Kỳ thi THPT quốc gia 2015: Nhiều bất cập trong tuyển sinh ĐH, CĐ

21:48 20/10/2015

 

Thí sinh dự thi tại hội đồng thi Trường ĐH Hải Phòng
Thí sinh dự thi tại hội đồng thi Trường ĐH Hải Phòng

Kỳ 1: Vì sao các trường không tuyển đủ chỉ tiêu?

Kết thúc đợt thứ 3 xét tuyển vào đại học, cao đẳng, phần lớn các trường trên địa bàn Hải Phòng đều không tuyển đủ chỉ tiêu. Đáng chú ý, năm nay tưởng chừng các trường cao đẳng “rộng cửa” tuyển sinh hơn những năm trước do có nhiêu chính sách được nới lỏng nhưng trên thực tế, nhiều trường thậm chí có kết quả tuyển sinh còn kém hơn.

 Kết quả không khả quan

Tại Hải Phòng, chỉ có 2 trường tuyển đủ chỉ tiêu ngay từ nguyện vọng 1: đó là Trường ĐH Y dược Hải Phòng và Trường ĐH Hàng hải Việt Nam. Trong đó, Trường ĐH Y dược Hải Phòng tuyển đủ hơn 800 chỉ tiêu hệ đại học chính quy; Trường ĐH Hàng hải Việt Nam đã tuyển đủ hơn 3.000 chỉ tiêu hệ đại học chính quy và khoảng 500 chỉ tiêu hệ cao đẳng. Đến nay, vẫn còn hàng nghìn chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học và cao đẳng tại các trường của Hải Phòng chờ thí sinh, trong khi Bộ GD-ĐT quy định việc tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay sẽ kết thúc vào tháng 11 tới.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, ở đợt xét tuyển thứ tư này, các trường ĐH và CĐ chưa tuyển đủ chỉ tiêu chủ động công bố thời gian nhận đăng ký xét tuyển từ ngày 25-9 đến 15-10 và công bố kết quả trúng tuyển trước ngày 19-10. Sau đó nếu các trường CĐ vẫn chưa tuyển đủ có thể tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung để kết thúc lịch tuyển sinh của CĐ vào ngày 21-11. Ở đợt 4, sau khi đã đăng ký xét tuyển vào trường, thí sinh không được thay đổi nguyện vọng và không được rút hồ sơ để chuyển sang trường khác. Tuy nhiên, thí sinh có thể sử dụng tối đa mã vạch từ 3 phiếu xét tuyển bổ sung để đăng ký vào 3 trường khác nhau và mỗi trường có thể đăng ký tối đa bốn nguyện vọng vào các ngành khác nhau còn chỉ tiêu.

  Mặc dù năm nay Bộ GD-ĐT đã có những quy định nới lỏng tuyển sinh đại học, cao đẳng như cho phép các trường xét học bạ THPT của thí sinh, tiếp tục cho phép đào tạo liên thông từ cao đẳng lên đại học…, song tình hình tuyển sinh của các trường vẫn không mấy khả quan. Cụ thể: Trường ĐH Hải Phòng tuyển được hơn 2.000 sinh viên/ 3.300 chỉ tiêu tuyển sinh; Trường ĐH Dân lập Hải Phòng tuyển gần 1.000 sinh viên/ 2.200 chỉ tiêu tuyển sinh; một số trường cao đẳng chỉ tuyển được khoảng 10% chỉ tiêu, thậm chí nhiều ngành không có thí sinh tham gia dự tuyển. “Bức tranh” tuyển sinh xem ra không mấy khả quan và không như những kỳ vọng mà các cán bộ tuyển sinh của nhiều trường đại học, cao đẳng đặt ra trước kỳ thi THPT quốc gia.

Phân luồng đào tạo

Theo GS.TS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng, một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn tới việc tuyển sinh nhiều năm nay khó khăn vì ở nước ta, tâm lý phụ huynh và học sinh còn đặt nặng vấn đề bằng cấp. Chính vì vậy, các trường đại học ngoài công lập, cao đẳng, trung cấp đang gặp rất nhiều khó khăn. Thêm vào đó, việc Bộ GD-ĐT tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia ít nhiều ảnh hưởng tới kế hoạch tuyển sinh của các trường. Theo đó, nếu như những năm trước đây, nguồn tuyển của các trường đại học ngoài công lập hoặc cao đẳng là những thí sinh trên ngưỡng xét tuyển cao đẳng hoặc dưới điểm sàn đại học thì năm nay lại khác. Thí sinh không đủ điểm vào đại học bằng điểm thi THPT quốc gia vẫn trúng tuyển bằng cách xét học bạ theo quy chế tuyển sinh của một số trường.

Hơn nữa, mỗi thí sinh có 4 đợt xét tuyển ở các trường đại học, mỗi đợt có 4 nguyện vọng. Do đó, ở các đợt xét tuyển sau dành cho các trường đại học ngoài công lập, cao đẳng, trung cấp, nguồn tuyển sẽ không còn bao nhiêu. Các trường đại học ngoài công lập, cao đẳng hoàn toàn bị động vì phải chờ thí sinh tham gia hết các đợt xét tuyển trước mới nộp hồ sơ xét tuyển vào trường mình. Mặt khác, năm nay ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các trường cao đẳng lên tới 12 điểm, cao hơn những năm trước từ 1-2 điểm nên các trường sẽ khó tuyển sinh.

Lãnh đạo nhiều trường cao đẳng cũng cho rằng, với quy định về xét tuyển như năm nay, các trường sẽ gặp phải khó khăn lớn trong công tác đào tạo. Cụ thể, các trường đại học đã tuyển đủ thí sinh và có thể tổ chức khai giảng ngay trong tháng 9 và bắt đầu chương trình đào tạo thì các trường cao đẳng phải lùi thời gian khai giảng vì việc tuyển sinh kéo dài. Việc tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, nhiều ngành không có thí sinh nộp hồ sơ là khó khăn rất lớn với các trường trong việc xác định lộ trình, phương hướng đào tạo trong tương lai.

Cũng theo GS.TS Trần Hữu Nghị, từ những kết quả tuyển sinh của các trường năm nay, Bộ GD-ĐT cần quyết liệt hơn trong việc phân luồng đào tạo để các trường yên tâm xây dựng kế hoạch tuyển sinh riêng của mình. Bộ GD-ĐT cũng cần có những chính sách hợp lý với các trường đại học ngoài công lập và hệ trường cao đẳng bởi nếu không nhiều trường sẽ đứng trước nguy cơ đóng cửa, lãng phí đầu tư của cả nhà nước và xã hội, ảnh hưởng đến đời sống của các cán bộ giảng viên cũng như làm mất cân bằng trong đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp. 

(Còn nữa)

Vân Anh - Huyền Trâm


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông