Mít tinh hưởng ứng kỷ niệm Ngày Quốc tế về khu dự trữ sinh quyển năm 2022

09:38 04/11/2022

Sáng 3-11, tại Vườn Quốc gia Cát Bà (Cát Hải), Bộ TN&MT phối hợp với UBND TP Hải Phòng, UBQG Chương trình Con người & Sinh quyển Việt Nam (MAB Việt Nam), tổ chức lễ “Mít tinh hưởng ứng kỷ niệm Ngày Quốc tế về khu dự trữ sinh quyển”. Dự lễ mít tinh có các đồng chí: Thứ trường Bộ trưởng Bộ TN&MT - Võ Tuấn Nhân, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng - Nguyễn Đức Thọ; ông Christian Manhart - Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam; Đào Quyền Trưởng - Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Ủy ban quốc gia UNESCO, Bộ Ngoại giao; Nguyễn Thanh Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội nhân văn và Tự nhiên, Bộ KH&CN; GS. TS Nguyễn Hoàng Trí - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Con người và Sinh quyển Việt Nam; lãnh đạo UBND các tỉnh/thành phố có khu DTSQ thế giới; đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương; Ban thư ký, các chuyên gia của UBQG về Con người và Sinh quyển Việt Nam; các Ban quản lý DTSQ thế giới tại các địa phương; đại diện các sở, ban, ngành, lãnh đạo UBND, các cơ quan, đơn vị, đoàn thể trên địa bàn huyện Cát Hải.
Quang cảnh lễ mít tinh

Ngày Quốc tế về Khu DTSQ (ngày 3-11) đã được Đại hội đồng UNESCO công bố trong phiên họp thứ 41 (2021, 41C/37) nhằm thúc đẩy bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững trên toàn cầu. Ngày 3-11 năm nay là lần đầu tiên thế giới kỷ niệm Ngày Quốc tế về Khu DTSQ cũng là ngày đánh dấu kết thúc sự kiện kỷ niệm 50 năm Chương trình Con người và Sinh quyển.

Việt Nam là quốc gia tích cực trong việc tham gia Mạng lưới các khu DTSQ thế giới với 11 khu DTSQ đã được UNESCO công nhận. Các khu DTSQ thế giới đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn thiên nhiên, góp phần thúc đẩy đạt mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Thọ phát biểu chào mừng lễ mít tinh

Thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của quốc gia thành viên Mạng lưới các khu DTSQ thế giới, Bộ TN&MT phối hợp UBND TP Hải Phòng, MAB Việt Nam, tổ chức lễ mít tinh nhằm tuyên truyền sâu rộng cho các đơn vị, cơ quan và cộng đồng dân cư về vai trò của khu DTSQ thế giới đối với đời sống, sinh kế con người.

Thứ trưởng Bộ TN&MT - Võ Tuấn Nhân phát biểu khai mạc

Vườn quốc gia Cát Bà có diện tích 26.240 ha, trong đó 17.040 ha đất đảo, 9.200 ha mặt nước biển – là vùng lõi của Khu DTSQ thế giới quần đảo Cát Bà, được lựa chọn là địa điểm tổ chức lễ Mít tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế về Khu DTSQ trong chuỗi các sự kiện tổng kết hoạt động của các khu DTSQ thế giới tại Việt Nam.

Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Ủy ban quốc gia UNESCO, Bộ Ngoại giao - Đào Quyền Trưởng phát biểu tham luận

Nơi đây chứa đựng các hệ sinh thái tự nhiên đặc thù với các rạn san hô cùng hệ động thực vật đa dạng, gồm 2.320 loài động thực vật. Trong đó, có 282 loài động vật sống trong rừng, 538 loài động vật sống ở đáy biển, 196 loài cá biển, 771 loài thực vật trên cạn, 23 loài thực vật ngập mặn, 75 loài rong biển, 177 loài san hô..., với nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ. Một trong số đó phải kể đến loài Vọoc Cát Bà – loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới.

Cát Bà còn là nơi có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, cảnh đẹp say đắm lòng người, thu hút hàng triệu lượt khách du lịch đến tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Vườn quốc gia hàng năm. Đặc biệt, Quần đảo Cát Bà còn là điểm di sản thiên nhiên thế giới trong tương lai không xa bởi hiện nay hồ sơ đề cử đã trình UNESCO xem xét, công nhận.

Ngày Quốc tế về Khu DTSQ năm 2022 được tổ chức không chỉ hưởng ứng với cam kết quốc tế mà còn là cơ hội để người dân nâng cao nhận thức, tuyên truyền giáo dục, triển khai và hỗ trợ các nghiên cứu khoa học, đưa KH&CN vào nâng cao hiệu quả quản lý các khu DTSQ của Việt Nam.

GS. TS Nguyễn Hoàng Trí - Chủ tịch Ủy ban quốc gia Con người và Sinh quyển Việt Nam phát biểu tại lễ mít tinh

Phát biểu chào mừng lễ mít tinh, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Thọ nhấn mạnh: Kể từ ngày thành lập đến nay, các hoạt động của Khu DTSQ quần đảo Cát Bà luôn được sự quan tâm, động viên của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành trung ương, các tổ chức Quốc tế và lãnh đạo thành phố, góp phần quan trọng bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển KT-XH thành phố. Việc bảo tồn đa dạng sinh học được triển khai hiệu quả, đúng quy định theo các phân vùng của Khu DTSQ; các dự án trồng rừng, làm giàu rừng được thực hiện đã làm phong phú thêm các thảm thực vật, tạo điều kiện thuận lợi về môi trường sống cho các loài động vật đặc hữu phát triển.

Các đại biểu cùng cam kết thực hiện các hoạt động vì mục tiêu phát triển bền vững các khu DTSQ thế giới tại Việt Nam

Khu DTSQ Cát Bà đã được UNESCO quốc tế ghi nhận thực hiện thành công phương châm “bảo tồn cho phát triển - Phát triển cho bảo tồn” và khung hoạt động “Tư duy hệ thống - Quy hoạch cảnh quan - Điều phối liên ngành - Kinh tế chất lượng” do Ủy ban quốc gia Chương trình con người và Sinh quyển Việt Nam khởi xướng. Những hoạt động đó, đã góp phần quan trọng bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và xây dựng nông thôn mới, phát triển KT-XH thành phố.

Nhân Ngày quốc tế đầu tiên về Khu DTSQ, Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân trên địa bàn thành phố hãy chung tay, chủ động, tích cực bảo vệ môi trường; giữ gìn, bảo tồn nguồn gen quý hiếm, đặc hữu của Khu DTSQ quần đảo Cát Bà.

Các đại biểu tham gia trồng cây hưởng ứng “Sáng kiến 1 tỷ cây xanh”

Phát biểu khai mạc tại lễ mít tinh, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đánh giá cao những nỗ lực, thành tựu của mạng lưới các khu DTSQ ở Việt Nam trong thời gian qua. Đồng thời đề nghị các cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố có khu DTSQ tiếp tục hợp tác triển khai đồng bộ, hiệu quả các hành động nhằm thúc đẩy việc phát triển mạng lưới các khu DTSQ trong thời gian tới như:

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến về giá trị, tầm quan trọng của các khu DTSQ đối với sự sống của con người, thiên nhiên, đồng thời kêu gọi kết gọi mọi người dân cùng cam kết bảo vệ, sử dụng bền vững các dịch vụ vệ sinh thái, tăng cường quản lý và phát huy chức năng về bảo tồn, hỗ trợ và phát triển của các Khu DTSQ tại địa phương.

Mặt khác, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, giáo dục, phát huy các giá trị văn hóa của khu DTSQ, xây dựng các khu dự trữ sinh quyển trở thành các mô hình mẫu về phát triển bền vững. Đẩy mạnh các giải pháp đầu tư vào bảo tồn, quản lý và phát triển bền vững các khu DTSQ thế giới tại địa phương để tăng cường kết nối giữa con người và thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa đang sinh học…

Là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực TN&MT; trong đó có công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học, Bộ TN&MT đang tiếp tục hướng dẫn đề cử, quản lý các khu DTSQ thế giới, phấn đấu đến năm 2030 có 15 khu DTSQ thế giới được UNESCO công nhận.

Các đại biểu tham gia trồng cây hưởng ứng “Sáng kiến 1 tỷ cây xanh”

Tại lễ mít tinh, các đại biểu đã cùng cam kết thực hiện các hoạt động vì mục tiêu phát triển bền vững các khu DTSQ thế giới tại Việt Nam.

Cũng nhân dịp này, Ban tổ chức triển khai chương trình trồng cây hưởng ứng và thúc đẩy thực hiện “Sáng kiến 1 tỷ cây xanh” tại các Khu DTSQ thế giới ở Việt Nam và tổng kết hoạt động Mạng lưới khu DTSQ năm 2022.

Đây là hoạt động định kỳ hàng năm do MAB Việt Nam tổ chức nhằm đánh giá những thành tựu, hạn chế và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát triển bền vững của các khu DTSQ thế giới.

KC

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích