10:48 12/08/2019 Những năm gần đây, bên cạnh tạo đột phá lớn cho phát triển hạ tầng kinh tế, thành phố cũng rất chú trọng đến đầu tư xây dựng và chỉnh trạng hạ tầng đô thị. Tuy nhiên, một vấn đề không kém phần nhức nhối đó là tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh chưa thực sự được khắc phục, khiến bộ mặt đô thị Hải Phòng chưa thể “đẹp” như kỳ vọng.
Không ít tuyến đường đã bị hô biến thành chợ
Hệ quả thời kinh tế mở
Có người suy rằng, hết giai đoạn cộng sản nguyên thủy, một phần tài sản được dân chúng đem ra mua bán trao đổi, cái nơi tập trung ấy người ta gọi là chợ.
Rồi để cho tiện tích trữ lưu thông hàng hóa và đi lại, người buôn bán dựng nhà cửa kho tàng đường xá ngay tại đó, hình thành một khu cư ngụ gọi là phố. Phố và chợ gắn bó với nhau, sản sinh ra sự phồn thịnh, để lịch sử xã hội phát triển như ngày nay, nên mới có khái niệm thành thị?
Nhưng mô hình ấy giờ không thực sự đúng, khi xuất hiện một dạng hình thương mại mới mà trong bài viết này tạm gọi là “chợ đường”. Bởi xét về bản chất, cứ nơi nào diễn ra trao đổi mua bán và sinh lời từ hàng hóa, nghĩa là nơi ấy là chợ, thì việc kinh doanh nơi mặt đường, vỉa hè cũng chính là chợ.
Nhưng bất cập trong việc biến các khu dân cư thành chợ là sự đánh tráo khái niệm khó chấp nhận. Lẽ thường, sau những yếu tố tích cực ban đầu, lĩnh vực nào phát triển ồ ạt cũng nảy sinh nhiều tiêu cực, dạng chợ đường này cũng vậy.
Xét về mặt tích cực, chợ đường là sự ra đời tất yếu của quá trình vận động chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đáp ứng nhu cầu của đông đảo người tiêu dùng. Chợ đường đem lại nhiều tiện ích, môi trường kinh doanh thông thoáng làm rõ giá trị thực của hàng hóa, khách hàng có thể chỉ cần ghếch chân gọi một câu là giao dịch đã thành công.
Và đương nhiên hàng hóa giao dịch lớn, càng tạo ra sự hấp dẫn của thị trường. Hơn nữa, chợ đường là một dạng xã hội hóa tự nhiên, nên nhà nước cũng tiết kiệm được một lượng lớn tiền của đầu tư cho hạ tầng như các chợ truyền thống. Chợ đường còn làm gia tăng giá trị bất động sản, vì nếu chỉ để ở, chắc chắn khoảng cách giá chuyển nhượng giữa nhà mặt đường và trong ngõ không khủng khiếp như hiện nay.
Nhưng vấn đề bùng nổ của nó cũng thể hiện rõ sự buông lỏng của khâu quy hoạch và quản lý. So với các chợ truyền thống, việc quản lý chợ đường thiếu thống nhất, vả lại vì quy hoạch yếu nên cơ bản lệ thuộc vào cảm hứng của người kinh doanh. Từ đây phát sinh các lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm, nhiều cửa hàng mọc lên không đủ điều kiện, các phố cụt, ngã rẽ, ngõ rộng biến thành chợ cóc chợ tạm, thậm chí một số nhà công vụ, trụ sở cơ quan nhà nước cũng biến thành chợ.
Rất nhiều con đường trong thành phố đã biến mất công năng như Trần Nhật Duật, Nguyến Khuyến, Lương Văn Can, An Đà… khiến đô thị giống như một thân thể đẹp khoác trên mình bộ quần áo tả tơi.
Thực trạng chợ đường
Cạnh tranh chưa bình đẳng
Ở một lĩnh vực khác, trong lúc chưa có giải pháp hữu hiệu đối phó với tình hình mới, bức tranh thương mại nội địa thành phố như vết mực loang. Bởi dạng hình chợ đường đang đẩy các mô hình chợ tập trung vào thế bất bình đẳng, nhất là chợ truyền thống.
Nhìn vào thực trạng hiện nay, các chợ lớn ở nội thành, dù cơ sở hạ tầng rất đẹp, nhưng ngoài những ki-ốt bám đường, bước vào trong chợ đã thấy tình cảnh ngán ngẩm ở ngay tầng 1, còn từ tầng hai trở lên thì rất hoang phí.
Rõ ràng sự tiện ích của chợ đường mang lại đã góp phần “khai tử” chợ truyền thống, chẳng hạn khách muốn mua một mớ rau 5.000 đồng, nhưng gửi xe vào chợ lại mất thêm 5.000 đồng nữa, thì ai dại gì mà không mua ngoài đường để lao vào chợ?
Theo số liệu thống kê, toàn thành phố hiện có gần 150 chợ, được xếp hạng theo thứ tự 1,2,3. Nhưng dù ở cấp độ nào thì lượng hàng hóa lưu chuyển qua hệ thống này khó bề cạnh tranh được với chợ đường.
Hãy thử lấy một ví dụ, như tuyến đường Đà Nẵng dài 3.225m, chỉ có khoảng trên dưới 100 nhà mặt đường không có dấu hiệu kinh doanh, cùng với một khoảng trống dành cho đường nhánh, ngõ, cơ quan hành chính… cứ cho là chiếm hết 1/4 chiều dài mặt đường, nghĩa là tương ứng 806m. Phần còn lại 2.419m, tính bình quân mỗi gian mặt đường 4m, thì tổng số thuộc dải chợ đường này (gồm hai bên) sẽ là 1.210 quầy.
Nếu giả định theo công thức này được tính cho cả khu vực nội đô, mới thấy hết chợ đường rõ là kẻ khổng lồ. Đấy là chưa tính đến vỉa hè, các đường nhánh, ngõ rộng… dù mật độ các cửa hàng không dày bằng mặt đường lớn, nhưng cũng không kém phần khủng khiếp.
Tiếc rằng, trong các báo cáo thống kê cũng như chiến lược phát triển cho tương lai, dường như không có văn bản nào nhắc đến chợ đường. Vậy làm thế nào để định hướng phát triển thương mại có hiệu quả, khi phần lớn mảng kinh doanh dịch vụ hàng hóa bị bỏ ra ngoài quy hoạch?
Và hệ lụy giao thông
Dù đã được đầu tư rất lớn, nhưng một trong những nguyên nhân lý giải về vấn đề ách tắc giao thông cho Hải Phòng thường được cho là cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đúng mức? Có lẽ không hoàn toàn như vậy, bản chất là thiếu đồng bộ và kém hiệu quả chứ chưa hẳn là không “đúng mức”. Ở bài viết này, tác giả muốn nhìn từ góc độ khác.
Rất nhiều khách nước ngoài khi đến Việt Nam nhận xét rằng: “Thành phố các bạn rất đẹp về … đêm”. Quả đúng vậy, nếu nửa đêm thức dậy mà đi ra, nhìn đường phố thênh thang, vỉa hè thoáng đạt, lúc ấy ai dám bảo đường xá quê mình chật hẹp. Nhưng khi mặt trời vừa ló, từ ngõ hẻm đến đại lộ, không chỗ nào không gặp hàng quán, lúc ấy không còn phân biệt được đâu là đường là hè nữa.
Nhiều tuyến đường bị biến mất hoàn toàn, người xe và hàng hóa chen chúc xô đẩy nhau, vậy thủ phạm là ai nếu không phải là thể hình chợ đường?
Từ khi các mặt phố, vỉa hè biến đổi toàn diện thành chợ, thì một phần các cung đường đương nhiên trở thành… công trình phụ trợ. Tài sản chung của xã hội bị “tư hữu hóa” vượt mọi tầm kiểm soát, khiến người trong nước còn không hiểu ra làm sao, nói gì khách du lịch nước ngoài.
Lẽ ra, nhìn từ công tác quản lý, hệ quả này cần phải dẹp bỏ hoặc đưa vào trật tự, nhưng hiện trạng không phản ánh được điều đó. Hiện nay khó có thể kiếm được một đoạn hè nào giữ đúng được công năng, mà thay vào đó là khung cảnh phổ biến: phần ngoài để cắm ô căng bạt cho thợ sửa xe sửa khóa, xe ôm, xe ăn lưu động… phần giữa để xe khách hàng, phần trong để các cửa hàng lấn chiếm. Khung cảnh trên không cần một sự khảo sát nào tốt hơn nhìn bằng mắt thường ở mọi khu phố.
Chắc chưa đến nỗi bi quan, nhưng một điều không thể phủ nhận, khi hè đường là tài sản không riêng của ai, mà là của quốc dân đồng bào. Vậy mà giờ đây nó bị biến thành chợ, phục vụ cho riêng một nhóm lợi ích. Để mục tiêu phát triển bền vững trở thành hiện thực, cần phải chấm dứt tình trạng này.
Nghĩa là thành phố phải có giải pháp tiêu chuẩn cho chợ đường, thì mới có thể hoàn thiện nỗi khát khao đi lên văn minh hiện đại.
Thiết nghĩ, không giải pháp nào đúng bằng: “Tất cả các khái niệm phải được trả lại cho chính xác, đường là đường, hè là hè, nhà là nhà và chợ đương nhiên phải là chợ.”, dù không phải chuyện riêng của Hải Phòng, và câu chuyện đặt rá chắc chắn khó có hồi kết trong một sớm một chiều.
Hoàng Minh
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão