10:52 09/09/2022 Tín hiệu vui cho vận tải đường sắt đó là lượng khách đi, đến thành phố Hải Phòng bằng tàu hỏa gia tăng đột biến, nhất là vào những ngày nghỉ cuối tuần, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 vừa qua. Tuy nhiên, đây lại đang là áp lực đối với ngành bởi hạ tầng kỹ thuật đường sắt đã “già nua”, xuống cấp, kinh phí đầu tư hạn hẹp, công tác bảo đảm TTATGT khó khăn…
Theo ông Đặng Tiến Mạnh, Trưởng Ga Hải Phòng – Chi nhánh khai thác đường sắt Thái Hải Hà, lượng khách lưu thông đi, đến Hải Phòng bằng tàu hỏa đã có sự gia tăng đột biến kể từ tháng 4-2022. Cụ thể, trong 4 tháng (từ tháng 4 đến hết tháng 7-2022) đã có 294.862 khách đi, đến Hải Phòng bằng tàu hỏa. So với cùng kỳ 2019, khi chưa có đại dịch Covid-19, tăng 86%; còn nếu so với cùng kỳ năm 2021, lượng khách tăng bằng 647%.
Đặc biệt, trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2-9-2022 vừa qua (từ ngày 1-9 đến hết ngày 4-9) tại Ga Hải Phòng có 40 chuyên tàu khách đi – đến đã đưa đón tổng số 24.332 lượt khách.
Để đáp ứng nhu cầu đi lại của khách đi tàu hỏa, Ga Hải Phòng tăng cường thêm toa xe và tăng chuyến. Cụ thể, ngày cuối tuần, các đoàn tàu trên tuyến Hà Nội –Hải Phòng được lập với thành phần lớn nhất cho phép, mỗi đoàn tàu kéo 18 toa xe (gồm 1 toa xe phát điện, 1 toa xe chở hành lý và 16 toa xe chở khách). Với tổng công suất đạt trên 900 hành khách, tương đương các ngày lễ Tết. Đồng thời, tăng thêm 1 chuyến tàu đến từ Hà Nội về Hải Phòng vào sáng thứ Bảy và tăng thêm 1 chuyến tàu đi (Hải Phòng – Hà Nội) vào buổi chiều Chủ nhật thay vì 4 cặp tàu đi và đến như các ngày trong tuần.
Tuy nhiên, trong việc nâng cao sản lượng và chất lượng vận tải hành khách tuyến đường sắt Hà Nội- Hải Phòng bởi các yếu tố. Đó là, vận tải đường sắt có hành trình dài, số đôi tàu ít, tần suất chuyến đi đến giảm. Việc chạy tàu chở khách bị hạn chế giờ chạy vì lý do phải cấm chạy tàu tại nội đô thành phố Hà Nội và Hải Phòng để ưu tiên giao thông đô thị. Cụ thể, tại đầu thành phố Hà Nội ngày thường cấm từ 6h30 đến 20h00 tàu không được vào Ga Hà Nôi. Tại Hải Phòng, khung giờ từ 6h30 đến 8h0 buổi sáng và từ 16h30 đến 18h0 buổi chiều cũng bị cấm chạy tàu về Ga.
Rồi nữa là cơ sở hạ tầng còn lạc hậu, thiếu thốn. Ví dụ rõ nét nhất đó là tốc độ chạy tàu thấp, tại nạn giao thông đường sắt tại các đường ngang, lối đi tự mở còn nhiều; các nhà ga chật hẹp. Cụ thể, tuyến đường sắt thuộc địa bàn thành phố Hải Phòng bắt đầu từ km 82 + 400 (khu gian Phú Thái - Dụ Nghĩa), địa phận giáp ranh giữa xã Kim Lương, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương với xã Lê Thiện, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng đến km 106 + 890 địa phận phường Đông Hải, quận Hải An, thành phố Hải Phòng. Với chiều dài 24,490 km đi qua địa phận 5 quận, huyện là huyện An Dương, quận Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền, Hải An. Trên tuyến hiện đang tồn tại 32 đường ngang; trong đó có 10 đường ngang có người gác, 8 đường ngang có cảnh báo tự động, cần chắn tự động và 14 đường ngang biển báo. Ngoài ra trên tuyến có 46 lối đi tự mở.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, trên tuyến đã xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1 người và 2 người khác bị thương; tăng 2 vụ, tăng 1 người chết so với cùng kỳ 2021. Cũng trong 6 tháng đầu năm 2022, trên tuyến cũng đã xảy ra 2 vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình đường dây thông tin tín hiệu đường sắt do nhà dân thi công nhà ở (tăng 1 vụ so với cùng kỳ năm 2021); xảy ra 2 vụ sự cố đường sắt (tăng 2 vụ so với cùng kỳ năm 2021). Đây là những nguyên nhân khách quan làm ảnh hưởng đến chạy tàu.
Từ thực tế vận tải khách hiện nay, Ga Hải Phòng kiến nghị cần rút ngắn thời gian chạy tàu trên tuyến. Bên cạnh đó là đẩy mạnh việc đầu tư hệ thống đường gom, cảnh báo tự động để đảm bảo an toàn chạy tàu. Song song với đó là nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật các nhà ga như: Phòng đợi tàu, ke ga, mái che ke ga, quảng trường, nhà WC ...
Đoàn Lanh
16:11 21/11/2024
08:05 13/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão