", một "đấu trường" để họ tự thể hiện và hoàn thiện mình trên con đường làm nghệ thuật. Chúng ta cũng cần nhìn lại quá trình hình thành phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ Hải Phòng trong thời gian qua để thấy rằng cần có chính sách đào tạo và sử dụng ngay đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ Hải Phòng, có cơ chế phát hiện tài năng sớm để đào tạo và giữ lại nhân tài. Vấn đề đào tạo lực lượng trẻ cũng không quá khó. Trước đây, Câu lạc bộ sáng tác văn học trẻ (thuộc Hội Nhà văn Hải Phòng) đã từng hoạt động khá hiệu quả, đến nay nhiều người trong số đó đã trở thành hội viên Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng, 2 người là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà văn Đình Kính cũng cho biết, Câu lạc bộ những người viết văn trẻ (thuộc Hội Nhà văn Hải Phòng) mới được tái lập khoảng 3 tháng, quy tụ 35 thành viên, tuổi đời dưới 35 tuổi. Trong thời gian tới, Hội Nhà văn Hải Phòng sẽ tiến hành các hoạt động bồi dưỡng kiến thức, thúc đẩy giao lưu với các nhà văn tên tuổi của cả nước, kết hợp với trường viết văn Nguyễn Du để mở khóa đào tạo người viết văn trẻ ở Hải Phòng... Cùng với những động thái tích cực của Hội Nhà văn Hải Phòng, Hội Mỹ thuật Hải Phòng, Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng cũng đã tổ chức những triển lãm dành cho các họa sĩ trẻ, những trại sáng tác dành cho các cây bút trẻ, mở chuyên trang "Tác giả mới", "Thiếu nhi và nhà trường" và duy trì đều đặn trên Tạp chí Cửa Biển... NHẬT LAM |
09:46 21/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão