Mô hình “Tổ tàu thuyền đoàn kết” Điểm tựa giúp ngư dân bám biển, vươn khơi

19:39 08/10/2017

Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, những năm qua, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng TP đã tham mưu cho các địa phương ven biển biển thành lập “Tổ tàu thuyền đoàn kết”. Qua đó, tạo điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm bám biển, vươn khơi, đồng thời vận động ngư dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, đấu tranh phòng chống tội phạm và cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Đoàn kết khai thác hải sản

Hiện nay, hoạt động khai thác hải sản ở vùng biển Hải Phòng đang diễn ra sôi động, với cơ cấu ngành nghề khai thác đa dạng, ngư trường rộng lớn, từ vùng biển ven bờ quanh các quần đảo Cát Bà, Long Châu cho đến đảo Bạch Long Vỹ và vùng đánh cá chung Việt Nam - Trung Quốc, thu hút lượng lao động lớn tham gia.

Trước đây, khi chưa có “Tổ tàu thuyền đoàn kết”, khi khai thác thủy sản trên biển, ngư dân thường tổ chức đánh bắt riêng lẻ theo kiểu mạnh ai người đó làm. Các ngư dân tự tìm ngư trường đánh bắt riêng, mà không có sự hỗ trợ, giúp đỡ của các ngư dân khác. Do đó, khi có tình huồng hay sự cố, tai nạn bất ngờ trên biển, nhiều ngư dân không kịp trở tay, và cũng rất ít khi nhận được sự hỗ trợ của các tàu ngư dân khác nên có khi họ phải đánh đổi cả tính mạng của mình giữa biển khơi mênh mông. 

Một ngư dân gặp nạn được BĐBP cứu hộ kịp thời 

Theo thượng tá Nguyễn Đức Khánh, Trưởng ban Vận động quần chúng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố Hải Phòng, cho biết: “Để giúp ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo, năm 2013, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố đã chỉ đạo các đồn Biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương thành lập "Tổ tàu thuyền đoàn kết" và “Cụm tàu an toàn” để giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình khai thác và khi gặp thiên tai, hoạn nạn.

Trên cơ sở đó, thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9/1/2015 của Thủ tướng chính phủ, năm 2017, Bộ Chỉ huy BĐBP TP đã tham mưu cho chính quyền địa phương ven biển thành lập 54 tổ tàu thuyền đoàn kết, với 689 phương tiện và 2091 lao động tham gia ở các địa bàn trọng điểm về khai thác thủy sản, hải sản và dịch vụ du lịch như: Đồ Sơn, Cát Hải, Đoàn Xá (Kiến Thuy), Vinh Quang (Tiên Lãng).  Trong đó, quận Đồ Sơn thành lập 20 tổ, 122 tàu, 622 lao động; huyện Cát Hải thành lập 14 tổ, 322 phương tiện. Trung bình mỗi tổ có từ 5 đến 10 tàu thuyền chuyên đi khai thác vùng xa bờ…”.

Các tổ này thường có quy chế như: các thuyền viên phải đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, khi đi biển gặp rủi ro thì chia sẻ hoạn nạn, khi gặp luồng cá cùng hỗ trợ nhau khai thác; giúp nhau mọi mặt, từ việc tìm ngư trường đánh bắt, phân công nhau đưa cá về đất liền bán cũng như hỗ trợ về ngư cụ sản xuất, góp phần giảm chi phí nhiên liệu.

Chuẩn bị ngư cụ để ra khơi, ngư dân Lưu Đình Dũng, tổ trưởng tổ àu thuyền đoàn kết 1, phường Ngọc Hải, Đồ Sơn, tâm sự: Mỗi lần đánh bắt xa bờ phải mất cả tháng trời trên biển, chúng tôi cần có sự đoàn kết, tương trợ nhau.

Từ khi thành lập "Tổ tàu thuyền đoàn kết", ngư dân thông tin hỗ trợ nhau tìm ngư trường đánh bắt, khai thác với sản lượng cao, giá trị sản phẩm lớn, tăng mức thu nhập. Bên cạnh đó, mỗi lần đánh bắt xa bờ phải mất cả tháng trời trên biển, chúng tôi cần có sự đoàn kết, tương trợ nhau cùng khai thác hải sản, kịp thời giúp đỡ nhau khi có sự cố về máy móc, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Ngư dân Nguyễn Văn Toàn, ở tàu thuyền đoàn kết Tiến Lộc, thị trấn Cát Hải, cho biết: Khi tham gia tổ tàu thuyền đoàn kết, các ngư dân trong tổ thường xuyên giữ liên lạc qua máy bộ đàm Icom, để trao đổi thông tin về tình hình thời tiết, cũng như có trách nhiệm với nhau khi các thành viên trong tổ gặp các sự cố trên biển, giúp nhau yên tâm bám biển vươn khơi…”.

Để nâng cao nhận thức về chủ quyền biển đảo của ngư dân, Bộ Chỉ huy BĐBP TP Hải Phòng còn phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền về Luật Biển, Luật Hàng hải, cơ chế thông tin liên lạc trên biển, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, những vấn đề về chủ quyền trên vùng biển, đảo; triển khai đánh dấu tàu cá và gắn biển phân tuyến vùng khai thác cho tàu vươn khơi.

Qua các đợt tập huấn, hiệu quả được nâng lên rõ rệt, ngư dân khai thác thủy sản trên biển đều treo quốc kỳ Việt Nam trên nóc phương tiện. Ngư dân cũng luôn tích cực đấu tranh với các hành vi xâm phạm chủ quyền vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, khai thác trộm thủy hải sản.

Tham gia cứu hộ cứu nạn và bảo vệ chủ quyền biển đảo

Thương tá Nguyễn Đức Khánh, nhấn mạnh thêm: “Xây dựng tổ tàu thuyền đoàn kết, ngoài việc các ngư dân, phương tiện hỗ trợ nhau trong sản xuất, cứu hộ, cứu nạn, còn giúp lực lượng biên phòng làm tốt hơn công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biên giới biển.

Ngư dân hoạt động trên biển là kênh thông tin quan trọng, giúp các đồn biên phòng phát hiện kịp thời các hành vi xâm phạm chủ quyền khu vực biên giới biển, cũng như cung cấp thông tin về tình hình an ninh trật tự trên biển. Ngư dân còn là lực lượng tại chỗ giúp BĐBP cùng các cơ quan liên quan thực hiện cứu hộ, cứu nạn trên biển khi được trưng dụng phương tiện, con người.

Đồn BP Cát Bà cứu ngư dân gặp nạn trên biển (Ảnh Hồng Hải)

Trong 9 tháng năm 2017, các đồn biên phòng đã điều động 66 lượt tàu, xuồng, 358 CBCS, đồng thời huy động 13 lượt tàu ngư dân trong tổ tàu thuyền đoàn kết, tham gia tìm kiếm cứu nạn 58 vụ, cứu sống 66 người, kịp thời đưa 9 thuyền viên gặp nạn trên biển đi cáp cứu, đảm bảo an toàn tính mạng. Giữa biển cả mênh mông, mỗi khi tàu cá gặp nạn trên biển, họ phải phát tín hiệu cho các tàu cá đánh bắt gần đó đến cứu.

Mới đây nhất, vào lúc 11h ngày 2-10, Đồn BP Vinh Quang nhận được tin báo cứu nạn khẩn cấp của một ngư dân, báo tin anh Nguyễn Trọng Chức, sinh 1970, ở xã Đông Hưng, Tiên Lãng đang gặp nạn trên biển.

Anh Chức điều khiển thuyền vỏ nhựa Composit, đi từ bãi nuôi ngao thử nghiệm vào ờ, thì phương tiện bị chết máy, trôi dạt tại cửa sông Thái Bình, cách trạm kiểm soát biên phòng Đông Hưng, Đồn BP Vinh Quang 4 hải lý về hướng Đông Nam. Nhận được tin báo, Đồn BP Vinh Quang đã điều động 1 xuồng, cùng 4 cán bộ chiến sỹ, trưng dụng 1 tàu cá của anh Vũ Văn Hà, ở thôn Thụy Hưng, xã Đông Hưng, Tiên Lãng, đang hoạt động gần khu vực tàu bị nạn để phối hợp tìm kiếm cứu nạn. Đến 12h10 cùng ngày, tổ cứu nạn đã phát hiện phương tiện cùng người bị đang trôi dạt, kéo vào bờ an toàn.

Trước đó, 23h15 ngày 20-8-2017, tại khu vực cách âu cảng cá Ngọc Hải. Đồ Sơn, 4 hải lý về phía Đông Nam xảy ra vụ va chạm hàng hải. Tàu cá vỏ gỗ mang số hiệu NA 94125 TS/125cv, trên tàu có 4 lao động, do anh Nguyễn Văn Dũng, sinh 1971, ở Vạn Hương, Đồ Sơn, làm thuyền trưởng, đang hành trình từ biển vào cảng cá Ngọc Hải, đến khu vực trên, do trời tối, đã đâm vào tàu HD 1094 đang neo đậu. Hậu quả vụ va chạm làm tàu NA 94125 bị bục xảm, nước tràn vào khoang, có nguy cơ bị đắm.

Nhận được tin báo cứu nạn của ngư dân, Bộ chỉ huy BĐBP TP đã chỉ đạo Đồn BP Đồ Sơn điều động 1 xuồng và 5 CBCS, đồng thời huy động tàu cá HP 90387 TS, trên tàu có 3 thuyền viên, do anh Đinh Văn Hiến, sinh 1972, làm thuyền trưởng, cùng tham gia cứu nạn. Đến 4h cùng ngày 21-8, tổ cứu nạn đã tiếp cận tàu bị nạn, đưa 4 lao động và lai dắt tàu NA 94125 về cảng cá Ngọc Hải, đảm bảo an toàn…

Hàng năm, từ nguồn tin do ngư dân trong tổ tàu thuyền đoàn kết cung cấp, lực lượng BĐBP Hải Phòng đã xua đuổi nhiều lượt tàu cá nước ngoài ra khỏi vùng biển Việt Nam. Cũng từ nguồn tin do ngư dân cung cấp, các Đồn BP đã xử lý nhiều vụ người dân dùng te kích điện đánh bắt hải sản, mua bán, tàng trữ trái phép chất nổ, chất ma túy.

Cũng nhờ mô hình “Tổ tàu thuyền đoàn kết” hoạt động hiệu quả, mà sản lương khai thác hải sản của ngư dân ven biển Hải Phòng từng bước tăng lên, đời sống của người dân bản biển, bám tàu cũng dần được cải thiện. Nhận thấy hiệu quả của mô hình, nhiều ngư dân đã mạnh dạn cải hoán tàu thuyền, đóng mới tàu có công suất lớn tích cực tham gia vào tổ tàu thuyền đoàn kết để sản xuất trên biển.

Bên cạnh đó, thông qua tổ đoàn kết sản xuất trên biển, các ngư dân nâng cao hơn ý thức và trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo “mỗi ngư dân là một cột mốc trên biển”. Mô hình đã ngày càng đem lại hiệu quả thiết thực về mọi mặt, đồng thời huy động sức mạnh của nhân dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Hồng Hải

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích