Lại thêm các vụ xả thải không phép vào nguồn nước

19:50 15/09/2019

Theo dự báo của Liên hiệp quốc thì 70% bề mặt trái đất là nước, song chỉ có 3% là nước sạch có thể phục vụ sinh hoạt và sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nhu cầu nước sạch toàn cầu sẽ vượt nguồn cung 40% vào năm 2030, do tác động của biến đổi khí hậu, hoạt động của con người và gia tăng dân số. 10 thành phố lớn trên thế giới được báo động sắp cạn kiệt nguồn nước đó là San Paulo-Brazil, Bắc Kinh-Trung Quốc, Banggalo-Ấn Độ, Cairo-Ai Cập, Jakatar-Inđônêxia, Mátxcova-Nga, Istanbul-Thổ Nhĩ Kỳ, Mêxico City-Mexico, Luân Đôn-Anh và Miami-Mỹ.

 

Những tác động về biến đổi khí hậu cũng đã hiển hiện với thực trạng xâm nhập mặn, sa mạc hoá, mỗi năm “ăn” đến hàng nghìn héc ta đất thịt, bằng hàng chục ngôi làng, thành phố. Bên cạnh đó là sự gặm nhấm, huỷ hoại từ hoạt động của con người, trong đó không thể không kể đến hoạt động sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm nguồn nước cho các dòng sông, ao, hồ.

Trong thời gian qua, Báo An ninh Hải Phòng đã liên tiếp phản ánh các vụ việc đổ trộm chất thải, xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn xuống các sông, kênh vừa là nguồn nước tưới tiêu, vừa là nguồn nước thô phục vụ sản xuất nước sạch cho gần hai triệu người dân và hàng nghìn doanh ngiệp trên địa bàn thành phố.

Mới đây, đoàn kiểm tra có đại diện các sở, ngành, địa phương đã phát hiện Công ty CP thương mại và xuất khẩu Hưng Thịnh Phát có địa chỉ tại thôn 5 xã Bắc Sơn, huyện An Dương đã xả nước thải trực tiếp vào nguồn nước sông Rế, trong khi doanh nghiệp chưa được cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước của cơ quan có thẩm quyền.

Chưa hết, hoạt động trong lĩnh vực nhập tôn thép, cắt tạo phôi, gá lắp sản phẩm, hàn, sơn, làm sạch… song chất thải nguy hại, chất thải rắn thông thường, công ty lưu giữ không đúng quy định, thậm chí còn để nhiều chất thải nguy hại vương vãi ngoài trời. Đặc biệt, đoàn kiểm tra “bó tay” vì không lấy được mẫu chất thải, do không xác định được điểm xả nước thải của doanh nghiệp?!

Cũng trong tình trạng xả thải trực tiếp, không giấy phép vào nguồn nước sông Rế-con sông đang cung cấp tới 80% lượng nước thô phục vụ sản xuất nước sinh hoạt, sản xuất trên toàn thành phố-là Công ty TNHH giày Phúc Đạt ở thôn Lương Quy, xã Lê Lợi, huyện An Dương. Tại hiện trường kiểm tra, công ty có 3 khu nhà vệ sinh phục vụ cho khoảng 200 lao động thì lại không được thu gom tập trung để xử lý mà nước thải đang chảy tràn trong phạm vi khu đất của doanh nghiệp rồi ngấm vào các khu vực xung quanh?! Đoàn kiểm tra cũng không phát hiện được điểm xả nước thải của công ty vào mương thuỷ lợi sát phía ngoài tường rào của doanh nghiệp và cũng không lấy mẫu quan trắc được mẫu nước thải vì không xác định được điểm xả cuối?!

Đối với trường hợp của Công ty TNHH Việt Trang có địa chỉ tại thôn Mỹ Tranh, xã Nam Sơn, cũng trên địa bàn huyện An Dương, mặc dù đang thuê lại mặt bằng, nhà xưởng của một đơn vị khác, song doanh nghiệp không có hồ sơ môi trường và cũng không có giấy phép xả thải. Tại thời điểm kiểm tra, doanh nghiệp đang hoạt động chế bản in, phát sinh nước thải rửa phim, nước thải rửa dụng cụ in, rửa tay có lẫn mực in của công nhân đều không được xử lý mà chảy vào kênh Bắc Nam Hùng rồi đổ vào sông Rế?! Chất thải nguy hại của công ty không được lưu giữ, chuyển giao đúng quy định, còn để lẫn với chất thải công nghiệp.

Mặt khác, lại có không ít doanh nghiệp, mặc dù đã có giấy phép xả thải vào nguồn nước của cơ quan có thẩm quyền, song khi đoàn kiểm tra làm việc thì lại cũng phát hiện nhiều lỗi khác như xả thải vượt khối lượng được cấp phép, hệ thống xử lý nước thải không vận hành thường xuyên dẫn đến không đạt hiệu quả,  nhiều thông số vượt tiêu chuẩn quy định…

Đơn cử như Công ty TNHH Vikky Sli Việt Nam có địa chỉ tại xã Nam Sơn, huyện An Dương, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đồ chơi trẻ em với tổng số lao động gần 700 người. Mặc dù đã được cấp phép xả thải vào sông Rế với tiêu chuẩn cột A-tức là xử lý đạt tiêu chuẩn để xả thải vào nguồn nước thô phục vụ sản xuất nước sạch-song tại thời điểm tháng 11-2018, mẫu quan trắc các thông số ô nhiễm là BOD5, Amoni, Coliform đều vượt quá giá trị tối đa cho phép.

Tiếp đến tháng 4-2019 vừa qua, hai thông số là TDS và Amoni cũng vẫn tiếp tục vi phạm. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu công ty khẩn trương khắc phục, thu gom triệt để nước rửa tay của công nhân, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, lắp đặt đồng hồ đo lượng nước thải sau xử lý, cập nhật sổ vận hành hệ thống xử lý nước thải thường xuyên.

Tiếp đến là công ty CP đầu tư và sản xuất thương mại Tuấn Anh có địa chỉ tại xã An Hưng, huyện An Dương. Khi đoàn kiểm tra có mặt tại hiện trường thì đồng hồ đo nước thải đầu ra…không hoạt động, điều đó cũng đồng nghĩa hệ thống thu gom không thu gom nước thải về trạm xử lý?! Họng xả nước thải không lấy được mẫu do không có dòng chảy từ lâu, chỉ có dòng chảy tại họng xả nước mưa. Còn nữa, tại tuyến cống xây từ QL5 cũ vào, nước thải phát sinh từ khu vực dân cư và chợ Hỗ mới có màu đen, lưu lượng lớn, mùi hôi, rất ô nhiễm.     

Không thể liệt kê hết các trường hợp vi phạm về xả thải vào hệ thống nguồn nước kênh An Kim Hải chạy qua địa bàn huyện An Dương, trong đó có sông Rế, song điều đó cho thấy nguồn nước thô của thành phố đang bị đe doạ ngày đêm. Chế tài về xử phạt, buộc doanh nghiệp đủ điều kiện phải làm thủ tục xin cấp phép xả thải vào nguồn nước, hay lắp đặt đồng hồ, camera giám sát hoạt động của hệ thống vận hành, xử lý nước thải đều đã có. Vấn đề ở đây là các cơ quan quản lý nhà nước có mạnh tay buộc doanh nghiệp phải chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định, đảm bảo công bằng và bảo vệ nguồn nước ngọt của gần hai triệu người dân thành phố hay không?

Kim Oanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông