09:50 16/01/2023 Tôi lên đường ra đảo Bạch Long Vĩ trong một buổi sáng tinh mơ của tiết cuối năm. Cửa biển đón chào bằng trận mưa phùn rả rích. Từng cơn gió rét luồn vào da thịt. Gió của vùng cửa biển bao giờ cũng phóng túng, ngang tàng. Con tàu như bác thợ cả nghiêm cẩn vẫn cần mẫn trườn đi trong nhuênh nhoang mờ ảo và rào rạt tuôn rơi. Màn hoan ca giữa mây và nước khiến cho cái khoảng cách giữa đảo và bờ dường như thêm xa vời vợi. Tôi ước, nếu giờ đây mặt biển và bầu trời hoán đổi cho nhau. Thì cũng lúc đó, con tàu như cánh thoi đưa kéo cái khoảng xa xôi kia nhanh gần lại, để cho đảo và bờ vơi bớt nỗi nhớ mong...
Mưa đã ngưng từ lâu, những sóng gió, lắc lư, tròng trành cũng tạm nhường chỗ cho lòng người xốn xang, rạo rực lên ngôi. Đảo kia rồi, chấm xanh mờ xa cứ lớn dần, lớn dần lên theo vòng quay chân vịt tàu và giờ đây đã hiển hiện như một pháo đài uy nghi, sừng sững án ngữ khắp một vùng cương thổ địa đầu của đất Việt linh thiêng.
Chiếc tàu nhỏ trung chuyển người và hàng hóa từ tàu lớn tung tăng chạy vào đảo. Hai bờ âu đảo như hai cánh tay của người mẹ hiền đang giang ra che chở cho đàn con của mình. Những con tàu đánh bắt xa bờ đến từ các tỉnh miền Trung như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận... dường như đang còn ngủ vùi sau một đêm thức cùng sóng nước ngoài kia. Đời ngư phủ lấy tàu là nhà, biển, đảo là quê hương, lấy sóng gió trăng sao làm bầu bạn. Mỗi chuyến đi từ bốn đến sáu tháng họ mới về quê. Cứ hễ cá đầy khoang họ lại bán cho các tàu thu mua ngay trên biển. Xong giao dịch lại trở vào đảo để đóng đá, bơm dầu, nghỉ ngơi rồi tiếp tục ra khơi. Với họ, đảo là căn cứ hậu cần, là đất liền, là chiếc neo để họ bám giữ sau những ngày đêm tất tả với công việc mưu sinh đằng đẵng giữa khơi xa.
Tàu vào đảo Bạch Long Vĩ
Mặc cho sóng gió, mặc cho khí hậu khơi xa khắc nghiệt, những ánh mắt, những nụ cười của người dân đảo cùng hàng ngàn ngư dân ở nhiều địa phương trong cả nước ra đây làm ăn vẫn ánh lên niềm tin mãnh liệt. Biển của ta, đảo của ta, ta phải gắng sức ra khơi vào lộng. Những thanh âm cuộc sống vẫn vang lên khắp âu cảng, khắp các cơ sở kinh doanh dịch vụ, các cơ quan, đơn vị đứng chân nơi đây. Này là nụ cười của cô gái thanh niên xung phong, là tiếng trẻ ê a học bài trong lớp, tiếng máy nổ vui tai của tàu thuyền, của xưởng sữa chữa, tiếng lao xao bán bán mua mua, tiếng chuông chùa “binh boong” vọng lại...
Bạch Long Vĩ, Đuôi Rồng Trắng hay Phù Thủy Châu... những cái tên mang đậm huyền tích tự ngàn xưa gợi cho ta niềm kiêu hãnh, tự hào về một hòn đảo, một nhúm nhau của bà mẹ Việt nằm kề biên giới lân bang. Đảo nhỏ nhưng lại gánh vác trọng trách to lớn, sứ mệnh cao cả của quốc gia dân tộc. Bạch Long Vĩ cùng với các đảo vùng Đông Bắc tạo thành phên dậu, thành lũy vững chãi để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ bất biến ngàn đời trên biển trước những hung hăng toan tính của phía ngoại xâm.
Đi trên những con đường bê-tông của Bạch Long Vĩ mà lòng tôi không khỏi chộn rộn niềm vui và cảm phục về sức sống mãnh liệt của quân và dân nơi huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Dù đã rất nhiều lần ra đây nhưng mỗi lần ra là một lần đổi khác. Đảo như được khoác chiếc áo mới mang nhiều màu sắc dịu dàng. Màu xanh của cây cối sum suê, màu vàng, màu ghi của những công trình mới, màu đỏ tươi của lá cờ tung bay giữa nền xanh thăm thẳm, màu da nâu giòn của những người lính trẻ đang kiên gan bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió.
Trạm 1 Cảnh sát biển - một đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 nằm khiêm nhường ngay phía đầu đảo, từ dưới cảng đi lên. Rảo bước qua hàng phi lao xanh ngắt là bước vào khoảng không gian nhỏ bé với ngôi nhà mái bằng và một vài phòng làm việc, phòng nghỉ ngơi của cán bộ chiến sĩ toát lên sự gọn gàng, ngăn nắp. Vườn rau xanh mướt mắt, mấy chú lợn béo tròn, hơn chục chú ngan ục ịch dạo chơi trong khu vực chăn nuôi khiến cho tôi cảm phục công sức, mồ hôi của mười mấy anh em ở Trạm đã bỏ ra để biến một vùng đất cằn cỗi, khắc nghiệt trở thành mô hình VAC bền vững trên hòn đảo tiền tiêu này. Trong số hơn chục anh em cán bộ, chiến sĩ của Trạm, người để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất có lẽ là Thượng uý Phan Thanh Bằng, nhân viên Thông tin. Cho đến nay, chàng trai sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Xuân Phương, huyện Xuân Trường, Nam Định này đang giữ kỷ lục là người bám trụ tại Trạm lâu nhất. Bằng đã xung phong ra công tác tại đây 4 “tăng” với hơn 6 năm, còn các chuyến được điều động tăng cường ra đảo làm nhiệm vụ thì nhiều lắm. Hoàn cảnh gia đình đang còn rất nhiều khó khăn, bố mẹ ở quê, con còn bé, hai vợ chồng anh hiện đang thuê nhà ở Hải Phòng để tiện cho công việc của vợ và chăm sóc con. Khó khăn, xa xôi cách trở là vậy nhưng Phan Thanh Bằng vẫn luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên, cùng tập thể cán bộ, chiến sĩ của Trạm 1 hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần giữ cho biển, đảo được bình yên.
Trên cao kia, ngọn hải đăng Bạch Long Vĩ vẫn thao thức hằng đêm vừa tỏa ra ánh sáng diệu kỳ báo hiệu cho con tàu ngược xuôi đúng hướng vừa ngầm khẳng định rằng, sức mạnh của dân tộc Việt Nam luôn được giăng đều trên khắp dải biên cương. Và kia nữa, những cánh sóng radar trên đỉnh núi vẫn mải miết quay đều để luôn dõi theo, phát hiện dù là dấu hiệu nhỏ nhất trên màn hình hiển thị - không để Tổ quốc bất ngờ!
Phía ngoài xa kia có một dấu chấm đỏ tươi đang nằm giữa mặt biển mênh mang, đó chính là con tàu Cảnh sát biển mang số hiệu 9004. Đã gần hai tháng nay, tàu CSB 9004 làm nhiệm vụ trực tại khu vực này. Mặc cho sóng, mặc cho gió, mặc cho bão tố hiểm nguy, con tàu vẫn như một chiến binh dũng cảm dọc ngang trên khu vực biển được phân công để giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền và đồng hành, sát cánh cùng bà con ngư dân trong những chuyến vươn khơi. Đã có rất nhiều vụ việc tàu cá của ngư dân ta bị sự cố, tai nạn trên vùng biển này. Trong thời khắc sinh tử, sự có mặt kịp thời của những con tàu Cảnh sát biển đã giúp bà con thoát khỏi sóng gió hiểm nguy để trở về đất liền an toàn. Giữa biển cả bao la, sự có mặt của người lính Cảnh sát biển đã làm cho bà con an tâm bám biển, vừa làm giàu cho gia đình, quê hương, vừa góp phần xây chắc thế trận lòng dân, an ninh nhân dân để bảo vệ, giữ gìn cương vực quốc gia.
Hoàng hôn buông. Đảo như cô gái thẹn thùng, e ấp giữa chốn ba quân. Ngoài âu đảo, những chiếc tàu đánh bắt xa bờ ục ịch nổ máy nối đuôi nhau chui ra khỏi vòng tay của mẹ để bắt đầu một canh biển mới. Chợt tôi nghe tiếng hát Đúm vang lên từ chiếc thuyền nan của đôi vợ chồng làm nghề bán hàng tạp hóa trong âu cảng. Tiếng hát lúc nỉ non, lúc dìu dặt, thiết tha hòa lẫn tiếng nước khua mái chèo nghe sao mà thao thiết, bâng khuâng "Bây giờ kì ngộ tương phùng/Bõ công ao ước trông mong xa gần/Gái trai sống ở cõi trần/Lẽ nào bỏ phí cái xuân cho đành...". Hỏi ra mới biết, cư dân của đảo phần đa là dân các xã Lập - Phục - Phả (Lập Lễ - Phục Lễ - Phả Lễ), huyện Thủy Nguyên - cái nôi của làn điệu hát Đúm đặc sắc của thành phố cảng Hải Phòng. Dù có ở đâu, làm gì nhưng cái hồn cốt, cái bản sắc của quê hương, xứ sở vẫn luôn bám chặt trong tâm hồn mỗi con người nơi đây.
Phố đảo lên đèn. Tôi đi giữa những tiếng nói, tiếng cười mang nặng âm sắc đặc trưng của nhiều vùng miền trong cả nước. Gió lồng lộng thổi mang theo hương vị tanh nồng, mặn mòi của biển cả. Câu hát "Bạch Long Vĩ đảo quê hương.." mà cô gái ở Liên đội Thanh niên xung phong vừa hát trong buổi giao lưu văn nghệ chiều nay làm tôi càng thêm xao xuyến, lâng lâng. Và chắc chắn rằng, trong hành trang ngày mai trở về phố thị, tôi sẽ mang theo những ánh mắt, nụ cười và cả những mênh mang diệu vợi. Hình ảnh những người dân, những người lính đang trụ vững nơi này làm cho đầu tôi như chuếnh choáng men say…
Lam Giang
16:11 21/11/2024
08:05 13/11/2024