Loạn thần vì rượu – bệnh không thể xem thường

14:25 07/09/2017

Rượu là tác nhân gây ra nhiều hậu quả cho gia đình và xã hội. Không chỉ gián tiếp gây ra nhiều vụ giết người, gây thương tích hay tai nạn giao thông mà những năm trở lại đây, rượu còn là chất gây nghiện dẫn đến tình trạng loạn thần, hoang tưởng khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh khốn khổ…

Nhiều căn bệnh nguy hiểm do rượu gây ra trong đó có bệnh loạn thần (ảnh minh họa)

Khổ vì rượu

Vừa dẫn chúng tôi đến Khoa điều trị ma túy, bệnh viện Tâm thần Hải Phòng, nơi điều trị cho các bệnh nhân bị loạn thần vì rượu, ThS.BS Đàm Đức Thắng – Phó giám đốc bệnh viện vừa chia sẻ: “Thời gian gần đây, không chỉ gia tăng số người mắc các hội chứng tâm thần do rượu gây ra, người bệnh mắc các bệnh này ngày càng trẻ hóa.

Điều lo ngại hơn, phần lớn số người bệnh sau khi điều trị ổn định tại bệnh viện trở về gia đình, một thời gian sau họ lại tái nghiện và lại quay lại điều trị tại bệnh viện, khiến cho việc điều trị sau khi tái nghiện khó khăn hơn”. Chỉ tay vào chiếc cổng sắt nằm im lìm dẫn vào khoa điều trị, anh Thắng tâm sự, người nghiện rượu hay tìm cách trốn viện nên cánh cổng này không bao giờ được mở nếu chưa có sự cho phép của các y, bác sỹ tại đây. 

Dọc hành lang Khoa điều trị ma túy, bệnh viện Tâm thần Hải Phòng là hình ảnh những người đàn ông đủ các độ tuổi đang đi lại, khuôn mặt thất thần, khắc khổ. Họ là những người nghiện rượu nhiều năm, có biểu hiện loạn thần được gia đình đưa vào bệnh viện với mong muốn các bác sỹ ở đây có thể giúp họ chữa được căn bệnh hoang tưởng do rượu gây ra.

Trong số những trường hợp bị loạn thần vì rượu đang điều trị tại đây, phải kể đến trường hợp của ông Ngô Quang H. (SN 1958, Đại Hợp, Kiến Thụy). Được các bác sĩ dẫn vào trò chuyện với ông H, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, bởi tiếp xúc với chúng tôi là một người đàn ông hiền lành với những dòng chia sẻ rất thật: “Trước kia ở nhà mỗi ngày tôi uống khoảng nửa lít rượu, hôm nào không uống thì cứ thấy thiêu thiếu cái gì đó. Rượu vào lời ra, tôi không thể nhớ nổi mình đã nói và làm những gì.

Tôi được vào đây điều trị đã 5-6 lần rồi. Tôi cũng muốn cai được rượu lắm, nhưng cứ ở đây về nhà, được anh em rủ rê là lại uống lại. Mặc dù vào đây điều trị loạn thần nhưng nói thật là tôi vẫn thèm rượu lắm”.

Ấy vậy mà, sau những lời chia sẻ rất thật đó lại là một người đàn ông thường xuyên ăn nói linh tinh, hay nổi khùng vô cớ, đập vỡ đồ đạc và mắng nhiếc vợ con mỗi khi có chút men trong người. Cũng chính vì những biểu hiện loạn thần như vậy mà vợ con ông đã đưa ông vào đây, mong ông sớm khỏi bệnh.

Tương tự trường hợp của ông H, là trường hợp của anh Nguyễn Văn L. (xã Cái Tắt, An Đồng, An Dương). Trước khi vào đây, anh L. được đưa vào điều trị tại bệnh viện Việt Tiệp. Nhưng do loạn thần vì rượu mà anh L. đã giật đứt các dây truyền nước để chạy trốn. Khi được người nhà đưa vào khoa, toàn thân anh bầm tím, máu chảy rất nhiều do tiểu cầu giảm và có biểu hiện ăn nói linh tinh.

