Kỹ thuật hình sự - Chìa khóa mở nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng

16:05 07/07/2023

Triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực trong nội bộ, Phòng Kỹ thuật hình sự - CATP (PC09) còn là chìa khóa mở ra nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, góp công lớn đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp dư luận xã hội đang quan tâm.

Nhắc tới vai trò đặc biệt giúp Cơ quan điều tra xử lý nhanh, chính xác các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng, Thượng tá Vũ Xuân Thắng - Phó Trưởng Phòng PC09 còn nhớ mãi lần CBCS đơn vị chạy đua với thời gian để vạch mặt chiêu lừa đảo của bọn tội phạm dự kiến tổ chức  “Phiên chợ chứng khoán” vào các ngày 1 và 2-9-2006 tại phường Vạn Hoa (Đồ Sơn).

Nhân vật chính của phiên chợ là Lý Hữu Hoàng, sinh 1945, quê gốc Quảng Trị, là Việt kiều Mỹ nhập cảnh vào Việt Nam tới vài chục lần. Do có “tỳ vết” cũng trong lĩnh vực “chứng khoán”, “cổ phiếu” ở TP.Hồ Chí Minh nên khi nhân vật này có động thái mở “phiên chợ” rất đáng ngờ này, việc thu thập tài liệu, các động thái, thủ đoạn của ông ta được các lực lượng trinh sát tập trung làm rõ.

Té ra, Lý Hữu Hoàng mượn tên, tuổi, uy tín và thương hiệu của một doanh nghiệp thành đạt ở Nam Định để giở trò. Từng bước, Hoàng giở thủ đoạn thâu tóm doanh nghiệp trên, ra cáo bạch bêu riếu, nói xấu họ rồi tự phong mình làm “chuyên gia chiến lược về cơ hội đầu tư” và phong cho đồng bọn các chức danh “Tổng giám đốc”, “Giám đốc điều hành” Công ty Việt Toàn cầu (phát hành cổ phiếu); tự vẽ mẫu đặt in 95 quyển cổ phiếu (trị giá 95 tỷ đồng); tự đứng ra mở phiên chợ chứng khoán; tự in giấy mời và đem phân phát khắp nơi.

Các mũi trinh sát CATP đã phải chia nhau đi thu thập tài liệu về Công ty Việt Toàn cầu, làm rõ bộ mặt thật cùng âm mưu, thủ đoạn của Lý Hữu Hoàng. Thực tế, Công ty Việt Toàn cầu có dấu nhưng chưa có mã số thuế, chưa có đăng ký hoạt động chứng khoán. Đặc biệt, các giám định viên Phòng PC09 suốt đêm 30-8, rạng ngày 31-8 đã làm việc không ngơi nghỉ để cuối cùng ra được kết luận: Con dấu do nhóm người tổ chức chợ phiên là dấu giả (được đóng trên cổ phiếu phổ thông và nhiều giấy tờ dùng để giao dịch). Đây là những tài liệu, chứng cứ hết sức quan trọng giúp CATP giải quyết vụ việc, xoá phiên chợ lừa đảo của bọn tội phạm.

Đội giám định Phòng KTHS triển khai công việc hằng ngày

Những năm gần đây, cuộc chiến với tội phạm kinh tế, chức vụ ngày càng cam go, nhiều thử thách bởi sự tinh vi, xảo quyệt của những nhóm lợi ích lợi dụng triệt để những lỗ hổng, bất cập trong cơ chế quản lý để phạm tội, gây thiệt hại đến tài sản, lợi ích của Nhà nước, nhân dân. Là thành viên nòng cốt của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực của thành phố, Giám đốc CATP đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản, trong đó Kỹ thuật hình sự được xác định như là một khâu mấu chốt khai mở các vụ án nghiêm trọng phức tạp.

Điển hình, vào 6-2019, Cơ quan CSĐT - Công an quận Dương Kinh điều tra dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc cấp hóa chất hỗ trợ phòng chống dịch bệnh thủy sản cho các hộ dân xảy ra tại Xí nghiệp Nuôi trồng thủy sản Kiến Thụy có trụ sở tại phường Hòa Nghĩa.

Các nghi phạm đã “ký thay” tên các hộ gia đình nhận hóa chất từ nguồn dự trữ quốc gia trên 4 bản danh sách được đóng dấu giáp lai của UBND phường Tân Thành. Kết quả giám định cho thấy có tới 131 chữ ký do cùng một người thực hiện. Đại úy Đặng Thế Hưng - Giám định viên Đội 2 Phòng PC09 cho biết: Các hộ dân không ký không được nhận tiền rất bức xúc. Ngay khi có kết luận giám định, xác định kẻ tham ô, bà con rất vui mừng vì đã đòi lại được sự công bằng những kẻ tham nhũng phải cúi đầu nhận tội trước pháp luật.

Còn Trung tá Phạm Đức Trung – Đội trưởng Đội 3 chia sẻ: Mỗi năm Đội giám định phải giải quyết hàng nghìn yêu cầu, trong đó có tới 30% liên quan đến các vụ việc kinh tế, tham nhũng. KTHS đã thực sự là mũi nhọn quyết định, phục vụ kịp thời công tác điều tra, truy tố, xét xử và xử lý vật chứng. Đặc biệt tại những vụ án lớn, kết luận khoa học của cơ quan Công an không chỉ định hướng điều tra đúng mà còn định hướng dư luận xã hội kịp thời, góp phần ổn định ANTT.

Thêm một dẫn chứng điển hình, từ tháng 2-2022 đến tháng 5-2022, Lê Quang Đạo, sinh 1992, trú tại 2C/71/315 Đà Nẵng, phường Cầu Tre, quận Ngô Quyền có hành vi làm giả Trích lục bản đồ địa chính để chiếm đoạt tiền của các hộ dân ở huyện Kiến Thụy và quận Đồ Sơn qua chiêu lừa nhận làm giấy tờ chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Quá trình điều tra, Công an quận Đồ Sơn đã thu giữ 57 Trích lục bản đồ địa chính giả và các con dấu giả. Giám định viên của Đội 3 đã xác định chính xác Lê Quang Đại đã làm giả hình dấu của Văn phòng đăng ký đất đai Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng và các Chi nhánh quận Đồ Sơn, Hải An và huyện Kiến Thụy; ký giả chữ ký của Giám đốc các Chi nhánh trên..

Trung tá Lương Thị Hải Yến-Phó Đội trưởng Đội 3 là người trực tiếp giám định nhiều tài liệu giấy tờ trong lĩnh vực này giãi bày: Bằng các biện pháp nghiệp vụ, đơn vị đã phát hiện nhiêu phương thức, thủ đoạn phạm tội mới cùng các loại vật liệu, giấy tờ giả như: Tẩy xóa, in thêm nội dung trên giấy CMND, GPLX, đăng ký xe nhất là các thủ đoạn tinh vi trong việc làm giả các loại tem nhãn, mác bao bì hoặc in trên sản phẩm, hàng hóa giả, nhập lậu.

Đây là nguồn chứng cứ khoa học, khách quan; là chìa khóa để cơ quan chức năng mở ra cách nhìn toàn diện, đầy đủ hơn, thấu đáo hơn trong giải quyết các vụ việc. Từ nguồn chứng cứ này,  nhiều tên tội phạm phải cứng họng. Nhiều vụ trốn thuế, gian lận thương mại, làm giả hồ sơ, chứng từ… khi nhìn thấy kết luận giám định tài liệu (chữ ký, hình dấu, chữ viết) đối tượng mới thực sự “tắt điện”.

Trung tá Lương Thị Yến đơn cử thêm vụ Vũ Văn Thành, sinh 1982, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội làm giả các CCCD bán cho các đối tượng sử dụng để mở tài khoản ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo. Để mở được tài khoản giả ấy mọi sự lại bắt đầu từ chính chiếc CCCD giả.

Nếu như trước đây, các đối tượng thường làm giả CCCD bằng cách in màu lên 1 chiếc thẻ cứng thì Thành lại sử dụng chính 1 chiếc CCCD thật mà hắn thu thập được rồi tẩy xóa phần ảnh và nội dung thông tin trên thẻ (họ tên, quê quán…). Sau đó, hắn in các thông tin mới lên 1 miếng decal và dán đè lên chiếc CCCD trên mang bán.

Như vậy, chiếc CCCD do Thành làm giả được sử dụng vẫn giữ nguyên các đặc điểm bảo an như 1 chiếc CCCD do Nhà nước ban hành nhưng lại có hình ảnh, thông tin của người khác. Khi chưa có kết luận giám định, Thành nhem nhẻm tranh luận với cơ quan điều tra vì CCCD hắn đem bán là thật, song khi có kết quả giám định, thủ đoạn trên bị bóc mẽhắn mới chịu khai nhận hành vi phạm tội.

Sau vụ việc trên, Phòng An ninh kinh tế - CATP có mở lớp tập huấn chuyên đề cho các ngân hàng vạch rõ các phương thức thủ đoạn của tội phạm làm giả các giấy tờ để giao dịch với ngân hàng. Từ đó, các nhân viên ngân hàng thao tác kỹ hơn trong việc phát hiện những giấy tờ tài liệu giả khi giao dịch.

Trong chiến công chung đó có sự đóng góp rất nhiều của những chiến sỹ KTHS thành phố Cảng, tuy thầm lặng nhưng khiến tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng phải sờn lòng, chùn tay. Và các kết luận giám định vẫn mãi là một vũ khí sắc bén, một trong những nguồn chứng cứ quan trọng để chứng minh sự thật của các vụ án hình sự, dân sự, hành chính, giúp cơ quan điều tra xác định rõ bản chất vụ việc, phương tiện, đối tượng gây án.

Thượng tá Quách Tiến Hải - Trưởng Phòng Kỹ thuật hình sự - CATP

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông