16:44 11/10/2015
Nghe tiếng gõ, bà Phương ra mở cửa. Sau cánh cửa, người đàn ông gần 70 tuổi với những nếp nhăn đã hằn sâu trên khuôn mặt, đôi mắt cụp xuống, đứng lặng im trước mặt bà. Bà Phương vẫn còn nhớ, cũng là người đàn ông này của gần 40 năm về trước, cũng là sau cánh cửa ấy đã quay lưng lại bà mà đi thẳng, không nói một câu, không chút vấn vương. Ngày đó bà đã khóc hết nước mắt. Dòng nước mắt ấy bây giờ đã thành băng đá, bà lặng im không nói năng... Bà Phương, bà Thủy, ông Quân, ông Thi là bộ tứ nổi tiếng học giỏi, xinh đẹp của trường làng. Ngày còn đi học, 2 bà khăng khít với nhau còn hơn chị em gái, thân nhau “con chấy cắn đôi”. Thi hết cấp 3, bốn người chọn 4 con đường khác nhau: bà Phương làm cô giáo, bà Thủy làm kế toán, ông Quân làm phi công còn ông Thi lại là một thủy thủ. Học hành xa nhau nhưng tình cảm của họ lại thêm bền chặt. Tốt nghiệp đại học, họ kết thành 2 đôi uyên ương đẹp như mộng, ở làng ai cũng ngưỡng mộ. Bà Phương ở lại làm cô giáo làng, ông Thi miệt mài với những chuyến đi biển dài ngày. Bà Thủy một mình giữa thủ đô với 3 đứa con, chờ chồng là ông Quân sau những chuyến bay. Cuộc sống tưởng chừng êm đềm như 1 dòng sông thu, rồi đột nhiên bà Thủy và ông Quân chia tay nhau. Số phận run rủi, ông Thi lại nhận nhiệm vụ hàng quý chở dầu lên Hà Nội. Rồi bạn cũ gặp nhau. Đầu tiên chỉ là chia sẻ, động viên của những người bạn tri kỷ. Sau dần dà, sự trống vắng của người đàn ông xa vợ lâu ngày đã khiến ông Thi ngã vào lòng bà Thủy lúc nào không hay. Bà Phương ở quê ngày đêm mỏi mắt trông chồng, số lần ông Thi về thăm gia đình ngày càng thưa dần. Rồi một ngày bà quyết định lên thăm cô bạn thân. Đó là một buổi chiều đông giá lạnh, bà Phương xách lễ mễ trên tay nào là gạo, là rau, là quả... Qua 5 - 6 nhịp cầu thang, bà đứng trước 1 cánh cửa gỗ của ngôi nhà tập thể cũ với hy vọng sẽ có một bữa tối ngon lành và 1 đêm hàn huyên không ngủ, chứ không như lời đồn thổi của người làng. Bà gõ cửa cộc cộc không ai thưa. Bà chỉ nghe thấy tiếng người rì rầm nho nhỏ, mà có cả tiếng đàn ông và đàn bà. Bà lắng tai nghe. Ôi chao, tiếng rên rỉ, hoan hỉ của những kẻ đang tình tứ: “Em đau chỗ này này, anh xoa cho em nhé…”. Bà Phương nghe mà đỏ bừng cả mặt, nghĩ là mình đã nhầm nhà, toan vội bỏ đi. Tò mò, bà nhìn qua khe cửa. Bà vội lấy tay xoa xoa đôi mắt vì cứ nghĩ mình đang tưởng tượng ra, nhưng không - trong ngôi nhà đó, đúng là chồng bà và cô bạn gái. Bà đứng như trời trồng, 2 tay buông thõng, bao gạo rơi tóe rung, con gà kêu quang quác. Lúc ấy 2 con người đang say đắm ở bên trong mới giật mình. Ông Thi vội nhìn qua cái lỗ cửa bằng bàn tay thì nhận ra vợ mình. Bà Phương biết có người ra, vội vàng bỏ đi. Lúc ông Thi mở được cửa chỉ nhìn thoáng thấy dáng một người phụ nữ vụt chạy rất nhanh. Bà Phương bưng mặt khóc như mưa, như gió. Bà thấy chiều mùa đông năm đó lạnh đến buốt tim gan. Trái tim bà như đang có hàng ngàn nhát dao xé nát. Hận chồng nhưng thương con, bà không nỡ buông xuôi, cũng chẳng ầm ĩ đôi co. Bà lặng lẽ chuyển cả gia đình về gần nơi ông công tác. Nhưng tình người đã tuột khỏi tay 2 con người phụ bạc, mặc cho vợ con mình nheo nhóc, đơn côi, mặc cho bạn mình ngày đêm đau đớn, họ vẫn lao vào nhau như con thiêu thân trước cơn giông bão. Gạt nước mắt vào trong, bà Phương lặng lẽ ngày đêm kiếm đủ mọi kế sinh nhai để nuôi 3 đứa con ăn học. Lương của một giáo viên cấp 2 trường huyện ở thời bao cấp với ngô, khoai, sắn là chủ yếu đã khiến bà lúc nào cũng phải gồng mình lên để chịu đựng. Khi là chõ xôi, hay cỗ lòng lợn, bà làm thêm sau mỗi giờ học để kiếm thêm cho 3 đứa con tội nghiệp của mình.
Những đứa con biết thương mẹ, học hành chăm chỉ, giỏi giang, lại biết phụ mẹ làm hàng nên bà đã có thêm sức mạnh để bước tiếp cả một chặng đường đầy chông gai. Ngày một, ngày một trôi đi, rồi cả mấy chục năm đã qua như một cái chớp mắt, 3 đứa con của bà bây giờ đã khôn lớn, trưởng thành. Bà Phương cũng đến tuổi nghỉ hưu, ở nhà vui vầy cùng con cháu. Kỷ niệm cũ đã lắng xuống theo thời gian. Hôm nay ông Thi lại trở về trước mặt bà. “Tôi đã sai rồi, bà cho tôi được trở về nhà”. Giọng ông Thi run run, đôi mắt nhìn chằm chằm xuống nền gạch. “Về nhà ư, ông vẫn nhớ đây là nhà ông ư” - bà Phương chậm rãi nói. Bà lặng lẽ đi pha trà, rót cốc nước mời ông như một vị khách: “Mời ông uống nước, rồi tôi gọi các con về”. Bữa cơm tối hôm ấy, lần đầu tiên nhà bà Phương có đầy đủ cả gia đình sau gần 40 năm. Chẳng vui vẻ, rôm rả như bữa cơm gia đình sau bấy nhiêu năm xa cách. Lặng lẽ đến lạnh người, 3 người con biết ý cũng không nói gì trước khi bà Phương cất lời. “Lâu rồi không gặp các con, trước mắt ông cứ thăm chúng đi đã” - bà Phương nói. Chị Lan con gái đầu của bà hiểu mẹ hơn cả, nhanh nhảu đưa ra ý kiến: “May quá, đúng lúc con mới sinh cháu, chưa có ai trông cháu, bố về giúp con nhé”. Ông Thi nghe con gái nói mà như người chết đuối vớ được cọc, khuôn mặt rạng rỡ cả lên: “Thế thì tốt quá”. Hôm sau bà Phương gọi riêng các con để bàn họp. Bà quyết định mua một mảnh đất ở quê, xây một căn nhà nhỏ để ông ở, cũng là để tiện trông nom ông bà tổ tiên nội ngoại 2 bên. Tiếng là ở một mình nhưng ông Thi có nhiều người họ hàng xung quanh. Hàng ngày ông lại có cái thú vui với mấy con ngan, con gà nuôi thả ngoài vườn, con cá dưới ao hay cặm cụi với mấy luống rau, cây ăn quả. Thi thoảng, con cháu lại về thăm ông. Đêm nay ông nằm ngẫm nghĩ về những tháng ngày mà mình đã ra đi, bỏ lại bà Phương một mình, nước mắt cứ chảy ròng ròng. Trằn trọc cả đêm không ngủ, sáng sớm tinh mơ khi mặt người còn chưa tỏ, ông đã bắc bếp đun nồi nước to, lùa bắt mấy con gà, hái ít rau sạch mà bà Phương vẫn thích. Ông định sẽ bắt xe lên thành phố sớm để kịp nấu cho bà một bữa cơm trưa... Xuân Hạ |
22:29 23/11/2024
09:46 21/11/2024