Sau đó, anh L. nằm mê man mấy ngày liền, lên cơn co giật buộc các bác sĩ phải trói cố định chân tay vào thành giường. Anh L. chia sẻ: “Trước kia, tôi làm nghề thợ xây, thường xuyên cùng các anh em ăn nhậu. Uống rượu nhiều thành quen nên không bỏ được. Khi tỉnh rượu tại bệnh viện, tôi không thể nhớ nổi chuyện gì đã xảy ra trước đó. Giờ tôi cũng chỉ mong sớm cai được rượu, chữa được căn bệnh loạn thần để vợ con đỡ khổ”.

Bệnh nặng do thiếu hiểu biết

“Có những bệnh nhân do loạn thần vì rượu nên thường xuyên gài đinh trước cổng nhà để bẫy nhân tình của vợ vì nghi vợ mình có người khác ở bên ngoài. Hoặc có trường hợp bệnh nhân trước khi được đưa vào điều trị loạn thần do rượu, mỗi lần uống rượu xong lại chạy ra giữa đường để chặn xe container”. Đó là một số trong rất nhiều câu chuyện dở khóc dở cười về những người nghiện rượu và các biểu hiện loạn thần do rượu gây ra được các bác sĩ tại bệnh viện Tâm thần Hải Phòng chia sẻ.

Theo Ths.BS Vũ Thị Ngọc – Phó trưởng Khoa điều trị ma túy, bệnh viện tâm thần Hải Phòng cho biết: “Trung bình mỗi tháng, khoa tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân vào điều trị do loạn thần vì rượu.

Các bệnh nhân khi vào viện điều trị hầu hết là do ngừng uống rượu một thời gian sau đó họ xuất hiện hội chứng cai biểu hiện. Khi đó, họ có những biểu hiện run chân tay, vã mồ hôi, co giật giống động kinh, ăn kém, mất ngủ,… có trường hợp phải điều trị 2 – 3 ngày mới đỡ”.

Cũng theo ThS.BS Vũ Thị Ngọc, loạn thần do rượu có rất nhiều biểu hiện khác nhau như rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi (đánh vợ, chửi con, đập phá đồ đạc), rối loạn tri giác như thường xuyên xuất hiện ảo giác, ảo thị, ảo cảm xúc; rối loạn tư duy như hoang tưởng ghen tuông hoặc tưởng tượng sắp bị hại.

Bệnh nhân đang điều trị tại Khoa điều trị ma túy, Bệnh viện tâm thần Hải Phòng.

Hầu hết các bệnh nhân ở đây đều là lao động phổ thông, điều kiện gia đình khó khăn và thiếu hiểu biết về căn bệnh này. Đặc biệt có trường hợp ông Quách Văn X. (SN 1952, Tự Cường, Tiên Lãng), ông X. là nạn nhân chất độc da cam, do uống rượu nhiều năm nên bị loạn thần vì rượu. Ông thường xuyên có biểu hiện đập phá đồ đạc, chửi vợ, chửi con.

Nhưng do gia đình không hiểu biết, đến khi bệnh tình của ông đã quá nặng mới đưa vào viện để điều trị. Lúc này, qua tìm hiểu,các bác sĩ mới biết, vợ ông cứ nghĩ ông bị di chứng của chất độc da cam nên mới có những hành động như vậy. Do thương chồng nên bà cũng cắn răng chịu đựng, không dám hé nửa lời trách móc cho đến khi các con động viên đưa ông vào viện để kiểm tra và điều trị.

Do thiếu hiểu biết, nhiều người cứ nghĩ uống rượu để cho vui nhưng rõ ràng những hậu quả mà rượu gây ra đã trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Không chỉ gây loạn thần mà rượu còn tác động gây ra những căn bệnh khó điều trị như xơ gan, dạ dày, máu mỡ, viêm loét dạ dày, tá tràng, viêm tụy, tăng huyết áp, đái tháo đường, gây độc cho máu…

Chính vì vậy, điều trị nghiện rượu và các biểu hiện loạn thần do rượu gây ra thì rất dễ nhưng để bệnh nhân bỏ rượu thì rất khó. Điều quan trọng, việc điều trị cai rượu phải thật kiên trì và cần có sự phối hợp giữa bệnh nhân, gia đình và các bác sĩ điều trị.

Ngân Phạm

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông