16:53 14/10/2016
Cứ mỗi độ thu về, trong cái lạnh se se của gió bấc cũng là lúc từng đàn chim di cư tìm về phương Nam tránh rét. Và, nhiều con trong số chúng đã một đi không trở lại bởi sự săn bắt đến tận diệt của con người... ĐỘC CHIÊU TẬN DIÊT Nếu như trước đây, thú săn bắt chim trời chỉ được xem như trò giải trí, tiêu khiển của lũ trẻ hoặc những người rỗi việc thì vài năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu của muôn vàn “thượng đế”, cánh thợ săn chim chuyên nghiệp có mặt ở khắp mọi nơi, dùng đủ mọi cách để tận diệt “lộc trời”... Sau mấy lần thuyết phục, Quý - một tay săn chim lão luyện quê ở Thủy Nguyên - mới đồng ý cho tôi theo chân nhóm bẫy chim với điều kiện không được quay phim, chụp ảnh. Và ngày cuối tuần, trên chiếc xe máy, chúng tôi rong ruổi khắp những cánh đồng đang thơm mùi lúa chín từ xã Liên Khê trở ngược lại Chính Mỹ. Men theo con đường nhỏ, đến một bãi đất trống, phía dưới không xa đầy lau sậy, chúng tôi dừng lại. Trong lúc tôi còn trông trời nhìn đất thì nhóm của Quý bắt tay vào việc. Họ chặt hai cành le to rồi chọn vị trí cắm sào, căng lưới ở đoạn tiếp giáp giữa đầm lau và một hàng cây. Lưới bẫy chim có chiều dài hơn 20m, cao 5m, khi căng lên giống một cầu môn khổng lồ, cuộn lại thì nhìn chẳng khác nào mớ tóc rối. Hai con chim mồi được họ trói chân, buộc vào cây cọc sát vườn bắp, phía sau lưới khoảng 2m. Ánh chiều dần buông, dưới các bờ bụi chân ruộng, tiếng các loài chim phát ra râm ran. Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, Quý phân trần: “Ngày xưa, khi chim còn nhiều thì chỉ việc giăng lưới cá loại nhỏ nhất lên khắp các cánh đồng là có thể bắt được chim vì trong cái ánh sáng chạng vạng, chúng khó mà quan sát được những tấm lưới nhỏ li ti, bay phất phơ trong gió. Tuy nhiên, vài năm nay thì chim ít hơn và khôn ra nên cánh săn chim nghĩ ra cách thâu lại tiếng các loài chim rồi phát lại”. Tiếng càng trong, càng dễ lừa. Đúng như lời Quý nói, chừng nửa tiếng, từ trong bụi cây tôi thấy rất nhiều chèo bẻo, mòng két bay về, kêu ríu rít vang trời. Chúng đậu trên ngọn cây, ngó liệng một hồi rồi sà xuống. 1 con, 2 con, 3 con…, chỉ trong tích tắc gần chục con đã bị sa lưới. Chúng càng giãy giụa càng bị mắc chặt hơn. Đợi đến khi “lưới nặng chim đầy”, nhóm của Quý mới rời chỗ nấp ra thu hoạch chiến lợi phẩm. Dù nghề chính là dân lái xe nhưng trong những ngày rỗi rãi, anh Nguyễn Văn Hòe, ở Hải An, vẫn thường rong ruổi đến các bãi đầm từ Tràng Cát ra Đình Vũ để bẫy chim trời, kiếm thêm thu nhập. “Bảo bối” hành nghề rất đơn giản, mà theo lời của anh là những hộp keo dính có xuất xứ từ Trung Quốc. Chỉ cần một cây cần tự chế dài vài mét, thêm một cây nhôm làm thanh ngang bôi keo gắn vào cần và một chiếc loa có tải nhạc tiếng chim kêu là những “chim thủ” như anh có thể tha hồ kiếm cơm. Không vất vả như bẫy các loài chim khác, Hòe bảo bẫy chim sẻ chỉ quanh quẩn vài ba lùm cây, nghe tiếng kêu tưởng của đồng loại là có khi cả đàn sa chân dính bẫy. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, nghề bẫy chim sẻ giờ khó rồi, chim ít lại nhát người. “Mỗi nơi chỉ bẫy được một vài lần là bị chúng nhát ngay, lần sau quay lại khó mà dụ được”. Với giới săn chuyên nghiệp, chuyện lên rừng, xuống ruộng đã quá bình thường. Họ hiểu tập tính sinh hoạt, địa bàn cư trú của từng loài một. Các tay bẫy bây giờ ít dùng bẫy lồng, bẫy sập vì kém hiệu quả, họ thường dùng bẫy lưới, bẫy keo với sự hỗ trợ của các thiết bị thu phát âm thanh hiện đại để dụ chim về. Hòe kể trước đây từng có thời gian đi bẫy cò, vạc, nhất là vào mùa thu đông se lạnh bởi nơi đây khá nhiều do gần ven biển, nhiều loài chim dừng chân kiếm ăn, nghỉ ngơi sau chặng đường di cư tránh rét. Chỉ cần có vạc mồi, rồi tìm một khu mặt nước như ao đầm có diện tích lớn, nhiều cây cối bờ bụi cắm mấy cây sào có gắn mô cỏ xuống ao, sau đó buộc vạc mồi vào, bắt nó đứng yên tại mô cỏ đó. Những mô cỏ trống được dính đầy những loại keo đặc biệt. Là vạc mồi khôn, chỉ cần thoáng thấy bóng vạc trời bay qua là nó sẽ phát tiếng kêu gọi bầy hoặc gọi tình... LÊN BÀN NHẬU Dạo một vòng quanh thành phố mùa này không khó để bắt gặp cảnh người dân chào bán công khai các loại chim trời trên đường, nhất là các chợ cóc, ngã ba, ngã tư đến khu vực chân cầu Lạc Long, cầu Rào, cầu Niệm. Chim to, chim nhỏ, con bay trên rừng, con lội dưới nước, con chui trong bụi, con làm mồi nhậu, loại nào cũng có. Đủ loại từ se sẻ, le le, dẽ giun, gà đồng, cuốc nước đến vạc, cò… Giá cả thì thượng vàng hạ cám, đủ cả. Rẻ thì vài chục đến trăm nghìn đồng một con, đắt thì tiền triệu. Cảnh những con chim bị buộc chân lại với nhau, đôi mắt ngơ ngác, đôi lúc thảng thốt vung cánh đập loạn xạ, miệng kêu inh ỏi khiến người đi đường nếu có ý thức bảo vệ thiên nhiên không khỏi xót lòng. Chị bán chim trời ở khu vực cầu Lạc Long vừa đưa tay giữ chùm chim đang buộc chặt vừa quảng cáo: “Em ơi mua vạc đồng về nấu cháo ăn đi. Chim trời chị bẫy được, thịt thơm ngon lắm, bán mở hàng 150.000 đồng/con”. Thấy tôi không mặn mà lắm, chị tiếp tục mời mua sẻ đồng, chèo bẻo về rô ti, nướng sả ớt. Nếu khách có nhu cầu chọn ưng ý, sẽ được người bán dẫn ngay xuống phía dưới chân cầu để nhổ lông sạch sẽ và hướng dẫn cách chế biến cụ thể. Thâm nhập vào giới “nhậu chim”, chúng tôi ngỡ ngàng khi chứng kiến những cách chế biến “độc” để thành những món khoái khẩu. Cò thì thường xáo măng, cu nướng sả ớt, sẻ rô ti, cuốc chiên vàng nhưng giờ cũng đã quá tầm thường. Nếu chưa được nếm rượu tiết chim sẻ, thức uống được rỉ tai nhau “tráng dương, bổ thận, chồng uống vợ khen” thì coi như chưa phải dân sành điệu. Trong một lần trà dư tửu hậu, tôi được Lâm - một bợm nhậu chia sẻ: “Thường xuyên phải giao lưu, ngày xưa đi tiếp khách mà có thịt thú rừng đã là sang lắm rồi, nhưng bây giờ thứ đấy chỉ là dạng vừa thôi, vì toàn đồ nuôi. Đặc sản của giới sành nhậu bây giờ là chim trời”. Lâm kể, có lần được người bạn chuyên bẫy chim ở khu Nam Hải - Tràng Cát đãi một bữa rượu tiết của một ngàn con chim sẻ. Rồi anh ta “lôi” trong ký ức nhậu nhẹt của mình ra vô vàn món ngon được chế biến từ hàng chục loại chim khác nhau khiến tôi cứ phải nuốt nước miếng ừng ực. Xét về mức độ quý hiếm và giá cả thì phải kể đến chim sâm cầm đứng đầu bảng, còn vịt trời, bìm bịp, giang… chỉ đứng hạng nhì với giá từ vài trăm nghìn đồng đến gần 1 triệu đồng/con. Còn những loài chim hạng 3 như cuốc, cò, dẽ giun… có giá vài chục nghìn đồng/con. Trong đó, cùng với sâm cầm, bìm bịp thường được dùng để ngâm rượu. Những loại khác, chủ yếu dùng để chế biến các món ăn như tiết canh, quay, nướng, hấp, hầm măng, xào xả ớt. Món nào cũng ngon, cũng hấp dẫn. Đến hẹn lại săn, những thợ bẫy vẫn ngày đêm tất bật chuẩn bị lưới, lồng, keo bẫy… tận diệt chim trời. Mỗi ngày, có biết bao con chim bị bắt, rồi giết thịt. Việc quan tâm và bảo vệ các loài chim hoang dã là rất cần thiết, nếu không lượng chim trời sẽ giảm đi đáng kể, không những thế còn tăng nguy cơ tuyệt chủng, gây mất cân bằng sinh thái. Đặc biệt, khi những loài chim là thiên địch tự nhiên mất đi, chuột và sâu bệnh sinh sôi nảy nở phá hoại mùa màng. Và có lẽ, đến một lúc nào đó không xa thì với thế hệ con cháu chúng ta, cảnh “cánh cò bay lả bay la” hay chim trời cá nước sẽ chỉ còn được miêu tả trong những bài thơ, trang sách mà thôi... PHÚC HIẾU |
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão